Còn nhớ thời còn đi học tôi là một thằng dốt văn đặc, trong lớp chưa bao giờ điểm văn của tôi được trên 7 điểm. Một thằng nghịch ngợm và cố chấp như tôi chưa bao giờ nghĩ rằng sẽ có một ngày lại ngồi ở đây để giải thích cho các bạn câu tục ngữ "Đi một ngày đàng học một sàng khôn".
Thế nhưng cuộc đời thật khó nói trước được điều gì. Khi tiếp cận với thư pháp, một điều chắc chắn mà bất cứ một người cầm bút nào cũng phải làm đó là hiểu được những ý nghĩa của từng câu nói hay những triết lý nhân sinh của cuộc đời. Bởi tôi biết rằng, khi người ta mua sản phẩm của tôi, thì họ không chỉ mua về một bức thư pháp bình thường, mà họ còn đang đặt lên vai tôi niềm tin và sự tự hào vào một nền văn hóa đậm đà bản sắc của dân tộc.
Tại sao lại là "Đi một ngày đàng học một sàng khôn"
Câu tục ngữ này được mọi người biết tới như là một trong những câu khích lệ ý chí và tinh thần học tập của con người. Về nghĩa đen, câu nói có ý nghĩa rất đơn giản, đó là khi chúng ta đi đây đi đó, chúng ta sẽ có cơ hội được gặp gỡ, được tiếp xúc, được nhìn, được nghe, được thấy những điều thú vị diễn ra xung quanh bản thân mình, những điều mà nếu như chúng ta chỉ ngồi một chỗ thì sẽ chẳng bao giờ có thể thấy được.
Đối với riêng cá nhân tôi, câu tục ngữ này còn khiến cho chúng ta cảm thấy thêm thích thú với chủ nghĩa xê dịch, đi đây đi đó, tìm hiểu những phong tục, tập quán mới lạ. Và trên hết, để học hỏi được điều gì đó mới lạ, thì công việc tốt nhất, chính là xách ba lô lên và đi. Đừng chỉ ngồi một chỗ để rồi tự cho mình là biết tất cả mọi việc xảy ra trong thiên hạ, thế gian ít ai có thể làm được điều ấy.
Trong thời kỳ công nghệ truyền thông phát triển như hiện nay, bạn cứ nghĩ rằng chỉ cần xem xét và học hỏi mọi thứ thông qua cái màn hình máy vi tính là được rồi sao? Thực tế thì cuộc sống không giống như những chương trình đã được dàn dựng, và nó cũng chẳng bị gò bó, hạn chế như khung hình của những chiếc máy quay.
Chỉ khi nào bạn đi, bạn tới và được tận mắt chứng kiến những điều diễn ra xung quanh mình thì khi đó bạn mới hiểu được thế nào là kiến thức, mới nhìn nhận được toàn bộ vấn đề.
"Đi một ngày đàng" tức là đi một ngày đường
Chữ "đàng" trong câu tục ngữ cũng mang ý nghĩa là "đường" (chỉ đường đi, lối lại), hiện nay ở miền Bắc thì rất ít người còn sử dụng chữ "Đàng" trong giao tiếp, thế nhưng ở những bài hát của thiếu nhi như "Lên Đàng" thì có thể vẫn còn rất quen thuộc với nhiều bạn trẻ.
Học một sàng khôn
Việc kết hợp câu này với vế trước của nó đã tạo nên một hiệu ứng so sánh hết sức thú vị, ám thị những thứ bạn thu lượm được từ chuyến đi là rất nhiều, rất hữu ích.
Nhưng tại sao lại là "Một sàng khôn" mà không phải là một "bồ" một "bao"?
Nếu nhìn vào công dụng của cái "sàng" (vật dụng dùng để loại bớt những vật thể nhỏ để giữ lại những vật thể lớn hơn trên bề mặt của công cụ) sẽ thấy được ý nghĩa và sự sâu xa của cha ông ta khi sử dụng từ này để ví ẩn dụ cho câu tục ngữ.
Ham học hỏi không xấu, nhưng nếu như cái gì ta cũng thích, cái gì cũng tiếp thu thì chắc chắn sẽ chẳng thể trở thành một con người có chính kiến. Trí khôn cũng vậy. Đi đây đi đó nhiều thì chính bản thân bạn cũng phải tự biết sàng lọc, lựa chọn những bài học, những kiến thức tốt đẹp để phục vụ cho cuộc sống, để làm cho góc nhìn của bản thân ngày một trở nên sáng rõ.
Đi để học, và học thì phải học những thứ tốt đẹp và tuyệt vời các bạn nhé.
Gợi ý bạn đọc thêm bài viết: Có công mài sắt có ngày nên kim