Ta hay chê rằng cuộc đời méo mó sao ta không tròn ngay tự trong tâm

Ta hay chê rằng cuộc đời méo mó sao ta không tròn ngay tự trong tâm
"Ta hay chê rằng cuộc đời méo mó sao ta không tròn ngay tự trong tâm", một câu thơ vô cùng ý nghĩa, một lời nói mang đến thật nhiều suy nghĩ cho người đọc. Nếu bạn đã từng theo dõi qua tác phẩm thư pháp mà tôi đã viết cách đây không lâu, bài thơ của tác giả Lưu Quang Vũ trong đó có câu nói "Ta hay chê rằng cuộc đời méo mó sao ta không tròn ngay tự trong tâm" Với toàn bộ nội dung cụ thể như sau:

Dù đục, dù trong con sông vẫn chảy
Dù cao, dù thấp cây lá vẫn xanh
Dù người phàm tục hay kẻ tu hành
Đều phải sống từ những điều rất nhỏ.

Ta hay chê rằng cuộc đời méo mó

Sao ta không tròn ngay tự trong tâm?
Đất ấp ôm cho muôn hạt nảy mầm
Những chồi non tự vươn lên tìm ánh sáng

Nếu tất cả đường đời đều trơn láng
Chắc gì ta đã nhận ra ta
Ai trong đời cũng có thể tiến xa
Nếu có khả năng tự mình đứng dậy.

Hạnh phúc cũng như bầu trời này vậy
Đâu chỉ dành cho một riêng ai.

(Lưu Quang Vũ)

Tại sao lại là câu nói này?

Nhiều người bày tỏ quan điểm của họ khi đọc qua bài thơ này, rằng họ cực kỳ ấn tượng với câu thơ "ta hay chê rằng cuộc đời méo mó sao tâ không tròn ngay tự trong tâm". Đi sâu vào suy ngẫm, ta nhận thấy rằng trong câu nói này nổi bật lên cách nhìn nhận vấn đề nơi cuộc sống mà đa số mọi người vẫn hay làm đó là thường xuyên đánh giá sự vật, sự việc hoặc người khác dựa trên chủ ý cá nhân, chỉ có một chiều duy nhất là bản thân ta với cuộc đời, phê phán người khác mà ít khi nhìn về chính mình xem đã làm sai điều gì.

Tôi cũng đã từng là kẻ chê trách cuộc đời

Đúng vậy, trước đây tôi rất hay nóng nảy, và thương xuyên đổ lỗi cho mọi việc không xảy ra theo đúng như ý muốn của mình. Ngày trước tôi đã từng được lãng đạo một tập thể, nhóm của tôi gồm có năm người, và sản phẩm của chúng tôi tung ra thị trường lúc bấy giờ chỉ mang lại doanh thu rất ít, có những tháng thu không bù chi và mọi người thường đổ lỗi cho số phận, cho nền kinh tế quá eo hẹp, cho sự cạnh tranh khốc liệt và thực tế thì tôi cũng có phần trong vụ đổ lỗi ấy.

Thế nhưng sau này khi đọc được cuốn sách "xây dựng cơ nghiệp bạc tỷ" của Adam Khoo, tôi mới nhận ra rằng nếu mình không thành công thì trước hết phải xem lại chính mình đã, xem xem liệu cách làm của mình có đúng đắn, có chính xác hay không trước khi "đổ lỗi" cho người khác.

Và tôi thấy lúc bấy giờ rất đúng với câu nói của hiện tại. 

Đôi khi ta hay chê cuộc đời này không như ta mong đợi, nhưng chính ta cũng phải tự hỏi rằng bản thân mình đã làm gì để cải thiện cuộc đời này, tâm hồn ta có thực sự đủ tư cách để nhìn nhận và phê phán nó hay không. Chính vì thế, trước khi chúng ta nản chí với dòng đời vạn biến, tôi nghĩ tốt nhất là chúng ta nên tự mình làm "tròn" cái tâm. Giữ cho cái tâm luôn bất biến giữa dòng đời vạn biến.

Trong thư pháp, tôi nhận thấy rằng có rất nhiều người mặc dù viết chữ nhưng rất hay để ý tới những điều giống như vậy, cái tâm của họ không đủ tĩnh lặng để lắng nghe, hễ thấy ai phê phán gì là lại nhảy dựng lên, thấy chữ ai không vừa mắt thì cũng lớn tiếng chỉ trích mà chẳng cần biết bản thân đang ở mức độ nào.

Tôi chỉ hy vọng rằng, sau bài viết này, quý độc giả sẽ có được sự nhìn nhận một cách thấu đáo mọi sự vật, hiện tượng. Nhất là trong những trường hợp tiêu cực, chúng ta vẫn giữ được cho mình sự bình an nơi tâm khảm để không bị rơi vào thế bí của cuộc đời.

Thư pháp Thanh Phong thủ bút
Thanh Phong

Xin chào các bạn, mình là một người thích viết lách và chia sẻ kinh nghiệm

Đăng nhận xét

Mới hơn Cũ hơn