Kinh nghiệm mở cửa hàng thư pháp


Kinh nghiệm mở cửa hàng thư pháp

Trong bài viết ngày hôm nay tôi sẽ chia sẻ với những bạn đang muốn mở cửa hàng thư pháp những kinh nghiệm trong thực tiễn, quá trình tôi biến ý tưởng kinh doanh của mình thành hiện thực. Với một vài những gợi ý nho nhỏ dưới đây, tôi hy vọng bài viết này sẽ giúp ích được cho những ai đang mang trong mình niềm yêu mến nghệ thuật thư pháp chữ Việt và cũng mong muốn gắn bó với nó có thêm những cái nhìn chuẩn mực nhất, khách quan nhất để khởi nghiệp hiệu quả.

Các bước chuẩn bị đầu tiên

1. Không gian cửa hàng

Việc lựa chọn cho mình một địa điểm thích hợp để bắt đầu bán tranh là công việc tôi thấy khó nhất, việc làm này vừa giúp chúng ta có được một nền tảng vững chắc để bán hàng vừa là cơ sở để chúng ta quảng bá sâu rộng thương hiệu đến với nhiều người hơn nữa.

Những nơi thích hợp để chúng ta mở cửa hàng thư pháp chính là những nơi ở gần chùa chiền, miếu mạo, nơi mà mọi người hay lui tới để tìm sự nhẹ nhàng, thanh tịnh, một đoạn đường có quang cảnh nên thơ, trữ tình, hàng cây xanh cổ thụ cũng là lựa chọn tốt… và tất nhiều nên là những nơi có đông người qua lại.

2. Sắp đặt vị trí của từng loại mặt hàng

Cửa hàng thư pháp một khi đã được xây dựng xong thì chúng ta cần phải nghiên cứu thật kỹ lưỡng những vị trí thích hợp để đặt những loại sản phẩm phù hợp. Trong thư pháp có những tác phẩm rất đa dạng về kích thước màu sắc, chưa kể đến có những sản phẩm điển hình như câu đối, hoành phi, tam đa, tứ bình… đều phải tính toán sao cho không phá hỏng không gian của cửa hàng mà vẫn đảm bảo thâm mỹ, khách quan và thật đẹp.

3. Quầy thu ngân

Phần cứng của mỗi cửa hàng chính là quầy thu ngân, nơi mà khách hàng sẽ đến để hỏi các thông tin về sản phẩm, thanh toán cho đơn hàng. Quầy thu ngân cần phải được làm một cách chuyên nghiệp, khoa học, đem đến cho khách hàng cảm giác gần gũi, dễ dàng nhìn thấy máy thanh toán, tiền của họ.

4. Để khách hàng trong tầm mắt

Nhưng đừng khiến cho khách hàng cảm thấy như họ đang bị theo dõi. Vấn đề này liên quan mật thiết đến việc bạn sắp xếp các loại mặt hàng trong cửa hàng thư pháp sao cho khoa học để vừa tiện cho việc quan sát khách hàng, vừa giúp khách hàng trải nghiệm tốt nhất không gian cửa hàng thư pháp. Tuy rằng vấn đề trộm cắp trong các cửa hàng thư pháp khá ít so với những loại mặt hàng khác, nhưng cũng không phải là không có.

5. Nguồn nhân lực chủ yếu là gì

Mỗi một cửa hàng thư pháp khi được thành lập nên đều cần những nguồn nhân lực thật sự chuyên tâm, yêu nghề. Nhìn chung thì chúng ta có 04 vấn đề chính cần quan tâm đến lúc này đó là: Tài chính của cửa hàng, sản phẩm của cửa hàng, nhân sự và vấn đề truyền thông.

Vì vậy, bạn cần xác định rõ những nhiệm vụ chính của từng nhân viên trong cửa hàng sẽ làm gì, nếu như bước đầu vốn bạn còn ít, thì cũng có thể một mình gánh vác tất cả những công việc trên, tuy nhiên ít nhất cũng phải tìm cách san sẻ bớt các đầu việc và tính kế lâu dài nếu như bạn không muốn bị ngập đầu trong các công việc.

Thu hút khách hàng

Tiếp theo là phần khá quan trọng đây, thu hút khách hàng đến với cửa hàng của chúng ta thì cần phải trải qua bao nhiêu công đoạn và những công đoạn ấy là gì. Tôi sẽ liệt kê ra một số những phương pháp chính mà tôi hay sử dụng

1. Thành lập các trang mạng xã hội và chạy quảng cáo

Facebook hiện nay là một trang mạng xã hội khá uy tín, nếu như bạn đang có cửa hàng thư pháp tại Hải Phòng, bạn có thể mở một fanpage có tên như “Thư pháp Hải Phòng” và đăng tải các sản phẩm của cửa hàng lên đó, chạy quảng cáo để thu hút người xem, nhờ bạn bè người thân chia sẻ trang để tiếp cận với nhiều khách hàng hơn nữa.

2. Làm website, seo từ khóa lên top Google

Bạn tưởng tượng rằng khi khách hàng ngồi ở nhà và họ nảy ra ý tưởng mua bán sản phẩm thư pháp, họ sẽ tìm kiếm điều gì đầu tiên? Chắc chắn là những từ khóa như “tranh thư pháp”, “mua thư pháp” rồi đúng không? Họ tìm ở đâu?

Ở Việt Nam, trang tìm kiếm Google là phổ biến hơn hết, chính vì thế bạn hãy đầu tư một vài triệu đồng để lập ra một website bán hàng, sau đó nhờ các công ty chuyên nghiệp Seo (tối ưu kết quả tìm kiếm lên vị trí đầu tiên cho mỗi từ khóa) website đó cho bạn.

3. Tổ chức các chương trình, phát tờ rơi,…

Tổ chức các trương trình tri ân khách hàng, khai trương, viết tặng miễn phí sẽ là phương thức hữu hiệu để khách hàng biết tới cửa hàng của bạn, bên cạnh đó cố gắng phát tờ rơi để quảng bá cửa hàng với hàng xóm, láng giếng, biết đâu đó cũng là những người khách của bạn trong tương lai thì sao.

4. Đánh giá lại hiệu quả

Sau một thời gian nhất định, bạn nên xem xét lại hiệu quả của toàn bộ quá trình, cách làm nào đem lại khách  hàng cho bạn, cách làm nào thì không. Làm thế nào để tăng lợi nhuận thêm nữa.
Bên cạnh đó bản thân bạn cũng cần thường xuyên phải đánh giá thị trường để xem xét thị hiếu của người tiêu dùng. Nếu như là những tháng trong đầu năm hoặc giữa năm thì nên chuẩn bị các sản phẩm tranh tứ bình, tranh thủy mặc… gần cuối năm thì chuẩn bị trước các sản phẩm liên quan đến tết, đoàn tụ, tranh tam đa,…

Kiểm soát hàng hóa

Vấn đề lựa chọn tác phẩm thư pháp để bán là một khâu khá quan trọng, bức thư pháp như thế nào thì đáng giá và khách hàng thích mua những loại gì đều phải dựa vào những kinh nghiệm trong thực tiễn, dưới đây là một số lời khuyên của tôi giành cho bạn.

1. Tìm kiếm nguồn hàng chất lượng

Bạn có thể lên các trang mạng xã hội để tìm kiếm những người viết thư pháp uy tín, cung cấp dịch vụ viết thư pháp chuyên nghiệp. Mời họ cùng tham gia cộng tác bán hàng và ký gửi sản phẩm tại cửa hàng của bạn.

Chính bản thân bạn cũng cần phải học hỏi và có một chút vốn liếng kiến thức về thư pháp để còn chào bán cho khách hàng của mình, vì thế hãy tham khảo một số trang blog về thư pháp để biết được những kinh nghiệm của người đi trước.

2. Quản lý hàng tồn kho

Đối với những loại hàng tồn kho các bạn có thể sử dụng vào các chiến dịch tri ân khách hàng, hoặc gửi lại cho người viết chữ (vì chúng ta nhận ký gửi thì lúc nào cũng có thể trả hàng lại cho người viết).

3. Chú ý về mặt pháp lý

Bán thư pháp cũng giống như những sản phẩm khác, chúng ta phải đăng ký với các cơ quan nhà nước về vấn đề thuế thu nhập, và quyền kinh doanh, thế nên bạn cũng cần phải chắc chắn những việc làm này tuân thủ đúng theo trình tự, thủ tục của pháp luật.

Đừng quên vấn đề về nhân viên

Sau một thời gian bán hàng nếu cảm thấy hiệu quả, bạn cần dần dần thuê thêm một số người làm cùng để khuếch đại tính hiệu quả của công việc, làm tăng thêm giá trị cho cửa hàng của mình. Để làm được việc này, cần thiết phải trải qua các bước

1. Tìm kiếm người làm

Trên các trang mạng xã hội hiện nay cũng có rất nhiều dịch vụ ứng tuyển việc làm, bạn có thể lựa chọn một vài người trên đó hoặc tự mình tìm kiếm những người thân, bạn bè để cùng làm.

2. Quản lý nhân sự

Cần phải có một hệ thống đánh giá các đầu việc, chế độ lương thưởng, đãi ngộ xứng đáng để giữ chân nhân viên và thu hút thêm người khác vào làm việc cho bạn. Như đã nói ở trên có rất nhiều các công việc cần phải làm, chính vì vậy việc bạn càng san sẻ gánh nặng cho người khác, bạn càng dễ dang hơn trong việc quản lý cửa hàng.

3. Đào tạo họ

Đừng quên truyền đạt lại và đào tạo những người mới. Vì có rất nhiều người sự nhiệt tình thì thừa nhưng kinh nghiệm thực tiễn lại ít, nên việc hỗ trợ họ để có thể hiểu hơn về cách làm, cách kinh doanh các sản phẩm thư pháp là vô cùng quan trọng.

Trên đây là một số kinh nghiệm của bản thân mình trong việc khởi nghiệp từ việc mở cửa hàng thư pháp. Rất hy vọng bài viết này sẽ giúp ích thêm được cho bạn trong con đường khởi nghiệp sắp tới.

Thư pháp Thanh Phong | Đăng ký dịch vụ viết thư pháp theo yêu cầu tại đây
Thanh Phong

Xin chào các bạn, mình là một người thích viết lách và chia sẻ kinh nghiệm

Đăng nhận xét

Mới hơn Cũ hơn