Bài tập học viên lớp thư pháp - Nước non một gánh chung tình

Học thư pháp


Trần Bình Trọng trước lúc mất có câu “ta thà làm ma nước Nam còn hơn làm vương đất Bắc”.

Giáo sư Trần Đại Nghĩa bỏ công việc có mức lương cao bên Hoa Kỳ để trở về cùng Bác Hồ giúp đỡ cách mạng Việt Nam. .. còn rất nhiều người tại sao họ có thể lựa chọn một lựa chọn tốt hơn dễ chịu hơn nhưng họ lại không làm thế.

Vậy!

Tiết tháo là gì?

Trung nghĩa là gì?

 

Hồi đấy, ông Trần Bình Trọng là đối diện với cái chết. Còn ông Trần Đại Nghĩa là đối diện với nghèo đói. Ôi 2 nỗi sợ lớn nhất của nhân loại. Nhân tiện, mời mọi người đọc cuốn “ Nỗi buồn chiến tranh- Bảo Ninh”, để có cái nhìn chân thực hơn về cuộc sống mà ông Trần Đại Nghĩa đã chọn. Còn nghe theo tui review, thì khổ dã man.

Tiết tháo và trung nghĩa có vẻ cần đến từ điển, nên tui tra giúp mọi người. Tiết tháo tức là kiên định trong tư duy và hành vi với đạo đức. Còn trung nghĩa là trung thành với việc nghĩa.

Trở lại câu chuyện lịch sử, như mọi người đã biết trào lưu vị kỷ của giới trẻ thế giới hiện này, và thời điểm đưa ra những quyết định trên, ông Trần Bình Trọng vỏn vẹn 26 tuổi, còn ông Trần Đại Nghĩa mới tầm 33 tuổi, đúng vào độ tuổi dân trẻ bây giờ. Hồi xưa mà 2 ông có tư tưởng ái kỷ, thì có lẽ đất nước đã rơi vào cảnh lầm than, và cách mạng Việt Nam hẳn đã còn phải dùng vũ khí cảm tử, hi sinh thêm biết bao nhiêu người mà cũng chưa chắc chiến thắng sớm được như vậy

Nếu có ở gần bảo tàng di tích chiến tranh, mọi người có thể đến tham quan để trãi nghiệm những sử thi thông qua trang sách. Để biết khi ấy, những người trẻ như chúng ta đã thực sự có tư tưởng lớn đến thế nào, đã có thể nghĩ cho tập thể, cho tổ quốc ra sao. Cho nên sau này, có đi ngang đường Trần Đại Nghĩa, hay Trần Bình Trọng, thì mọi người nhớ đến khúc sử thi của những người trẻ như chúng ta nha.

 

Nói một chút về lựa chọn của ông Trần Đại Nghĩa, thì lĩnh vực của ông là nghiên cứu vũ khí quân sự, một trong những lĩnh vực nòng cốt thời cách mạng. Thì sau khi đi du học và nghiên cứu ở nước ngoài, Pháp có mời ông về làm việc, nhưng ông từ chối mà trở về Việt Nam cùng bác Hồ. Nói về đại cuộc khi đó, thì Việt Nam đang thiếu thốn vũ khí, hay phải nói là dùng người chọi xe tăng thì ông bà dùng bom ba càng ( mời mọi người lên tra google), nói đơn giản là 1 người và 1 trái bom, 1 nhát nổ hoặc chết hoặc bị thương.

Nên gần như, sự xuất hiện và ở lại của ông Trần Đại Nghĩa mang tính nồng cốt trong cách mạng thời đó. Mà đối với ông Trần Đại Nghĩa, cũng chính là 1 sự thử thách vô cùng lớn để phát huy trọn vẹn năng lực. Mà như tui được biết, trong thời gian ông chế tạo súng, bom, và những vũ khí mang tính quyết định trong cách mạng, thì môi trường làm việc, sinh sống vô cùng hạn chế.

Ca ngợi tài năng vĩ mô của ông, thì cũng nên ca ngợi ý chí cao đẹp, hào sảng của ông nữa.

Đó là giới trẻ hồi ông bà ta, những tấm gương sáng chói vững vàng của tiết tháo và trung nghĩa. Nhưng trách nhiệm tiết tháo, trung nghĩa nào có dừng lại ở thời chiến, thời bình lại càng phải giữ vững vàng hơn chớ.

Nhưng tui, 1 genz lớn lên đã và đang nhìn thấy quá nhiều thoái trào về mặt đạo đức nhan nhản mỗi ngày. Trên mạng xã hội lẫn đời sống thực tế. Đến mức mà tui thấy một số người đã ngầm khẳng định, tình hình suy đồi về mặt đạo đức đang lan rộng, và giới trẻ bây giờ đang “ hỏng” hết.

Dù sao quy chụp cũng không nên, cái gì cũng có mặt trái và mặt phải. Có điều mặt trái ở mạng xã hội thì hơi nhiều, cũng hơi khó kiểm soát. Mà ngành an ninh mạng lại chỉ có tuổi đời vỏn vẹn vài năm trở lại đây.

Như mọi người đã biết những tư tưởng khá lệch, nhan nhản trên nền tóp tóp để gây sự chú ý, nào là đám cưới giả, bố điên cùng bình rượu mơ, hay hé lô bà già giữa trời đông cô đơn. Xem có vẻ vui, giải trí thiệt, nhưng ranh giới giữa vui và đạo đức lại mong manh quá.

Nói đi cũng phải nói lại, không phải đổ thừa chứ tui cũng là một trong những con kiến đi theo đàn. Đàn nào đông quá thì tui vào góp vui, một trong những chiến tích của tui là drama tẩy chay 1 hoa hậu đạo lý, mà tui và cộng đồng cả chục nghìn người đồng lòng toxic, bắt nạt. Hồi đó tui cũng nghĩ như vậy là chính nghĩa, vì mình đang đào thải cái xấu xí ra khỏi xã hội thôi, trả lại 1 xã hội trong sạch.

Nhưng bây giờ, lại cảm thấy cấn cấn. Vì có chính nghĩa nào lại dùng cách phi chính nghĩa để đấu tranh đâu?

Không lẽ có nhiều người sai đến vậy? Cả chục nghìn người chứ ít ỏi gì đâu? Và đúng, tui chợt nhận ra việc cân nhắc đạo đức khá là hiếm hoi với người dùng mạng xã hội, vì nơi đó không ai biết mình là ai, cũng không ai đụng chạm được đến mình. Và như mọi người thấy, áp lực dư luận dễ khiến nạn nhân rơi vào đường cùng, dẫn đến quyên sinh.

Ờm, sự chinh chiến của tui không dừng lại ở Phở bò, top top hay nền Y, mà còn lang rộng sang các trang báo quốc gia, nơi người già đặt chân đến để bày tỏ quan điểm. Và khả quan thay, tui thấy cũng không khác bọn trẻ là bao. Họ phi đạo đức theo một cách tinh tế hơn, đạo lý hơn, lươn lẹo hơn. Mà hồi nhỏ tui làm gì biết? Tui coi chân lý của người lớn tuổi là chân lý sống của tui, nên vô vàng cái lệch lạc tui đưa vào cuộc sống.

Nó thật sự nguy hại, bởi tui thực sự đưa nó vào cuộc sống. Tui đã tin vào 1 tình yêu “ công bằng “, sòng phẳng ông ăn chả bà ăn nem. Tui đã tin vào việc “ thời nay học giỏi không bằng kiếm được nhiều tiền”, hay ngày xưa vẫn thích thể hiện bản thân bằng cách thao túng và hạ thấp người khác. Và tui mất thêm 1 đoạn thời gian trong đời, để chỉnh lại hết những lối tư duy lệch lạc này. Nên tui tự hỏi, nếu bọn trẻ con tiếp xúc sớm quá, thì không biết tụi nhỏ có kịp chỉnh lại không.

Đó mới chỉ là giữa người dùng mạng xã hội với nhau. Còn rất nhiều chiêu thức lừa đảo, từ các lĩnh vực buông online. Hay lừa người không biết nhiều về công nghệ.

Mà mọi người biết tại sao mạng xã hội lại là lĩnh vực dễ suy đồi đạo đức nhất không, vì nó quá dễ dàng để mắc sai lầm. Nó đề cao tính cá nhân, ích kỷ quá nhiều. Nó hiếm khi đề cập đến những ranh giới của đạo đức, những ảnh hưởng đối với xã hội. Mà nó để người ta được là chính mình, dù chính mình đó là ai, làm gì, có cần phải trả giá cho những việc mình làm, lời mình nói hay không, thì không ai bàn đến. Nó giúp mọi người trốn sau tấm màn tự do ngôn luận, và tự do để là chính mình.

Cả tui và nhiều người đều mang tâm lý, làm mà không phải gánh hậu quả, thì chọn việc khó để làm gì?

Kể cả việc cân nhắc tính đúng sai cũng khó, thì chọn việc khó làm gì?

Có một đợt, khu quân sự chỗ ngày xưa tui học bị ba que thao túng, đăng clip tố giác làm hại nữ sinh. Đợt đấy hình như bắt nguồn từ 1 trang confession nặc danh, dấy lên làng sóng dư luận phẩn nộ cực đoan mà không có ai xét đoán tính đúng sai.

Rõ ràng, cái việc suy xét tính xác thực nó khó hơn rất nhiều việc tức giận và hùa theo lên án, tố giác. Và sự việc lúc đó thực sự đã theo đúng chiều hướng của phản động, vì làng sóng phẫn nộ thiếu suy nghĩ diễn ra quá nhanh, khiến an ninh mạng mất tận 1 ngày mới dập được.

Qua đó tui thấy, nội cái việc cảm thấy có cấn hay không, có nên tin hay không, người ta cũng lười. Cứ thích bảo vệ chính nghĩa, còn bản thân có phải là con cờ bị thao túng hay không thì tính sau.

 

Đúng là nó không khó xơi như cái chết của ông Trần Bình Trọng, hay cái khổ của chiến tranh như ông Trần Đại Nghĩa, nó chỉ đơn giản là tui có nên hùa theo đám đông cho một sự dẫn dắt của 1 đứa phi đạo đức đang giả danh chính nghĩa hay không. Hay tui có nên soi xét sự phẫn nộ của cộng đồng mạng hay không. Làm người tốt là một chuyện, kiên định giữa 1 rừng cám dỗ là 1 chuyện khác.

Lâu rồi tui không dùng mạng xã hội nữa. Vì tui cũng hơi rối với quan niệm lệch chuẩn đạo đức, và quá nhiều sự lươn lẹo, thao túng đến từ vô số cá nhân trên những nền tảng bây giờ. Với tui, một người không có quá nhiều kinh nghiệm sống, tui rất dễ tin vào những câu chữ “ hợp lý” mà những kẻ phi đạo đức thường phát ngôn.

Dạo nọ, có 1 tiến sĩ tự xưng là Tiêu Ớt gì đấy, lên mạng phát ngôn về tầm quan trọng của tình dục trong hôn nhân 1 cách phiến diện. Lúc đó, bạn tui vẫn còn là 1 đứa trẻ chưa qua tuổi 18, được bạn trai dẫn dắt clip của vị tiến sĩ này, nhằm mục đích thao túng bạn. Cũng may tui còn tỉnh táo để níu bạn về. Sau này, vị tiến sĩ này bị bóc bằng giả, và bị tẩy chay trên toàn mặt trận.

Ngoại trừ bạn tui, thì tui tự hỏi, còn bao nhiêu nạn nhân đã vô tư tin lời vị tiến sĩ dỏm này? Bao nhiêu người đã lệch lạc, bao nhiêu cuộc hôn nhân đã tan tành, bởi cái nhận định tào lao, dán mác bằng cấp ảo của con người này? Và họ đã chịu trách nhiệm gì cho xàm ngôn của mình? Chẳng gì cả, ngày ngày vẫn nghêu ngao ảo tưởng trên mạng.

Họ có cân nhắc ảnh hưởng của mình lên xã hội hay không, thì chắc chắn không. Kol đã gần như ít ỏi, thì người bình thường như tui, lại càng hiếm hoi hơn. Dù sao quá dễ để nổi tiếng và kiếm tiền, nên vì thế giá trị tiết tháo, trung nghĩa lại càng không được coi trọng, dẫn đến bọn trẻ con như tui, ngày ngày tiếp xúc với quá nhiều văn hóa lệch lạc dưới cái mác tự do là chính mình.

Người dùng mạng xã hội, và người kiếm cơm trên mạng xã hội, liệu có thể giữ vững đạo đức, kiên định với việc ảnh hưởng tốt lên người theo dõi hay không, thì tui nghĩ vẫn là từ trách nhiệm của mỗi người. Bởi vì nếu bản thân không có nền tảng đạo đức, và kiên định với nó, thì luôn dễ thao túng bởi những thứ quá dễ dàng, nhuốm màu phi đạo đức.

Và hãy nói đến vấn đề ích kỷ.

Tui đã từng là một người rất ích kỷ, nên tui hiếm khi để ý đến lời mình nói có ảnh hưởng đến ai không. Việc mình làm có đang làm tổn thương ai không, có gây hại gì xã hội không.Có lẽ tui cũng không có ranh giới cho sự đạo đức, càng không có nhu cầu kiên trì với nó. Tui trẻ, và tui khi ấy chỉ cảm thấy, chỉ cần không phạm pháp, thì bắt buộc phải luôn nghĩ cho mình.

 

Tui thích cái trò trêu đùa tình cảm của người khác. Khi ấy, tui nghĩ mình như thế thật là được yêu thích. Tui không biết trân trọng một ai kể cả bản thân mình. Một quãng thời gian dài không có câu chuyện tình yêu nào ra hồn, ra dạng. Hay giới trẻ bây giờ gọi là trap ý.

Có lẽ phải sau này, khi bị vứt bỏ, bản thân mới có thể thấm thía lại những trò vui của mình năm xưa là gì.

Không chỉ rong rủi trên mạng mà gây sự, công kích, hạ thấp người khác một cách tiêu cực nhất. Tui cũng gặp rất nhiều vấn đề với gia đình, thích to tiếng, thích giành phần hơn, thích tự do, cũng thích được là chính mình.

Có cô ca sĩ nọ, ăn mặc phản cảm vì muốn được là chính mình. Tui thì nổi loạn hơn thế, tui rất dễ để làm người khác lo lắng cho bản thân. Dễ buông thả, dễ đắm chìm vào những thú vui không mang đến lợi ích gì. Có lẽ chưa đến mức phải bỏ nhà đi, nhưng đó có thể là những chuỗi ngày gia đình sống trong khổ sở, bởi 1 đứa trẻ đang lạc lối.

Đến với mối quan hệ mới, tui cũng không thích tử tế. Thích đòi hỏi, thích gào lên, luôn vô tình trở thành gánh nặng cho tất cả mọi người xung quanh tui. Tui đã đổ lỗi cho 1 xã hội không mấy dịu dàng. Cũng đã trốn sau quá nhiều những lệch lạc đạo đức mà tất cả mọi người đều cho rằng nó quá bình thường.

Rồi tui đến với cú sốc lớn nhất cuộc đời, đó là người bạn duy nhất của tui bị trộm bắt đi và giết chết. Tui đã tìm kiếm ròng rã nhiều tháng, và cũng không thoát nỗi cú sốc ấy. Đối với tui, đó là 1 sự vô nhân tính, và cũng là sự lạnh lẽo nhất trong đạo đức của một con người. Người ta sẽ bắt cóc và muốn bạn bỏ ra 1 số tiền lớn để chuộc về, hoặc là bán cho lò mổ để giết. Người ta kiếm tiền trên sự mất mát của bạn.

Khi ấy, sự ích kỷ và vô đạo đức đó, gần như đã làm tui sốc trong 1 quãng thời gian dài. Trách móc có, căm phẫn có, bất lực cũng có. Chuyện kiếm tiền của người ta quá dễ dàng, chuyện mất mát của mình quá lớn lao. 1 lần lợi dụng như vậy, người ta kiếm được 1 khoản tiền bằng với cả 1 tháng lương của 1 lao động. Nên cái ngành này có đường dây, có nơi tiêu thụ, và tàn nhẫn hơn là nó vẫn luôn xảy ra, người ta không thể làm gì hơn ngoài chấp nhận.

Nên bạn thấy đó, sự lạc lối của mình đôi khi cũng dễ thôi, lắm lúc chỉ là một quyết định nhất thời, ích kỷ không để tâm đến những hậu quả mà nó đem lại cho người khác. Có những hậu quả nhỏ, là tổn thương, là thất vọng hoặc mệt mỏi. Cũng có những hậu quả trả bằng đau thương, mất mát. Thế thì tại sao, họ vẫn an nhiên để sống như một người không tốt được nhỉ?

Tại sao hồi ấy, tui có thể an nhiên để là một người chỉ biết mỗi bản thân được nhỉ?

Trở lại với thế hệ của tui, bọn 2k….

Có một sự thật đáng buồn mà tui nhận thấy được vào ngày nay, người ta thực sự coi thường giới trẻ, đặt biệt là genz. Họ gắng cho chúng tui những từ ngữ như quá dễ tổn thương, thiếu trách nhiệm, và quá yếu đuối. Mắc quá nhiều bệnh tâm lý, nghiện chữa lành, và sống ảo vô cùng. Họ không mong đợi vào thế hệ được tiếp cận với thế giới phẳng, mà luôn cho rằng thế hệ này đang ảo tưởng, không thể sống thực tế.

 

Tui nghe cũng buồn, nhưng tui công nhận. Tui không gom hết tất cả, nhưng đa phần tụi tui sẽ không chịu đối diện thử thách, càng luôn cảm thấy mọi chuyện quá sức với mình. Thói quen dùng mạng xã hội vô trách nhiệm đã vô tình khiến tui không cần dụng tâm suy nghĩ đến hậu quả những việc mình làm. Thói quen tiếp xúc với những hình ảnh, thước phim phi đạo đức, khiến tui còn cảm thấy nó quá bình thường, không còn gì xa lạ để đáng lên án.

Và thế, những đứa trẻ mới ra đời luôn bị sốc trước sự vất vả của những đồng tiền sạch. Khi cả đời đã sống quá dễ dàng, thì không khó lòng mà gục ngã trước những cám dỗ.

Tình dục miễn phí, sugarbaby, hay gia nhập vào những tổ chức lừa đảo. Single mom, truyền thông bẩn, hay chỉ đơn giản là hùa nhau toxic trên mạng xã hội, ngoài cuộc sống. Tất cả đều là những điều rất bình thường, diễn ra hằng ngày ở cuộc sống của tui, mà nếu không luôn giữ cho mình một sự tỉnh táo, hẳn nó sẽ biến thành 1 điều hiển nhiên mà ai cũng đều muốn thử.

Nên là, sau tất cả, thì tui muốn nói như thế này. Bố mẹ tui cách thế hệ tui quá xa để có thể cập nhật hết những khôn lường biến hóa của xã hội ngày nay. Nhà trường của tui giáo dục cho học sinh về việc phải chịu đựng những bạo hành như một lời thông cảm, trường đại học cũng không rà soát được những vấn nạn khi củng cố kiến thức hôn nhân của sinh viên. Tui và các bạn, gần như là phải tự lớn lên, tự xác định những mặt sáng, mặt tối nơi đạo đức, trung nghĩa. Nên tui mong bạn và tui, chúng ta cùng tỉnh táo, để không bị sa đà quá nhiều, tổn thương quá nhiều, vào những điều thao túng.

Để có 1 tình yêu vững vàng, thực sự rất khó khăn. Chúng ta đều phải học cách xứng đáng, học cách yêu thương. Để có thể được đối xử tử tế, chúng ta cũng phải học cách tử tế, điều này không hề dễ dàng. Để không bị ảnh hưởng, không bị thao túng, và không gây họa lên mọi người xung quanh, chúng ta đều phải kiểm soát, xét đoán bản thân liên tục, để không yếu lòng dây dưa vào cám dỗ.

Kiên định là một người có đạo đức, là một người tốt, có ảnh hưởng tốt lên xã hội. Biết suy nghĩ cho mọi người, không chỉ mỗi bản thân. Càng biết cống hiến, biết đối diện thử thách, và biết tin vào bản thân mình nữa, là những bài học mà bất kì người trưởng thành nào cũng cần phải trãi qua. Bởi ngoài kia, có người vì xã hội không dịu dàng, mà ngay lặp tức lạnh nhạt, tha hóa, trở thành một người không biết quan tâm đến ai, như trào lưu vị kỷ mà tui hay các bạn, cũng đã từng chạm đến.

Thì bạn nè, những bước đi đầu tiên đều sẽ rất khó khăn. Giống như ông Trần Bình Trọng, Trần Đại Nghĩa, đó đều là rất nhiều sự cân nhắc, đều là những quyết định khó khăn. Nhưng họ đã không hèn nhát, không chọn lấy điều dễ dàng hơn, điều chỉ có lợi cho bản thân mình. Họ chọn mọi người, và chúng ta cũng vậy, cũng không thể hèn nhát, không thể là 1 genz cứ mãi chạy trốn khỏi thực tế bởi tỉ tỉ áp lực của thế giang.

Vậy hãy mở lòng ra nhé, đó là những bước đầu tiên.

Hoặc chọn thứ làm bạn cảm thấy dễ chịu hơn, dễ dàng hơn cũng được. Ngay cả khi nó là sa ngã, là lạc lối, là những điều sẽ làm người khác tổn thương. Tiết tháo, kiên định làm một người tốt thật khó. Trung thành với việc nghĩa, nghĩ cho mọi người, thật khó, nhỉ? Hãy trở lại là một người không còn ích kỷ nữa, khi bạn cảm thấy ổn hơn nhé.

Không phải chọn cái chết, để gửi lại tiếng thơm muôn đời. Không chọn lấy cái khổ sở, để cứu lấy cách mạng của 1 quốc gia. Chúng ta, cũng chọn tiết tháo, và trung nghĩa. Và nó đơn giản hơn, là chọn sống như một người tốt, có đạo đức. Nhưng lại khôn lường biến hóa hơn. Hi vọng mỗi người trong chúng ta sẽ không vì điều gì mà lựa chọn ích kỷ, hèn nhát chỉ biết nghĩ cho mình. Và bởi vì không chọn những điều dễ dàng đó, nên chúng ta sẽ luôn có thể phát huy được hết năng lực mạnh mẽ của riêng mình.

 

 

Thanh Phong

Xin chào các bạn, mình là một người thích viết lách và chia sẻ kinh nghiệm

Đăng nhận xét

Mới hơn Cũ hơn