Những sai lầm của tôi - một người viết thư pháp mới

Những sai lầm của tôi
Sau bài viết “Tầm quan trọng của bạn đối với thư pháp Thanh Phong” tôi sợ rằng những người chưa biết đến tôi ngay từ đầu có thể đặt ra một số câu hỏi như “Tại sao tôi phải nghe Thanh Phong nói?” hoặc “hắn là người như thế nào, đã có được những thành tựu gì để mà lên lớp dạy đời người khác như thế?” và vân vân, mây mây những câu hỏi khác.

Điều đầu tiên mà tôi muốn nói với mọi người chính là

Lý do tôi viết những bài viết này

Tất cả đều dựa trên những kinh nghiệm và những sai lầm mà tôi mắc phải trong cuộc sống hàng ngày và trong quá trình tôi tiếp xúc với bộ môn nghệ thuật thư pháp Việt.

Chính những vấp ngã đã khiến cho tôi ngộ ra được nhiều điều, và như bạn biết đấy, một cái Blog thì giống một cuốn nhật ký mở hơn là những trang báo mạng.

Nó cho phép những người sở hữu thể hiện công khai những quan điểm của mình trên đó, và như tôi đã nói trong bài trước, rằng bản thân tôi chẳng thể nào làm hài lòng được tất cả mọi người.

Nếu như quý độc giả vẫn nghĩ rằng tôi là một kẻ không đáng để lắng nghe, thì tôi nghĩ mối “nhân duyên” giữa chúng ta nên tạm gác lại.

Nếu bạn ủng hộ tôi, xin hãy tiếp tục lắng nghe câu chuyện này, câu chuyện nói về những sai lầm của tôi, những sai lầm một người viết thư pháp tại Hà Nội mới bước chân vào nghề vẫn thường hay gặp phải.

Chỉ nghĩ đến cái lợi của bản thân mà không nghĩ đến lợi ích của người khác

Trong thời gian đầu tiên khi mới bước chân vào bộ môn nghệ thuật thư pháp Việt, tôi đã rất xốc nổi, nôn nóng khi mong muốn ngay lập tức được thật nhiều người biết đến và ủng hộ mình, mặc dù mục đích là rất dễ hiểu nhưng đó lại là sai lầm đầu tiên của tôi trên con đường chinh phục cái đẹp.

Chính vì mong muốn đốt cháy giai đoạn mà tôi rơi vào sai lầm này, tôi chỉ biết đến cái lợi của bản thân mà quên đi lợi ích của người khác.

Tôi cứ nghĩ rằng mình sẽ viết thật nhiều bài viết, đăng thật nhiều tác phẩm lên các trang mạng xã hội, tổ chức thật nhiều chương trình là có thể thành công.

Thực chất thì tôi đã sai lầm, khi ngay đầu tiên tôi đã không nhận ra rằng mọi người yêu quý tôi hơn bởi chính các sản phẩm tôi làm ra trước hết phải thực sự đẹp và mang tính thẩm mỹ cao.

Việc cố kiết chạy theo số lượng mà quên đi cảm xúc của người xem đã phần nào khiến cho tôi mất đi rất nhiều thiện cảm.

Về sau khi nhận ra sai lầm nghiêm trọng này, tôi đã đầu tư hơn rất nhiều về kiến thức, kỹ năng bút pháp, tôi cố gắng rèn luyện miệt mài hơn, chăm chỉ hơn để chữ ngày một đẹp thêm và chú trọng vào tính nghệ thuật của tác phẩm.

Những bức thư pháp họa Quan Công, thư pháp Quan thế âm bồ tát, thư pháp Lão Tử gần đây được rất nhiều người đón nhận là minh chứng cho những cố gắng mà tôi được đền đáp.

Chỉ nghĩ rằng đăng càng nhiều bài lên càng nhiều nhóm thì càng tốt

Mặc dù các sản phẩm được sáng tác ra đều là những đứa con tinh thần mang ý nghĩa rất lớn đối với một người viết chữ, nhưng sự thực thì đó chỉ là vấn đề của cá nhân bạn chứ không phải của những người khác.

Trước đây tôi cũng thường suy nghĩ như vậy, và mỗi khi sáng tác ra được một tác phẩm nào đó là ngay lập tức chia sẻ nó với hàng loạt các hội nhóm liên quan đến thư pháp.

Tôi không biết rằng chính những hành động này của mình đã khiến cho nhiều người cảm thấy không được thoải mái khi trang cá nhân của họ bị hàng loạt các thông báo có cùng một nội dung hiện lên làm phiền.

Việc chiếm cảm tình của mọi người thực sự không hề dễ dàng, khi tôi trước đây cứ nghĩ rằng đăng thật nhiều bài viết lên các trang thì mọi người sẽ ủng hộ nhiệt liệt nhưng thực tế, có rất ít người quan tâm đến nó vì chất lượng của thông tin đã bị phân tán rất nhiều.

Một người sẽ chỉ thực hiện một thao tác like hoặc chia sẻ bài viết nhiều nhất 1 lần cho nội dung chúng ta đăng tải mà thôi.

Đây là sai lầm thứ hai của tôi, mà sai lầm này thì tôi nghĩ rằng cũng khá nhiều người sẽ mắc phải.

Tự kiêu tự đại, tự coi mình là nhất

Đúng vậy, tôi cũng từng suy nghĩ rằng chẳng có bất cứ ai đủ khả năng để nhận xét hay chê bai tác phẩm của tôi, thậm chí đã từng rất tức giận khi một người chưa từng cầm bút, chưa từng viết được nổi một tác phẩm nào lại nhận xét bức thư pháp của tôi là xấu xí, cẩu thả.

Tôi biết nhiều người trong giới thư pháp cũng có những suy nghĩ tương tự, thậm chí còn đặt ra một cái “luật”, ấy là chỉ khi nào anh có những tác phẩm đẹp hơn, có nhiều đóng góp hơn cho cộng đồng thì anh mới có thể bình phẩm về người khác.

Có những người chỉ vì vài lời nhận xét, góp ý từ người khác mà quay lại chửi rủa, thóa mạ về trình độ hiểu biết, khả năng viết của đối phương khiến cho hình ảnh của những người cầm bút trở nên xấu đi trong mắt công chúng.

Đối với Thanh Phong, mặc dù trước đây tôi cũng mang trong mình tâm lý khá khó chịu nếu ai đó nhận xét về tác phẩm của mình, nhưng đứng trên lập trường của những người thưởng thức, tôi nhận thấy việc một ai đó đóng góp thêm cho tác phẩm của mình thực sự là một điều rất đáng trân trọng.

Tại sao lại như thế ư? Để tôi giải thích với các bạn thế này:

- Thứ nhất là, điều gì khiến bạn đăng tải những tác phẩm mình sáng tác lên các hội nhóm thư pháp? Nếu không phải vì mục đích nhận về những lời đóng góp chân thành từ người khác thì chẳng nhẽ chỉ để khoe mẽ cái tài năng của mình thôi sao?

- Thứ hai là, đăng các tác phẩm thư pháp lên những hội nhóm ấy sẽ giúp bạn được điều gì? Chẳng phải sẽ giúp bạn nhận ra được những điểm bất hợp lý mà rất có thể khi bạn sửa chữa lại, bức thư pháp ấy sẽ được bán với giá cao hơn bình thường thì sao

- Thứ ba là, nếu bạn chỉ đăng bài lên mà không sẵn sàng đón nhận những lời phê bình, thì liệu sau này có còn ai đóng góp thêm cho bạn nữa?

Để ý quá nhiều đến hình thức

Trước đây tôi cứ nghĩ rằng phải đầu tư thật nhiều vào các dụng cụ viết thư pháp (tham khảo: kinh nghiệm lựa chọn văn phòng tứ bảo) như loại giấy, đầu tư vào những cây bút thật đắt tiền thì nó mới khiến cho nét chữ của tôi thêm đẹp.

Điều đó đúng nhưng chỉ là một phần mà thôi, giấy viết hay bút viết chỉ là yếu tố bổ trợ thêm cho nét bút của chúng ta, có thể người xem nhìn vào thấy “Ôi! Người này dùng loại giấy đắt tiền thế này, chữ nghĩa thế kia chắc là đẹp lắm!” nhưng sự thực thì nó chỉ là những suy nghĩ nhất thời.

Quan điểm của tôi là “Nghệ thuật phải làm cho cái đẹp được tái sinh”, tức là bất cứ ở thời điểm nào, trong hiện tại cũng như trong tương lai, bất cứ lúc nào chúng ta nhìn lại bức thư pháp mà mình vẽ chúng ta cũng phải cảm nhận được cái đẹp, cái ý nghĩa của tác phẩm, mà để làm được điều đó, hình thức chỉ chiếm một vị trí hết sức nhỏ bé mà thôi, cái quan trọng phải nằm ở khả năng bút pháp, khả năng sáng tạo, sự thả hồn, xuất thần của người viết với con chữ.

Tôi rất hy vọng rằng thông qua bài viết này, quý độc giả sẽ hiểu hơn phần nào đó con người của tôi, cũng như đối với những người đang theo đuổi nghệ thuật thư pháp Việt có thể tự soi mình trong đó, để thấy được điều gì đúng, điều gì sai, điều gì cần phải bổ sung, điều gì cần phải chỉnh sửa.

Mọi đóng góp của quý vị bằng hữu gần xa, sẽ là nguồn động lực to lớn cho thư pháp Thanh Phong tiếp tục cố gắng và nỗ lực hơn nữa, cũng như góp phần vào củng cố thêm những nền tảng lý luận cho bộ môn nghệ thuật này được đông đảo quần chúng đón nhận hơn.

Chính vì vậy, hãy giúp tôi chia sẻ bài viết này trên trang cá nhận của các bạn, hoặc để lại các những bình luận, những quan điểm của riêng bản thân bạn để bài viết thêm hoàn chỉnh.

Thư pháp Thanh Phong thủ bút

Thanh Phong

Xin chào các bạn, mình là một người thích viết lách và chia sẻ kinh nghiệm

Đăng nhận xét

Mới hơn Cũ hơn