Chắc hẳn bạn sẽ luôn nghe thấy mọi người nói về việc phải liên tục luyện tập và không bao giờ được thỏa mãn bản thân mình. Thế nhưng lí do vì sao chúng ta lại cần phải làm thế thì tôi sợ rằng nhiều người chưa thể nào giải thích một cách rõ nét được.
Như các bạn cũng biết, sự hoàn hảo là một điều gì đó mà chúng ta không bao giờ có thể đạt tới được, thế nhưng trong nghệ thuật, người ta vẫn luôn coi sự hoàn hảo là mục tiêu để vươn tới.
Tiến bộ thì rất chậm và "lùi" bộ thì rất nhanh
Giống như việc bạn đang lên lên cầu thang hoặc leo lên núi vậy, chúng ta phải từng bước, từng bước một thật chậm rãi và dần dần mới có thể đạt được đến đỉnh cao, thế nhưng chỉ cần sảy chân một cái thôi là ta sẽ nhào xuống.Để cải thiện khả năng viết thư pháp của mỗi người, chúng ta phải liên tục học hỏi, quan sát liên tục, tự hỏi bản thân liên tục và phải luôn đặt ra các mục tiêu mới.
Tôi còn nhớ vào năm 2012, khi tôi là một chàng trai yêu thích sự tự do và trải nghiệm, lần đầu tiên trong đời tôi phải đối mặt với cảnh túng thiếu do gia đình gặp khó khăn. Trong khoảng thời gian ấy, thi đỗ đại học chính là một trong những mục tiêu khó khăn nhất mà tôi phải đối mặt lúc bấy giờ.
Chính trong thời gian khó khăn nhất của cuộc đời, khi phải lựa chọn giữa sinh tồn và biến mất, chúng ta mới thực sự có được cái động lực để tiến tới một mục tiêu nào đó.
Tôi đã học tập không ngừng, mỗi ngày một bài lịch sử, mỗi ngày một bài văn, để rồi sau 4 tháng ròng, tôi đạt số điểm 20,5 điểm và đủ để đỗ vào ngôi trường đại học mơ ước. Điều này là một trong những việc khiến tôi nhận ra rằng, nếu chúng ta bỏ qua động lực, bỏ qua mục tiêu, thì sự nỗ lực không ngừng nghỉ để học tập, để ôn thi những môn học kia chính là nguyên nhân để tôi đạt được mục đích.
Tại sao tôi nói như vậy?
Trong thời gian đầu tôi cứ học rồi quên, học rồi lại quên, và rồi sau đó tôi nhận ra rằng nếu như mình học một bài lịch sử ngày hôm nay, thì chỉ sau khoảng 1 đến 2 ngày thì bản thân sẽ quên đi khoảng 70 - 80% kiến thức nếu như tôi không ôn luyện lại môn đó.Sau này tôi áp dụng công thức cứ mỗi ngày lại đưa sách vở ra để học lại bài cũ khoảng 1 tiếng trước khi bắt đầu học một môn mới, như vậy tôi có thể vẫn nhớ được kiến thức cũ mà vẫn dễ dàng học thêm vào đầu một đống kiến thức mới.
Trí nhớ của chúng ta được chia ra thành hai loại là trí nhớ ngắn hạn và trí nhớ dài hạn. Nếu ta cứ ôn đi ôn lại một điều gì đó trong một thời gian dài thì kiến thức đó sẽ trở thành kiến thức dài hạn. Giả sử như việc ta học những phép cộng đơn giản như 1+1, 2+2, những kiến thức này lặp đi lặp lại đủ nhiều để chúng ta có thể dễ dàng nhớ được mà chẳng cần phải mất thời gian ôn tập.
Đối với thư pháp cũng như vậy
Những kiến thức thư pháp bạn học tập của ngày hôm nay có thể sẽ mất đi nếu như bạn không ôn lại chúng vào những ngày tiếp theo.
Bộ não và đôi bàn tay của chúng ta cũng hoạt động theo một cách tương tự như vậy.
Hy vọng rằng sau bài viết này, bạn sẽ phần nào hiểu được tầm quan trọng của việc luyện tập thư pháp liên tục.
Nếu có thêm bất cứ câu hỏi nào, hãy để lại bình luận ở phía dưới hoặc liên hệ trực tiếp với tôi nhé.
Thư pháp Thanh Phong thủ bút.