Duy tuệ thị nghiệp - Nội dung thư pháp phản ánh sự thành công

 

Thư pháp Duy Tuệ Thị Nghiệp

Ở bài viết này, chúng ta sẽ lại ngồi phân tích một số từ Hán -Việt thông dụng, mà tớ nghĩ chỉ cần để ý 1 xíu thôi, thì bạn yêu nào cũng sẽ biết mà không cần trãi nghiệm tôn giáo.

Đầu tiên, Sự nghiệp hoàn toàn khác với Nghề Nghiệp. 

Ở đây, chúng ta có thể thấy cách dùng từ của ông bà, vì họ không so sánh Nghề với Nghiệp, mà Sự được ví với Nghề!

Sự ở đây, là vạn sự, là mọi thứ diễn ra trong cuộc sống. Nên khi ghép vào Nghiệp, tức là mọi sự được diễn ra theo lối nhân quả, theo bài học để ta phát triển đến bậc cao cấp hơn của trí tuệ, hay nôm na dân dã là gọi là trưởng thành. Tức luôn luôn, sự nghiệp sẽ mang chúng ta đến con đường của trưởng thành.
Nghề, là cái lao động kiếm tiền nuôi cuộc sống. Hay còn được gọi là mưu sinh. Nghề cũng ghép với nghiệp, vì nghề chọn người để lãnh nghiệp, lãnh nhân quả, cũng giúp bản thân trưởng thành nhưng ở thế bị động hơn.

Bởi vậy, để so sánh, thì Sự nghiệp luôn lớn hơn Nghề nghiệp, và nó bao quát nghề nghiệp, ôm trọn nghề nghiệp. Bởi sự nghiệp cần sự chủ động đầu tư, cần cống hiến, cần xây dựng, cần quá nhiều thứ. Còn nghề nghiệp đơn giản hơn, là đi làm, lãnh kiếp nạn, lãnh lương là hết.

Vâng, bạn yêu chưa hiểu về Nghiệp, thì nói cho nhẹ nhàng, nghiệp chính là quả báo cho những sai lầm mà chúng ta đã tạo ra trong quá khứ. Nó cần được vòng lại để trả cho đúng nhân quả, và sẽ tiếp tục vòng lại với cường độ cao hơn, như một vòng xoắn ốc không hồi kết, cho đến khi bạn yêu học được bài học đó. Nhưng không chỉ thế, nghiệp còn là những kết quả của nhân tốt ( mà bên đạo Phật gọi là phước đức, nhưng đối với tớ thì gom lại 1 từ cho dễ hình dung), khi bạn cho đi thì cũng theo vòng xoắn ốc, trở lại với bạn nhiều hơn. Nên dễ hình dung, tớ sẽ dùng thiện nghiệp và ác nghiệp. Chứng minh được đâu là quả báo phải trả giá, đâu là phước đức được hưởng lộc. 

Lấy ví dụ, tớ từng chứng kiến 1 người, tuổi trẻ ích kỷ chạy theo tình yêu, làm khổ gia đình, khổ cả bản thân. Tuổi lớn vẫn ích kỷ, chạy theo tình yêu, làm khổ con cái, khổ chính mình. Tuổi giá vẫn ích kỷ, chạy theo cái tôi của bản thân, cả đời không vì mình mà vì cái tôi, cái nhu cầu nhỏ bé của chính mình, nên đến gần chết vẫn sống cô độc, bị bạt đãi, trả cho hết những gì đã gây ra.

Mà thực ra là đã trả xong hồi tuổi trẻ, không bị phản bội cũng bị đối xử khốn nạn. Không bị ghẻ lạnh thì cũng bị bạo hành, như cái cách người đó đã làm với người khác. Chỉ là họ không nhận ra, không thay đổi, thì lại tiếp tục phải trả nghiệp. 

Ví dụ này, bảo vệ và xây dựng tình yêu không xấu, nhưng bất chấp hi sinh chính mình và gia đình để chạy theo tình yêu thì rất xấu, là không biết nghĩ cho bản thân lẫn bất kì ai, khổ vì tình. Tình mà khổ là sai bét.

À thế chúng ta đã hiểu nôm na Nghiệp là gì, sự nghiệp là gì, và nghề nghiệp là gì.

Nói vui chớ mấy bạn đi làm hay gặp trắc trở, bạn bảo vui là gặp kiếp nạn, nghiệp tới rồi đó là vậy. Còn bạn muốn thay đổi để trưởng thành, xây dựng sự nghiệp đó có tính cống hiến, giúp đỡ thế hệ sau hay không là chuyện khác. Chớ dăm ba bữa lại đổi nghề thì là nghề nghiệp, chưa phải sự nghiệp.

Trong đạo Phật

Câu “Duy tuệ thị nghiệp” có xuất xứ từ Kinh Bát Đại Nhân Giác (tám điều giác ngộ của bậc Đại nhân, tức của Phật, Bồ-tát...). Kinh do ngài An Thế Cao dịch năm 148, đời Hán Hoàn Đế, được đưa vào Đại Chính Tân Tu Đại Tạng Kinh, số 779. 

Nếu muốn đọc thêm về tương truyền nguồn gốc của câu này, cùng sự phân tích đầy hàng lâm của Phật Giáo, thì đây là link : https://phatgiao.org.vn/duy-tue-thi-nghiep-la-gi-d36599.html
Ở bài viết này thuần về quan điểm, cách hiểu và kinh nghiệm sống của tớ. 

Cơ mà, chúng ta vẫn phải đi qua một số từ chuyên môn căn bản, để dễ hiểu hơn ở câu này.

Ta có Tuệ, tức là trí tuệ. Trí tuệ này không phải chỉ số IQ hay EQ, nó không nói về sự thông minh, mà lại nói về sự thông thái. Tức là những kết luận đã thông qua trãi nghiệm, hoặc được một số hệ thống giáo dục tôn giáo đã ghi chép ( hay Phật Giáo gọi là Pháp). Khả năng hiểu rõ và quan sát rõ chính mình một cách tỉnh táo, không bị cái tôi bên trong điều khiển hay ngoại lực bên ngoài thao túng. Nó là tánh Không, ( theo một số cách gọi của phương Tây), hoặc trạng thái chấp nhận, thức tỉnh, yên tĩnh tuyệt đối ( trong thiền định).

Khi tuệ xuất hiện, thì tự nhiên chúng ta ngộ ra được đâu là đúng, đâu là sai, đâu là điều bản thân hướng tới, đâu là niềm tin từ tận sâu thẳm nơi trái tim mình. Bạn nào thường xuyên nhìn nhận lại chính mình, hay đạt được liên kết sâu sắc với bản thân, lắng nghe được tiếng nói bên trong ( không phải lên đồng nha), thì có thể hiểu được trạng thái này.

Còn xui bận rộn quá, thì nghe kinh phật giảng vậy. Vì Phật cũng giảng tương tự những nội dung đó thôi, bất kì tôn giáo nào cũng giảng dạy những nội dung đó thôi, vì đó là nền tảng căn bản mà bất kì ai cũng sẽ tìm thấy, theo nhiều cách thức.

Cho nên, câu “ duy tuệ thị nghiệp” theo nghĩa đơn giản là lấy trí tuệ làm trọng, chân thành với sự giác ngộ của chính mình, để đạt đến một cuộc sống tỉnh táo, ít bị phiền nhiễu hơn, ít bệnh tâm lý và áp lực bủa vây hơn.

Mọi người sẽ diễn giải nghiệp ở đây là nghề, là sự nghiệp tu hành, nghe cho long trọng. Nhưng, phổ quát mà nói, nghiệp ở đây là nhân quả. Chân thành trong trí tuệ, để biết được bài học của các nhân quả, mới chính là ý nghĩa chính xác của câu nói này. Bởi lẽ khi không có nghiệp tu hành xuất gia, thì câu nói nên được mở rộng hơn cho đại chúng hiểu rõ.

Nó cũng giống như một sự nghiệp nhỏ, nói theo cách này cũng đúng, nhưng không dễ thương và đơn giản. Nên ta hãy nhìn nhận nó theo một cách nhẹ nhàng hơn, tức là luôn luôn ý thức được sự phát triển và nhìn nhận được bài học mà cuộc sống gửi đến, thông qua thử thách, nhân quả, nghiệp lực. 

Tớ đã từng trãi qua trầm cảm. Chỉ đơn giản là một số nghiệp tớ phải trả sớm hơn, trước cả khi tớ bắt đầu phát tâm tạo nên nó. Khi ấy, bản thân tớ chưa đủ vững vàng, trí tuệ còn kém cỏi, không nhận ra đó là bài học dành cho tớ thay đổi bản thân, mà chìm vào trong rất nhiều hố sâu của trách móc, nạn nhân và tiêu cực.

Tớ cảm thấy bản thân quá xui xẻo, khi quá nhiều việc không thuận lợi xảy ra cùng một lúc. Nhưng thực thà mà nói, bản thân tớ khi ấy không nhận ra tớ sống quá lõi đời, thích chà đạp vì lợi ích, cũng rất thích phản bội, hèn nhát. Đúng là không nhận ra. 

Tớ không mê tín, nhưng vẫn có cơ duyên được một số bạn xem tay, xem tướng, và bốc bài cho. Họ ngang nhiên bảo rằng, người như tớ nên nhận ra chính mình, vì không khác gì ác nhân cả. Nếu tớ không thay đổi, chọn lọc tự nhiên sẽ thay đổi tớ, cho tớ outgame trước, trước khi tớ phá quá nhiều.

Tớ thừa nhận, cuộc sống tớ lúc ấy vô cùng tệ, nhưng những việc tớ làm thì cũng không mấy tốt đẹp gì. Và đột nhiên tớ không muốn sống như vậy nữa. Tớ không muốn chịu khổ, vì những nỗi khổ tớ còn không biết vì sao lại ập lên tớ. Nên thay vì quyên sinh, tớ lại có duyên được dẫn dắt bởi cuộc đời, đến với thiền định.

Thật ra là duyên với Phật Giáo cao hơn, vì nhà tớ đều là Phật Tử, tớ tụng kinh từ tấm bé. Nhưng phải nói là đầu óc tớ không được nhạy bén, tớ không trụ nỗi với Phật Giáo đại cương, chớ chưa dám đọc nỗi cuốn nào cao cấp hơn. Cũng không trụ nỗi với các sư thầy giảng pháp, nên thôi, tớ đi theo hành thiền, vì ít nhất nó hành nhiều hơn

Tớ trãi qua vô số khóa thiền vỡ lòng, từ thiền Vipassana, đến kỹ thuật hít thở bằng bụng, và vô số những phương pháp định tâm. Nhưng quả thực là rất khó, bởi lẽ tớ quá thèm khát kết quả. Rồi những khóa thiền ấy đã kết thúc để tớ nhận ra, nghiệp của mình thì không ai có thể hướng dẫn mình nhìn thấy để giác ngộ, và tớ bắt đầu hành trình tự thiền của riêng mình.

Tớ may mắn được cuộc đời ưu ái, có thể nghiêm chỉnh hành thiền hằng ngày mà vẫn đủ điều kiện để học tập và làm việc chuyên môn. Những sau đã quen với kiểm soát tâm và hơi thở, thì lại là những ngày học đối diện lại với những nỗi đau để nhận ra cái sai, cái ngu si của mình ở trong đó.

Đối diện rất nhiều, đôi khi tớ nghĩ, trí tuệ cần quá nhiều bản lĩnh của dũng cảm, bởi lẽ chỉ khi dám đối mặt để tìm ra bài học, thì mới có thể thay đổi bản thân, thay đổi nhân quả, những thử thách mới ngưng tìm về. Mỗi ngày 2 tiếng, chỉ để đối diện với chính mình, trãi qua nỗi sợ, nhìn nhận bài học. Dần dà những bài học cũ sẽ trở về, thử thách việc tớ đã thay đổi bản thân hay chưa, tất cả những hành trình này cần sự quan sát bản thân tuyệt đối, không được chạy theo cái tôi vùng vẫy hay ngoại lực nào tác động. Và học tha thứ, buông bỏ, phát tâm từ bi để cảm thông, thấu hiểu cho những người cho tớ kiếp nạn.

Thất bại thì lại ngồi lại với bản thân, trao đổi và tiếp tục quan sát, tìm cách tiếp tục thay đổi, sửa đối tư duy, hành vi, cách suy nghĩ của bản thân theo điều mà trái tim cho là đúng. Bởi vậy, nhân chi sơ tính bổn thiện, trái tim luôn hướng tớ về một con người thực sự chân thành, khác hoàn toàn với tớ của trước đây.

Hành trình này đến nay là 3 năm. Chưa từng nghỉ ngơi, chưa từng dám chậm trễ. Mỗi ngày đều đặn 2 tiếng, chưa từng vội vã, cũng chưa từng chùn bước. Có rất nhiều hiện thực tớ đã có thể đối diện, mở lòng, nhận sai và sửa đổi. Có rất nhiều mối quan hệ đã được chữa lành, xây đắp vững mạnh. Có những yêu thương đã được tớ gom góp thành nền tảng, và có những nội lực đã được tớ bồi dưỡng từ sự động viên chân thành vào mỗi ngày.

Trong hành trình này, đôi khi tớ tìm thấy sự tương đồng của chính mình với Pháp của Phật Giáo, hay những nền tảng thức tỉnh tâm linh khác, được tớ thu hút về, cũng chính là những niềm tin mà vũ trụ cho tớ biết tớ vẫn luôn đi đúng đường.

Đạo giáo có thể quán chiếu và thiền trong sống, nhưng khả năng tớ chưa đủ để làm điều đó, tớ chỉ có thể tịnh tâm khi thực hành xong các thủ tục hít thở, ngồi với tư thế Kiết già trong Yoga. Lưu ý rằng đây cũng là bài học vỡ lòng của thiền định, là tìm cho được tư thế đủ khiến bản thân thoải mái ít nhất trong vài tiếng không di chuyển. Đứng nằm ngồi, vắt chân tớ đều phải thử qua để hành thiền, và tư thế Kiết già giúp tớ ổn định và vững chãi nhất. Trãi nghiệm của tớ không phải châm ngôn đâu. Bởi thiền định thì phải lắng nghe chính mình, cơ thể thoải mái thì tâm mới tỉnh.

Sau 3 năm, thì tớ như được sống trong mơ với tớ của 3 năm trước. Mọi thứ đều vô cùng vững chãi, dù không thuận lợi thì tớ vẫn đủ bản lĩnh và nền tảng để tin tưởng mà vượt qua. Với tớ như vậy là đủ, tớ không cần tu hành để tim chân lý, ngay từ đầu tớ muốn được sống, được chữa lành, và tớ đã làm được.

“ Duy tuệ thị nghiệp” là hành trình thiền định, và cũng là cả cuộc đời của tớ cho đến hiện tại. Càng ngày tớ càng nhận ra, cả ác nghiệp hay thiện nghiệp đều đang giúp đỡ tớ trở thành một con người hoàn chỉnh hơn, trãi nghiệm một cuộc đời đáng sống hơn. Mà cái lẽ này, khi tớ chưa có trí tuệ, chưa chân thành xây dựng cho mình một trí tuệ mạnh mẽ, thì không thể nhận ra, càng không thể an yên mà nhìn nhận, vượt qua.

Tu sĩ sẽ dùng câu này, để dùng sự nghiệp tu tập như một đời cống hiến và giác ngộ để tìm đến chân lý, trí tuệ tuyệt đối hoàn hảo của chư Phật. Tớ chẳng phải tu sĩ, tớ là một thiền nhân, tớ yêu cuộc đời và tớ yêu chính mình. Cũng câu nói này, mà tớ đã đi được đến nơi tớ được dẫn đường để đến, được sắp xếp để đến, kể từ ngày tớ được sinh ra.

Dĩ nhiên, tớ sẽ còn đi nữa, nhưng là đi với những bước chân tỉnh táo và mạnh mẽ hơn rất nhiều. Và đó chính là thái độ đưa trí tuệ tỉnh thức vào đời sống thường nhật, khi đối diện với những nghiệp quả, những khó khăn.

Sự sống và cuộc đời này liệu có phải là 1 sự nghiệp? Có chứ, sống chính là một nghệ thuật, bởi vậy nên hãy sống nghiêm túc, sống chân thành, sống bỏ công bỏ sức vào xây dựng nên một cuộc sống tuyệt đẹp. Nếu không, chúng ta được sống để làm gì chứ? Và bên trong đó, sẽ còn rất nhiều khía cạnh khác, như nghề nghiệp, gia đình, tình yêu thương, con cái, cộng đồng hay cộng sự đồng hành. 

Những điều này đều sẽ được liên tục bồi đắp, bởi cái thái độ sống chân thành nhất của chúng ta. Đừng than khổ, cũng đừng chịu khổ nữa, bắt đầu sống thôi!


Theo bạn, vị trí của lựa chọn và sự nỗ lực như thế nào trên bước đường thành công? Có người lựa chọn mãi mà không tìm ra con đường mình muốn đi, có người nỗ lực mãi mà vẫn không thành công nổi! Bạn hiểu sao về điều này?

Có một cuốn sách mà tôi khá là tâm đắc muốn gửi đến mọi người, về chủ đề thành công này :”Túi Khôn – Những Mẹo Mực Trên Thương Trường

Tác giả : NormBrodsky - Bo Burlingham”

Đây là sách kinh tế, nhưng tác giả có cùng quan điểm để đi đến thành công như tôi, nên vì vậy mà đối với tôi,.. nó khá dễ đọc. Dĩ nhiên, để nói về thành công thì không thể gom lại ở lĩnh vực khởi nghiệp, kinh tế và giàu có được. Nên hôm nay, tôi sẽ nói nhiều hơn mọi khi, vì đúng, tôi khá là thích cái chủ đề quen thuộc này.

Theo mọi người, thành công là gì nhỉ? Bởi dạo gần đây, tôi đang đứng trước một cuộc khủng hoảng mà tôi không hề thích xíu nào, khủng hoảng tuổi 25. Và thế, tôi vô tình nhận ra, có vẻ từ lúc tôi còn đi học đến giờ, thì thước đo thành công của xã hội đã nới thêm 1 vài chuyên mục nữa.

Như mọi người, một người thành công ở ngoài xã hội thì hội tụ các tiêu chí như sau : “ 1 vợ, 2 con, 3 lầu, 4 bánh”. Đúng, ở mỗi cột mốc thì mình thường thấy mọi người luôn chạy đua để đạt lấy những tiêu chí này. Trẻ con thì đua chạy trên các trung tâm ngoại ngữ, tin học. Người lớn thì đua nhau lên insta khoe body săn, người ế thì đua nhau quẹt phải, mà người đẹp thì so nhau followers. Ôi đã hết thi học kỳ từ lâu rồi, mà nhìn đâu cũng thấy có người đang chăm chỉ.

Tôi sống trong khu lao động, khái niệm thành công này xa xỉ lắm, thường thì tôi thấy mọi người chỉ đua nhau làm sao để đủ cơm qua ngày, đủ tiền học cho bọn trẻ, thế mà đua từ sáng sớm đến tối mịt mù vẫn không thể ngơi tay.

Tôi biết, mỗi tầng lớp, lứa tuổi, đều có những cuộc đua cho riêng mình. Nên từ lúc nào, thành công nó dần trở thành khái niệm trong cuộc đời tôi. Vì thế vinh dự thay, 1 người trẻ như tôi lại có vô số thành công. Để tôi liệt kê nha.

À không phải, là tôi flex nhẹ chứ. Ngày hôm nay, khi tôi ngồi đây viết bài này, tôi đã chữa trị xong bệnh trầm cảm của mình, tôi có một sức khỏe tâm lý đủ ổn định và tốt như bao người. Tôi đã giảm được 5kg kể từ tuần trước, sau khi tôi bắt đầu lập kế hoạch giảm cân, và biên độ lần này ổn, không ảnh hưởng đến cuộc sống của tôi.

Tôi đã nấu thêm được 2 món chay mới. Vị ổn, được mọi người trong nhà khen ngon. Tôi đã có thêm 1 ngày ngồi nói chuyện với người yêu, cũng là bạn đồng hành của tôi ở hiện tại. Và bạn rất hợp tác, cũng rất nuông chiều. Tôi có thể kể mẹ tôi nghe về những chuyến rong rủi của tôi trên thành phố cách nhà 10 cây số, điều mà trước nay tôi từng vô cùng ao ước.

Tôi có thể thiền, và giải quyết xong tổn thương của 4 năm trước, về chuyện nợ nầng. Cũng có thể hiểu và hay đổi bản thân ở cái khoản kém kiểm soát cảm xúc. Và đúng, tôi đã có những giấc ngủ rất ngon, vô cùng quý giá.

Chà, tôi tự hào về tôi dã man, vì mọi người biết không, đây đều là những ước ao của 1 năm trước, 2 năm trước, 10 năm trước. Và đúng, với tôi, thành công là 1 khái niệm, tức là tôi ước mơ 1 điều gì đó, và tôi thực hiện nó, bằng “ nội tại” của mình.

Nói nghe có hơi đa cấp. Nhưng tôi là người dễ hài lòng. Tuy luyện tập cho mình 1 bản năng dễ hài lòng, để có nhiều ước mơ hơn, và dễ thực hiện hơn những ước mơ đó. Tôi không có hay mơ cao sang, ngoài tầm với. Mà tôi thích mơ bé nhỏ, rồi từ từ, sẽ nâng tầm với mình ngày càng cao hơn.

 

~~~~~~oOo~~~~~~~

Tôi ở đây để kể chuyện mà thôi. Vì hồi đấy, vốn dĩ là một đứa trẻ, vốn liếng của tôi duy nhất chỉ là sự lì lợm vượt trội của mình. Đôi khi nó tốt, nó làm tôi không ngại khó, ngại khổ. Đôi khi nó xấu,nó làm tôi cố chấp, gây ra vô số hậu quả mà tôi không gánh nỗi.

Tôi bắt đầu hành trình “ thành công” bằng việc lạc lối trong chính mình. Không biết mình là ai, thích gì, muốn gì, hay đơn giản là có khả năng gì. Tôi đi tìm kiếm đam mê trong cổ tích, vì tôi tin vào một cuốn sách bảo rằng, phải có đam mê thì làm việc mới hạnh phúc. Nhưng thời đó tôi đâu có biết đam mê là gì.

Gia đình cấp cho tôi một bổn phận không phải lo kinh tế, tôi lại bỏ học sớm, đứng chông chênh giữa 1 mớ hỗn độn không biết bắt đầu từ đâu. Khi ấy, ngoài lạc lối ra tôi còn vô cùng sợ hãi, sợ bản thân vì không biết một cái gì nên sẽ sa ngã. Hồi ấy, tôi nổi loạn thiệt, kiếm chuyện hết người này đến người kia, gặp vô số những thất bại trong tất cả những con đường công việc mà mình tùy ý bước đi.

Tôi đã làm 1 số nghề, và kết thúc đều ở “ Không tìm thấy đam mê”. Đúng, tôi khá là thạo để đạt được một cột mốc thành công nhỏ nào đó, cho dù chính tôi cũng không hiểu chính mình, nhưng tôi hiểu việc phải biết đánh giá lĩnh vực, đối tượng, để có kế hoạch hướng đi đúng đắn.

Cách đầu tiên của tôi, là thất bại. Tôi rất lì, nên khi đối diện với những khó khăn, tôi sẽ không ở lại, mà tôi tìm lối khác để bước đi. Ngày xưa, nếu không làm test được thì tôi nghe viết, thấy khó quá thì tôi làm grammar, lại thấy khó thì tôi chuyển qua đối thoại 1-1 với bản xứ. Thấy không tiến bộ thì tôi học từ vựng, chép không nổi thì tôi làm card, mà làm không nỗi thì tôi check giọng trên google. Cái sự linh hoạt của tôi khá ổn định, cho đến khi tôi tìm được cái gì tôi cảm thấy dễ, thì tôi có nhu cầu thử hết mọi optiontrên đời để rút kinh nghiệm.

À, được cái sau này tôi có thể hiểu được ưu và nhược điểm của tất cả các cách tiếp cận ngoại ngữ trên thế giang, mà đi giúp đỡ hậu bối. Cũng được. Ý là mặc dù tôi phải công nhận, là chọn cách này trừ việc lì lợm ra, thì cái sự nỗ lực cũng gấp 5 gấp 7 mọi người. Bởi vì trước khi có được sự lựa chọn đúng, thì tôi đã đi qua 7749 đường lối sai lệch. Cho nên chỉ trừ khi có đủ thời gian và sức khỏe tâm lý, vật lý tốt, tôi cũng không chọn cách gian khổ này. Cố gắng của tôi không chỉ là cố gắng đi hết đường để biết nó sai, mà còn là sự lì lợm khi đi nhiều đường mà vẫn sai, cũng vẫn phải dặn lòng đi tiếp.

Tôi thường chia ra, ví dụ tôi cần bao nhiêu tháng hay năm, để tôi hoàn thành mục tiêu đó, thì tôi chia nhỏ line ra cho dễ thực hiện. Qua mỗi cột mốc, tôi có quyền quyết định có khả thi để tiếp tục hay không. Tôi không tin vào thiên tài, hay các kế hoạch quá ảo ma, phi thực tế để tiết kiệm thời gian. Ấy vì tôi cũng đã từng ám ảnh thiên tài, và đã từng trả 1 cái giá cực kì đắt, khi chơi cái lối nghĩ bản thân hơn người này.

Giống như hồi tôi còn buôn Online, nếu qua 1 tuần mà doanh thu không như dự kiến, là tôi rén, tôi tìm cách liền. Có thể hạ giá, có thể đẩy quảng cáo, có thể làm tùm lum thứ, để xem cách mình đang tiếp cận có đang khả thi không, và cũng không bị rén khi tồn hàng nhiều. Nó phù hợp với tâm lý của tôi, bởi tôi không thích kiên trì cho 1 điều tôi không hề thấy bất kì kết quả nhỏ nhặt nào.

Cho nên, đặt mục tiêu thì tôi nghĩ, nên đặt phù hợp với bản thân, chứ không có chuyện nhắm mắt bước đi được. Có đôi lúc tôi cũng chống chế, rằng đôi khi có những kết quả không thể thấy liền được. Rồi tôi cũng tự vả mặt mình, giả dụ 1, 2 năm đầu không thấy liền thì cũng được đi, nhưng 3 năm mà không thấy, thì đã không đáng để đầu tư tiếp.

Đó là với tôi, còn với mọi người, chuyện nhà đất, chuyện nông sản, chuyện con cái, thì không so sánh được đâu nha, tùy trường hợp mà chia line ra cho hợp lý, và bắt buộc mọi option cần có kết quả để xác nhận tính khả thi.

Tóm lại, kinh nghiệm của tôi, khi xác định được đối tượng ( tạm thời cho là đúng đi), thì muốn chinh phục cần có kế hoạch rõ ràng, tỉ mỉ, xác định đủ rủi ro, chia line ra, và có đủ sự lì lợm cần thiết.

~~~~~~~OOOOOO~~~~~~~

 Ấy lại quay lại cung đàn cũ, vì lúc ấy tôi còn chưa biết bản thân là ai, có khả năng gì, muốn cái gì.

Nên tôi thiền, giao tiếp với bản thân liên tục. Dĩ nhiên, sau quá nhiều đau thương từ việc thích đi 1 mình, thì tôi rút ra kinh nghiệm sâu sắc, là đi theo người đi trước. Ngặt nỗi, kể cả thiền vipassana, hay tham gia khóa thiền của nhiều người, hay cả chỉ đơn giản là kiểm soát hơi thở thôi, tôi cũng không làm được. Như dự đoán, dù sao tôi cũng không thích việc gì quá khó khăn, nên tôi lại chọn cách thiền theo bản thân mong muốn. Tức là từ việc viết lách, mà tôi ổn định được tâm mình, đi sâu vào để chữa lành rất nhiều tổn thương.

Vậy là tôi thiền được 2 năm, gắng kết và tìm hiểu về bên trong cũng được 2 năm. Song song đó, đã có rất nhiều hành trình khác được bắt đầu. Tôi bắt đầu có nhu cầu tìm sự bền vững nhất trong mối quan hệ với bạn đời, tiếp tục tìm kiếm đam mê trong công việc, và tiếp tục chăm sóc bệnh tâm lý của mình.

Trước đây, tôi cứ nghĩ, cứ kiên trì là sẽ đến. Nhưng sau quá nhiều những cuộc hành trình, để tôi không còn đủ sức để chinh chiến nữa, tôi có xu hướng cân nhắc nhiều hơn. Để bắt đầu 1 mối quan hệ, tôi sẽ cân nhắc việc cảm giác thất tình có quay trở lại hay không, hay bản thân sẽ mất thêm bao nhiêu năm để đồng hành cùng người này, và bản thân mình đã sẵn sàng chưa. Để bắt đầu 1 công việc mới, tôi sẽ cân nhắc khoản thời gian để đáp ứng căn bản lĩnh vực này, soi lại nền tảng kiến thức bản thân có phù hợp không, và tôi sẽ có gì, được gì để tôi bắt đầu.

 

Tâm lý tôi yếu đuối, dễ tổn thương, tại vì thất bại nhiều quá nên chai lì thôi, chứ đứng giữa những thứ lớn lao tôi cũng dễ nản lắm. Nhất là ở việc tôi vô cùng ghét việc phí phạm thời gian vào những điều mình không sử dụng được. Tôi hiểu là những đoạn hành trình luôn cần sự bền bỉ chuyên nghiệp, cũng chưa chắc bản thân sẽ không lệch, dư thừa thiếu hụt, nên là vài năm trở lại đây, tôi đã biết cân nhắc tính khả thi, đúng đắn trước khi lao đầu.

 

Sống như 1 con thiêu thân như hồi xưa của tôi cũng được. Nhưng lớn hơn á, đôi khi cân nhắc gia đình, trách nhiệm, và sức khỏe cũng còn gánh nhiều công chuyện khác, nên tôi đúc kết ra được thiêu thân cũng không có lợi lắm. Nếu có đủ dữ kiện để cân nhắc triệt để, thì tôi sẽ quyết tâm lôi ra băm nhỏ hết, trước khi tôi bắt đầu bỏ công bỏ sức vào. Nhiều khi, ngủ tôi còn không muốn dậy, thì lấy đâu ra tâm trạng mà vấp ngã bởi những sai lầm mình đủ sức để lường trước?

 

Ngày trước, chỉ vì in hơn 40 fileexcel lẻ tẻ, mà tôi ngồi cả tiếng, tìm cách gộp chúng nó lại. Nhưng khung giấy của tôi khác với khách, nên tôi rất nhiệt huyết để ngồi chỉnh lại từng tờ. Cái lưng của tôi đã lên tiếng cho điều này, mặc dù tôi khá tự hào vì đó là cách tốt nhất tôi có thể tìm ra thời điểm đó, khi không cần phải ấn lệnh in 40 lần. Tôi đi khoe hết người này đến người khác, vì tôi đỉnh dã man.  Cho đến 1 năm sau, tôi chịu lên google, và phát hiện ra 1 webside cho gộp file, nó chỉ mất đúng 1s để up lên, và nếu không cần chỉnh sửa, thì mất 1s cho nó tự gộp, 1s để down về.

 

Tôi hiểu, cảm giác là cái sự nỗ lực của mình hơi..phí. Ấy mà không chỉ mỗi chuyện đó, nhiều dân văn phòng mà tôi gặp, cũng vô cùng kiên trì trong công việc của mình. Nhưng khi gặp khối lượng công việc lớn, ví dụ như lọc data, hay nhập liệu, hay chỉ thay đổi từ trong văn bản, mà làm thủ công thì chết như tôi. Khi ấy, sự kiên trì sẽ hóa thành cực khổ, công việc rất đơn giản sẽ hóa ra chua chát. Nên tôi quan sát mà rút ra được, nỗ lực đúng đắn sẽ đỡ chua hơn nỗ lực thiêu thân, vì dù sao sức người cũng có hạn. Nếu mà đốt hết vào cách thủ công, thì lấy sức đâu mà nghĩ đến chuyện khác?

Vậy nên, đánh giá đúng năng lực bản thân có trước khi bắt đầu là việc tôi luôn làm. Bởi làm cái gì cũng phải trả giá, nên xác định giá nào saleoff để phù hợp với bản thân mình.

~~~~~~oOo~~~~~~~

Trên nhiều chuyến hành trình, đôi khi tôi còn không rõ bản thân đang ở đâu.

Công bằng mà nói thì tuổi đời của tôi có giới hạn, kinh nghiệm sống không nhiều, mà trí thông minh thì cũng không vượt trội là mấy. Nên ở một số cuộc hành trình, vì đầu tư quá nhiều công sức để thất bại, mà thường là tôi sẽ không thể biết được mình cần làm gì tiếp theo.

Cái đợt mà tôi có ước mơ theo ngành thiết kế( thời điểm đó ngành này đang top lương), mất tầm 3,4 năm gì đó để học phần mềm, đi chụp ảnh. Gần như là tôi dồn hết tâm huyết vào mỗi ngày, để chinh phục những thứ khó nhằn nhất. Tôi không có học căn bản, vì một sự ảo tưởng khá lớn về trình độ của mình. Mỗi ngày trôi qua của tôi chỉ là cắm đầu vào cố gắng, cắm đầu vào để bắt chước làm ra được những tác phẩm như các nghệ nhân trên khắp thế giới. Mọi thứ với tôi quá bao la, vì không chọn bắt đầu từ căn bản, nên cũng không có đường lối, càng không biết khả năng của mình làm được gì.

Rồi tôi đuối, sau vài năm học tập, tôi nộp đơn xin việc vào một công ty thiết kế, và bị từ chối vì trình độ căn bản quá kém, không thể giải quyết được các yêu cầu thực tiễn của người ta. Khi ấy tôi bị sốc, vì cũng đã mất kha khá thời gian miệt mài, nhưng vì không biết mình đang ở đâu, cũng vì không đủ sức để biết được điều đó, nên tôi thất bại.

Lúc ấy tôi có bắt đầu lại không á? Có chớ, bắt đầu lại bằng việc học vẽ, và lúc này mới ngỡ ngàng nhận ra, bản thân không hề có năng khiếu hay sở thích, tôi đã đi một chặn đường rất dài, rất nỗ lực, và mất tầm một thời gian để chấp nhận sự thật này.

Gọi là cú sốc đầu đời của tôi cũng được. Vì quả thực, nếu tôi bắt đầu có bài bản, thì đã có thể nhận ra từ những tháng đầu tiên, chứ không phải là 3,4 năm sau đó. Cho nên, làm cách nào để tôi biết được mình đang ở đâu trong  những chuyến hành trình sau này? Là bắt đầu từ căn bản để có sự nhận định chính xác, có những bước đi có tính toán, để đủ sức lực mà biết được mình đang ở đâu, hay mình có phù hợp không.

~~~~~~oOo~~~~~~~

 

Tôi hiểu là, đa phần mọi người thích chọn công việc theo sở thích, thế mạnh của bản thân, để có thể bước đi nhanh hơn mà đi cũng hứng khởi hơn. Vẫn vậy, nó chỉ thực sự thực tế khi gia đình có kinh tế, và thực sự đủ thời gian để hiểu rõ thế mạnh, thế yếu của mình.

 

Tôi có 1 người bạn, không thân lắm. Bạn có chí lớn, khả năng vô cùng kiên trì, nhưng lại quá khắt khe, từ đó không đáp ứng được sự khắt khe của mình, mất niềm tin vào chính mình. Bạn cũng làm nhiều nghề, có nguyện vọng thay đổi mô hình kinh tế quê nhà, và thực hiện nó vỏn vẹn vài tháng là bỏ cuộc. Sau đó bạn yêu viết lách, đọc rất nhiều sách để miệt mài tìm hướng đi, tìm cái tổng quát mà bạn muốn hướng đến, sau đó lại bỏ vì không đáp ứng được cái vĩ mô đó. Bạn cũng học ngoại ngữ, tìm nhiều cách hay ho, rồi bạn cũng nổi tiếng trong cộng đồng ưa sách, nhưng bạn cũng bỏ, vì bạn không cảm thấy thuộc về nơi đó.

Tôi công nhận bạn giỏi, ai cũng công nhận bạn giỏi. Và có lẽ, chí bạn quá lớn, lớn hơn cả việc bạn có thể hiểu được chính mình. Và bạn đã bị kẹt trong mớ hỗn độn mà bạn tìm ra, vì quá lớn lao nên lạc lõng.

Kể từ lần cuối tôi nhìn thấy bạn, thì bạn vẫn là 1 cánh chim lạc loài. Nhưng tôi nghĩ, chỉ cần bạn đừng phức tạp quá là xong, có nhiều cái lớn lao được hình thành bởi những cái nhỏ nhoi đó thôi. Nhưng có lẽ, mối quan hệ của bạn với bản thân kém quá, nên đã không chịu buông bỏ.

Tiếc ha.

Chị tôi mất tầm 10 năm hơn đi làm, chỉ để trả lời câu hỏi thế mạnh của mình là gì, mà tình nguyện bắt đầu lại, bước chân trên một con đường mới mẻ hơn, khi nỗi lo kinh tế đã tạm thời dẹp xuống. Và đúng, tôi công nhận là vì lựa chọn đúng, nên thay vì mất 5,6 năm như người ta, chị tôi chỉ mất đúng 2 năm, nhiệt huyết đến nỗi, thích đến nỗi, gần như lúc nào cũng vùi đầu vào sách vở.

Đôi khi tôi lại cảm thấy, có vẻ bước đi thôi cũng là một niềm hạnh phúc vô bờ của chị tôi rồi, và thành công cũng đến như 1 việc khả dĩ.

Cơ mà để có được đoạn hùng hồn này, là gần 10 nhảy việc của chị tôi. Làm ở mọi lĩnh vực, mọi chuyên môn, không thể phát triển trong 1 chuyên môn nào cả. Hồi ấy phần cũng do không phải lo kinh tế, lại muốn đi tìm đam mê, nhưng không đủ thông tin để hiểu thêm chính mình, vì thời của chị tôi, internet vẫn còn là điều xa lạ với dân chúng. Dân 8x, đời đầu của 9x ấy. Chị hay giá như hồi đó được như giờ, thì cũng không cần phí phạm thời gian nhiều như vậy.

 

Nên ở cái việc lựa chọn mục tiêu mà mình đi, sẽ đi, để chính xác thì rất mơ hồ, khi có quá nhiều điều kiện áp tải, mà quan trọng nhất là mưu sinh, trách nhiệm tiếp nối truyền thống gia đình, hay con cái, bệnh tật,... Đúng, tôi không phủ nhận, lựa chọn đúng đắn luôn giúp tiết kiệm thời gian, công sức vô cùng nhiều. Nhưng để có lựa chọn đúng đắn cũng cần phần đông may mắn, xuôi dòng, nên thôi, hữu duyên mà đi tới. Nếu mà không đủ điều kiện để xác định đối tượng đúng đắn, thì xác định bản thân đúng đắn trước.

 

~~~~~~~OOOOOO~~~~~~~

 

 

Việc nhìn nhận bản thân và nhìn nhận đối tượng là 2 vấn đề quan trọng khi mà tôi muốn bắt đầu 1 điều gì đó. Ở những việc đơn giản như nấu cơm, tập gym, hay những việc phức tạp hơn như kinh doanh, thay đổi bản thân để trưởng thành. Ít nhất thì tôi cũng hạn chế được nhiều rủi ro không cần thiết, như phí thời gian, hay phí công sức. Vì tôi lười, tôi không thích những điều quá khó khăn.

 

Đôi khi, nhìn nhận sai, hay ảo tưởng quá mức về bản thân sẽ khiến tôi đánh giá sai sức bền của mình, để có những tổn thương không đáng có, như cái ám ảnh thiên tài của tôi. Mà đánh giá sai đối tượng, cũng làm tôi bị ám ảnh, quá khó thì sợ mà dễ quá thì bị sốc, khi thực sự bước chân vào con đường. Dĩ nhiên không phải lúc nào tôi cũng thành công, thường là tôi luôn thất bại nhiều hơn, khi vướng phải 2 điều trên, nên nhiều khi tôi thấy thất bại là chuyện rất bình thường, vì nó giống 1 kinh nghiệm hơn 1 điều gì đó làm nản chí.

Cái người mà lựa chọn mãi không tìm thấy con đường mình muốn đi á, vốn dĩ là do họ chưa hiểu được bản thân mình sâu sắc. Cái này cần sự nghiêm túc và chân thành tuyệt đối, chớ không phải test nhân cách MBTI, test nghề nghiệp, hay xem chỉ tay đâu nha. Hiểu được bản thân và cho phép mình được sống như là chính mình, là một trong những thành công lớn nhất của cuộc đời tôi. Nên rất khuyến khích mọi người quay về bên trong, kết nối lại với bản thân, dành thời gian để thiền định, để hiểu ra mình là ai, đang ở đâu trên cuộc đời này.

Bất hạnh to lớn của tôi, từ trước đến giờ, chính là giai đoạn lạc lõng trong bản thân mình. Vì không biết mình là ai, nên không thể yêu thương, càng không thể tim cách để hòa hợp với bản thân, không tìm được lối đi, dễ dẫn đến việc tôi nghĩ tôi thật vô dụng khi sống trên đời.

Dù sao thì, sau khi đạt được thành công, thông thường là tìm cách để duy trì nó. Bởi vậy tôi mới xem nó như một cột mốc đánh dấu, không phải là kết quả cuối cùng.

Bởi không phải lúc nào tình yêu cũng màu hồng, không phải lúc nào tâm lý cũng ổn định, công việc cũng thuận lợi, hay gia đình cũng bình yên. Nhưng ở bài này thì nên chú trọng vào cột mốc thành công trước đã, Như một cột mốc bé nhỏ, xinh xinh trong đời.

Tôi cũng đã là một người tìm rất lâu để biết đam mê của mình. Sau cùng tôi biết được là bản thân thích ổn định kinh tế hơn là làm việc vì đam mê. Nên tôi từ bỏ khái niệm đam mê ấy, sau tầm 10 năm tìm kiếm con đường mình muốn đi. Nên tôi rất đồng cảm với người mà chọn mãi không tìm thấy con đường mình muốn đi, rất sợ hãi, cũng rất trống trải, bơ vơ. Nhưng sau tất cả, tôi lựa chọn điều phù hợp. Sẽ luôn có thất bại, dư thừa và lệch lạc, và tôi không chọn tiết kiệm những điều đó nếu tôi có thể.

Cái người mà nỗ lực mãi vẫn không thành công nỗi, vốn là do họ không đánh giá đúng bản thân, và đối tượng mà họ muốn thành công. Tìm ra con đường rồi, bước đi trên nó một cách vẹn toàn đâu chỉ có mỗi nỗ lực?

Tôi sẽ không khuyên, ai lại đi khuyên 1 người đã thành công trong việc tìm ra con đường mình muốn chân thành bước đi chớ. Mà tôi sẽ để cho họ tự nguyện thất bại thêm vài lần, để lựa chọn thay đổi, hay lựa chọn từ bỏ. Đối với tôi, không cần quá nhiều công thức, chiến lược, hay tài năng cho một hành trình để làm gì cả. Đủ chân thành thì tự nhiên thay đổi mà tìm ra nguyên tắc từ kinh nghiệm đúc kết của riêng mình. Mà không đủ chân thành, thì ngay từ đầu đã không nên bước đi.

 

Nghiệp của tôi là sống một cuộc đời như một người bình thường. Mà thành công của một người bình thường, dĩ nhiên là cần sai lệch, cần thất bại, cũng cần những cuộc nghỉ chăn. Mình tính đâu có bằng trời tính? Cho nên không sao cả, nếu không kịp thành công. Có một lời bài hát khá hay của Orange:

Chẳng sao đâu nếu ta không huy hoàng

Chẳng sao đâu nếu ta không vững vàng

Cuộc đời đâu có mấy ai dễ dàng

Tìm được vinh quang thành vì sao sáng

 

Nên không sao đâu nha, khi có hơi mất thời gian 1 tí, lệch lạc 1 tí, tốn sức 1 tí trên đoạn đường nhìn thấy thành công của riêng mình. Đừng áp lực quá, thoải mái lên, vì hành trình luôn quan trọng hơn kết quả. Tôi không chắc là mọi kết quả đều xứng đáng đâu, nhưng thật cảm ơn vì đã cố gắng.

Nếu cuộc đời đủ may mắn để biết được chữ “ thành công”, chớ không phải chạy đua mưu sinh, thì tôi nghĩ bạn có đủ thời gian để ngồi lại lắng nghe bản thân mình là ai.

Cuộc đời này có mấy lần 10 năm?


Thanh Phong

Xin chào các bạn, mình là một người thích viết lách và chia sẻ kinh nghiệm

Mới hơn Cũ hơn