Tổng quan về Nghệ thuật thư pháp Việt

Tổng quan về Nghệ thuật thư pháp Việt


Mỗi người trong chúng ta có nét chữ không giống nhau. Qua nét chữ, có thể đoán được tính cách của mỗi con người, chính vì thế mà khi thể hiện chữ, mỗi chúng ta cũng cần sự tập trung để câu chữ thực sự thể hiện được những lời tâm sự, sự trải lòng của bản thân mình. Người viết chữ đẹp bao giờ cũng được chú ý hơn cả vì đó là sự trật tự, ngăn nắp. Từ chỗ trật tự đó người viết chữ siêng năng rèn luyện, trau dồi để nâng vẻ đẹp vốn có của ngôn ngữ tiếng Việt lên một tầm cao mới thông qua cách thể hiện chữ viết. Lúc này đây, thông điệp của câu chữ không chỉ mang một chức năng thông thường là truyền tải thông tin hữu hiệu, mà còn toát lên vẻ đẹp có thần.

Người ta gọi đó là nghệ thuật thư pháp. Đây là cách gọi phụ thuộc vào mỗi người. Nhưng với những ai am hiểu về loại hình nghệ thuật này thì gọi một cách gần gũi, dân dã nhất đó là nghệ thuật viết chữ đẹp. Vậy nghệ thuật thư pháp nói chung và nghệ thuật thư pháp tiếng Việt nói riêng là gì và ra đời từ bao giờ, chắc chắn điều này vẫn có nhiều người còn chưa rõ. Trong phạm vi hiểu biết của mình, người viết bài này không đi sâu vào nguồn gốc của thư pháp chữ Hán, mà chỉ đề cập nghệ thuật viết chữ đẹp ở chữ Việt, hay chữ quốc ngữ, hay...ta có thể gọi như trên là nghệ thuật thư pháp tiếng Việt.

Có thể hiểu “thư pháp” là cách thức, biện pháp để viết chữ đẹp, sử dụng bút lông, mực xạ để thể hiện các nét chữ trên các chất liệu giấy. Vậy nghệ thuật thư pháp là nghệ thuật viết chữ, hay nói khác đi là nghệ thuật thể hiện chữ viết. Nghệ thuật nằm trên tầm bình thường một bậc, có thể lấy một ví dụ như việc bất cứ ai cũng có thể viết thư pháp, nhưng để nâng nó lên đến tầm nghệ thuật thì ít ai có thể làm được. Tại sao lại thế? Vì mỗi nét chữ trong thư pháp bao giờ cũng chứa đựng hai vẻ đẹp : vẻ đẹp thẩm mỹ (bên ngoài) và vẻ đẹp tiềm ẩn (bên trong).

- Vẻ đẹp thẩm mỹ bên ngoài luôn cuốn hút ngay từ phút đầu người xem thưởng ngoạn, đơn giản vì đó là chữ đẹp với những cách kết hợp bố cục hết sức đặc biệt, hàng với hàng, chữ với chữ sao cho hài hòa và bắt mắt. Nói một cách khác, đó là nét phóng khoáng mà chẳng phóng khoáng, chặt chẽ mà chẳng gò bó của người cầm bút. Sự sáng tạo nghệ thuật đều không chỉ là thẩm mỹ mà còn là bộ phận tạo thành của văn hóa.

- Vẻ đẹp tiềm ẩn luôn là những gì thuộc về bản thân người cầm bút, từ bên trong tâm hồn người cầm bút mà thể hiện lên bức thư pháp để nó đúng nghĩa với nội dung mà người viết lựa chọn. Một bức thư pháp với nhan đề "Tức giận" sao có thể lựa chọn cách viết nhẹ nhàng, êm ả, thể chữ mượt mà cho được?!? Mà phải lựa chọn thể chữ toát lên được sự tức giận đủ để cho người xem thấy được cái thần, cái ý trong con chữ ấy.

Bạn có biết rằng, cảng thị Hội An xưa là nơi buôn bán quan trọng của xứ Đàng Trong, chính nơi đây ngôn ngữ bản địa đã được La tinh hóa để dễ dàng trong việc truyền đạo. Và hẳn nhiên Hội An vinh dự là cái nôi của chữ quốc ngữ.

Trong những nước có cùng dùng chung chữ La tinh thì chỉ có Việt Nam là nước đầu tiên có nghệ thuật thư pháp. Điều đó thực sự rất đáng tự hào. Tuy nhiên, sự phát triển của nó còn phụ thuộc vào yếu tố tinh thần, trí tuệ và sự phát triển của quốc gia đó. Người Việt Nam trí tuệ và sâu sắc, đất nước Việt Nam cảnh vật thanh bình, mỗi làng quê là một bức tranh thư pháp nhiều màu sắc. Chính cảnh vật ấy làm lay động lòng người. Qua bàn tay tài hoa và cái đầu của người nghệ sĩ, từng nét cọ hiện ra đầy mê hoặc.

Nghệ thuật thư pháp Việt bắt nguồn từ bao giờ? Có những đặc điểm gì đặc biệt, trong bài viết này, mình sẽ giới thiệu với các bạn một số nét tổng quan về thư pháp Việt Nam qua từng giai đoạn. Bài viết được tổng hợp từ nhiều nguồn khác nhau trên mạng xã hội và trên các blog về thư pháp.

Sự ra đời của thư pháp Việt

"Ở nước ta, nghệ thuật thư pháp phát triển khá sớm. Nghệ thuật thư pháp tiếng Việt được đánh dấu từ những năm 50-60 của thế kỷ XX. Khởi động cho phong trào này là nhà thư pháp Nam Giang, tức Lương Quang Huyễn sinh năm 1930 tại Quế Sơn. Gần 50 năm làm thơ và chơi thư pháp, tuy lặng lẽ và rất dè dặt, nhưng chính cuộc sống giản dị đã giúp ông thành công trong thú chơi tao nhã này. Những tác phẩm đẹp của ông đều có trong tay của những nhà sưu tập thư pháp. Nhắc đến Nam Giang, không thể không nhắc đến Vũ Hối, ông sinh tại Quảng Nam, tốt nghiệp Mỹ thuật Đông Dương và được giải hội họa quốc tế. Đây cũng là minh chứng ít nhiều đủ để can thiệp tới những ý kiến đã được các báo đăng tải gần đây. Bởi lẽ, với chủ ý của một họa sĩ am hiểu nghệ thuật như Vũ Hối (người sáng lập trường phái “Luân vũ họa” và “Thư họa” – Tòa soạn), thì không thể cho rằng thư pháp tiếng Việt là một hình thức “bôi bẩn” chữ quốc ngữ được."

Nguồn: Thiện Duyên

Như vậy để ta thấy được rằng, từ lâu nghệ thuật viết chữ thư pháp đã được nhiều người để tâm và quan sát từ những nền văn hóa lâu đời trước đó, đúc rút kinh nghiệm để rồi cho ra đời một sản phẩm văn hóa mà cho đến ngày nay nó đang được càng nhiều người dân đón nhận và yêu thích. Đó chắc chắn không phải là một hình thức "bôi bẩn" chữ quốc ngữ như nhiều người vẫn nói mà ngược lại nó giúp cho chữ quốc ngữ được thăng hoa, trở thành một nét văn hóa vô cùng đặc biệt của người Việt Nam nói riêng và cộng đồng văn hóa Đông Nam Á nói chung.

Sự ra đời của Thư pháp Việt là một trong những nhịp cầu nối gắn kết quá khứ với những lớp thế hệ trẻ ngày nay, điển hình là những lớp hậu sinh kế tục như thư pháp Đăng Học, thư pháp Hoa Nghiêm, thư pháp Xuân Thành,... Những người mà mặc dù độ tuổi còn khá trẻ những đã đạt được những thành tựu rất đáng ngưỡng mộ.

Điểm độc đáo

Tổng quan về Nghệ thuật thư pháp Việt

Mới nhìn qua, nhiều người nghĩ rằng bộ môn này khá dễ, chỉ cần viết đẹp là được nhưng thực ra, nói đến thư pháp là nói đến sự khổ luyện. Bởi thư pháp có nhiều quy tắc với niêm luật chặt chẽ, vô cùng phức tạp. Nếu như ở phương Tây, thư pháp được thực hiện bằng bút sắt, thước, compa...; con chữ nắn nót theo tỷ lệ và chuẩn mực cái đẹp được tính bằng thị giác thì ở phương Ðông (trong đó có Việt Nam), thư pháp là phải dùng bút lông, mực, giấy đưa nghệ thuật viết chữ lên đỉnh cao, mang tính triết học. Đơn cử như việc chọn một câu văn hay bài thơ để viết lên trang giấy cần hết sức cẩn trọng. Bởi ngoài việc thể hiện nét bút tài hoa, nội dung bức thư pháp còn phải cho thấy kiến thức, tâm hồn của người viết. Khi cầm bút, bên cạnh những đường nét rồng bay phượng múa, thư pháp gia còn cần “nhiếp tâm” (nhập tâm) với những gì mình định viết.

Tổng quan về Nghệ thuật thư pháp Việt

Có thể nói rằng, thư pháp Việt hiện nay đang ở trong giai đoạn phát triển khởi đầu, chính vì vậy mà việc đánh giá một tác phẩm thư pháp thế nào mới thực sự là đẹp, là nghệ thuật thì quả thực thật khó cho những người bình thường, vốn chưa thực sự tiếp xúc nhiều với thư pháp. Nhưng để nói rằng trong tương lai thư pháp Việt còn phát triển và tiến xa hơn nữa thì cũng không phải điều khó xảy ra, một phần là bởi vì nhận thức của người dân sẽ ngày càng một nâng cao hơn và tay nghề của những "ông đồ" cũng sẽ từng bước được cải thiện.

Tổng quan về Nghệ thuật thư pháp Việt

Một bức thư pháp có thành công hay không còn do chương pháp. Chương pháp là phương pháp phân bố toàn bộ bức thư pháp quy định các hàng đều và dài bằng nhau, một chữ lẻ không đứng thành một hàng, không dùng dấu chấm câu… Ấn chương (hay con dấu, con triện) cũng là một yếu tố quan trọng của một bức thư pháp, việc đặt đúng vị trí ấn chương sẽ làm tăng thêm giá trị của tác phẩm. Chân phương, cách điệu, cá biệt, mô phỏng và mộc bản là năm kiểu chữ chính của thư pháp Việt; từng kiểu chữ lại có các quy định cụ thể. Ngoài ra thư pháp còn có thể trở thành thư họa. Đó là khi nhà thư pháp biến chữ thành tranh, tranh là hình ảnh của chữ - lối viết này được coi là đỉnh cao của nghệ thuật thư pháp.

Nói tóm lại cho đến hiện nay, thư pháp Việt được chia thành các thể chữ chính bao gồm: điền thể, phong thể, mộc thể, thủy thế, biến thể. Tùy vào từng người thư pháp và trình độ chuyên môn riêng, nội dung các tác phẩm mà người viết áp dụng những thể chữ khác nhau vào trong tác phẩm thư pháp của mình. Chẳng những thế, khi hoàn thành việc viết chữ lên bức thư pháp, người viết còn cần phải tính toán để đóng ấn chương sao cho thật phù hợp và hài hòa với thẩm mỹ, chỉ cần đóng sai một li, rất có thể dẫn đến sự thất bại cho cả một tác phẩm đẹp. Bởi vậy mới hay xảy ra trường hợp các nhà thư pháp mặc dù đã hoàn thiện gần xong một bức thư pháp rất đẹp những chỉ mắc một lỗi sai nhỏ lại phải bỏ bức thư pháp ấy đi để viết lại.

Những nhận định xung quanh nghệ thuật thư pháp Việt

Cũng như nhiều bộ môn nghệ thuật khác, những người đến với nghệ thuật này phải hội đủ những yếu tố: năng khiếu thẩm mỹ, nguồn cảm hứng và siêng năng học hỏi. Để có một bức thư pháp đến độ xuất thần thì phải nhiều thời gian và khổ công rèn luyện. Đầu tiên là thế ngồi, cách cầm bút, mực, giấy, và hơn hết là cái tâm trong sáng, hiểu được những kiến thức cơ bản và có khi còn dựa nhiều vào cảm xúc hiện tại của người cầm bút. Nghệ thuật thư pháp là nghệ thuật có tính thẩm mỹ cao ngay trong ngữ nghĩa câu chữ, nên bố cục trong thể hiện cũng không thể tách rời.

- Thời loạn thư pháp

Ngoài ra sự hiểu biết về ngữ nghĩa cũng rất quan trọng cốt tìm ra sự liên kết nhằm tránh tình trạng ngắt cẩu thả, tùy tiện gây phản cảm. Một người viết chữ thư pháp sẽ không bao giờ được phép sai các lỗi cơ bản về chính tả, lỗi câu, lỗi dùng từ,... Đó đều là những điều không thể chấp nhận được của thư pháp Việt. Nếu thành công thì bức thư pháp hoàn chỉnh sẽ gây cho người thưởng lãm cảm giác dễ chịu và gần gũi, nhưng ngược lại có những bức thư pháp của những kẻ tự xưng thường sử dụng những thể chữ thật đau đầu nhức óc, chủ yếu chỉ viết để nhằm mục đích lừa gạt người xem và kiếm tiền nhanh chóng. Trước đây, những người viết thư pháp tiếng Việt quá lạm dụng sự bay bướm làm rối rắm câu chữ, một số người vận dụng cả nghệ thuật thư họa Trung Hoa vào đây là không đúng, làm biến tướng chữ thư pháp và kéo thụt lùi sự phát triển chung của bộ môn nghệ thuật này.

Tuy nhiên, có thực tế là người thưởng lãm chưa thực sự sẵn sàng khi đối diện với một loại hình nghệ thuật mới phát triển thời gian gần đây, mà chủ yếu chơi theo phong trào. Thị hiếu phát triển một cách vô thức không có sự chọn lọc của một số đối tượng đã gây nên cái nhìn không thiện cảm và làm méo mó đi cái thú chơi tao nhã này. Có nhiều người có ý gán ghép thư pháp vào hình ảnh những cô gái khiêu gợi, sexy để thu hút cái nhìn của người xem, và tự cho rằng đó là nghệ thuật thư pháp, chưa kể đến những người không có kinh nghiệm cũng tự tay đặt bút và phóng tay rồi tự cho rằng "Thư pháp phải bay bổng như thế thì mới gọi là thư pháp", thực sự khiến cho thư pháp Việt có nguy cơ rơi vào tình trạng nhiễu loạn.
Nhìn nhận sai về thư pháp Việt

- Nhìn nhận sai về thư pháp Việt

Cuộc sống hằng ngày có bao trò tiêu khiển; có thú vui tao nhã như chơi non bộ, cây cảnh, chim cảnh, thư pháp… Chính những thú vui đó giúp con người tĩnh lặng đến lạ thường sau một ngày lao động vất vả. Tuy nhiên, người xưa đã đúc kết ra một câu nói đại ý: "Nhất chữ, nhì tranh, tam sành, tứ mộc" là một trong những câu nói ám chỉ việc đứng đầu là thú chơi chữ, tức thư pháp. Vì thế, thư pháp tiếng Việt ra đời muộn nhưng phát triển và có chỗ đứng trong lòng người thưởng lãm vì nó mang nhiều giá trị và có những ý nghĩa hết sức to lớn không chỉ đối với những người hay chữ mà đối với cả những người dân bình thường cũng đều mong muốn sở hữu được những bức thư pháp đẹp để treo trong nhà trong những dịp tết, hoặc để trang trí cho gian phòng khách, phòng ngủ, phòng văn thư. Ở đó có sự kết hợp giữa nghệ thuật thể hiện bố cục chữ viết và trạng thái con người thanh tịnh không xao động. Do đó, thư pháp vừa là thú tiêu khiển lại vừa mang yếu tố giáo dục trong đời sống xã hội.


Nhiều người cho rằng chỉ chữ Hán mới có thư pháp khiến cho thư pháp Việt bị mất lửa, phai nhạt dần. Tuy nhiên, thực tế loại chữ nào cũng có thư pháp thích hợp của nó; chữ Việt cũng không nằm ngoại lệ. Nở rộ vào mấy năm gần đây, thư pháp Việt đang tiếp tục đi những bước ban đầu với không ít nhà thư pháp định danh cùng những tinh hoa khác nhau khiến con chữ thêm phần bay bổng; song vẫn đang trên con đường khẳng định mình.

Bởi thế người ta mới có bài thơ kết hợp giữa thư pháp và thiền định, bài thơ như sau:
Thở vào, tinh thần ổn định
Thở ra, tinh thần an tịnh.

Thở vào, cầm cọ tự nhiên
Thở ra, cầm cọ nhẹ nhàng.

Thở vào, chấm mực
Thở ra, giơ bút.

Thở vào, nghĩ về chữ sẽ viết
Thở ra, nghĩ về cách viết.

Thở vào, phóng bút trong im lặng
Thở ra, phóng bút trong im lặng.

Thở vào, tâm chú tâm vào từng động tác
Thở ra, tâm chú tâm vào từng động tác.

Thở vào, nhấn ấn chương
Thở ra, nhã ấn chương.

Thở vào, chờ mực khô
Thở ra, chờ mực khô.

Thở vào, ngắm nhìn thư pháp
Thở ra, mỉm cười với thư pháp.

Thở vào, lồng thư pháp vào kiếng
Thở ra, đặt thư pháp lên bàn.

Quá trình thư pháp Việt đi vào lòng công chúng

Trong lịch sử thư pháp Việt Nam đến ngày hôm nay, nền thư pháp Việt Nam chí ít cũng có lịch sử hàng nghìn năm tuổi. Người viết thư pháp chữ Hán tại Việt Nam cũng để lại một kho tàng khá đồ sộ, dấu tích của những người thời trước còn lưu lại trong những thác bản, bí kí. Nhưng những chữ ấy, người hiểu biết thì nói rằng nó vừa giống vừa khác với chính nó, người thức thời đương đại thì lắc đầu "Viết mãi mà chẳng thể bằng được cố nhân" , còn người mới biết đến chữ Hán chỉ lắc đầu, chẳng biết nó đẹp hay xấu, chính vì thế mà thư pháp chữ Hán lui vào các chùa chiền, miếu mạo mà che đi một sự thật bị thất sủng của mình. Thư pháp Hán Nôm tại Việt Nam đương đại dẫu là một bộ phận nòng cốt nhưng dường như trong những năm 2012 đã đi vào tuyệt chủng. Một số cố gắng của những người dốc lòng quảng bá nó thì cũng hầu như rơi vào tình trạng lực bất tòng tâm, vì làm ra những thứ mà đại bộ phận người dân không hiểu không biết thì làm sao biết nó hay, nó đẹp, nó xấu ở đâu! Bởi vậy thư pháp Hán Nôm dần yên vị ở những nơi tôn nghiêm, ít bị ảnh hưởng bởi vòng xoáy của cuộc đời. Ngoài ra nó còn được phát huy ở những khoa chuyên ngành Hán Nôm nhằm mục đích bảo tồn những di sản của cha ông mà thôi.

Ra đời sau khi nền Hán Nôm của dân tộc đi vào quá khứ, thư pháp Quốc ngữ hay còn gọi là thư pháp chữ Việt ra đời trong diện mạo chữ Latinh với những nét ban đầu chỉ có thẳng ngang và tròn, các ký tự chỉ có vài chục chữ, tự nó kết hợp mà có thể tạo thành các chữ, hơn nữa chữ quốc ngữ từ khi khai sinh đến bình dân học vụ, tiến vào các bậc học từ thấp đến cao đã xóa mù chữ cho hầu hết người dân nước Việt, vì thế khi nó khoác lên mình bộ xiêm y, giấy bản, mực tầu thì trông có vẻ cũng na ná truyền thống. Vì vậy về phương diện nghệ thuật nó cũng bao hàm đầy đủ ý nghĩa, giá trị nhân văn của nghệ thuật thư pháp, tuy nhiên với sự thích nghi vồn vã và choán sâu nhanh chóng, thư pháp chữ quốc ngữ đạt được vị thế trong lòng công chúng và trở thành cái được lựa chọn. Chẳng cần xuân đến mới chuẩn bị áo mũ khăn đai ra vỉa hè tương tác, các tác phẩm thư pháp chữ Việt có ở nhà sách, ở quán cà phê, có ở cung nọ, nhà văn hóa kia phục vụ nhu cầu từ sinh nhật, đám hỷ đám tang có khi xuất hiện trong cả hội nghị khách hàng, lễ ra mắt... Tuy vậy thư pháp Việt còn bị nhiều người phản đối rất nhiều, nào là nó không được sâu về nghĩa, không lột tả được cái phần hồn của thư pháp... Đối với những người viết chữ thư pháp trẻ tuổi hiện nay, nghệ thuật thư pháp chữ quốc ngữ đã dần trở thành một trong những niềm đam mê lớn nhất.

Văn miếu Quốc Tử Giám là trường đại học đầu tiên của Việt Nam, là cái nôi của nền văn học nước nhà. Hằng năm cứ mỗi độ tết đến xuân về, các ông đồ văn miếu lại ra đây bán, cho chữ. Người ta vẫn gọi nơi đây là phố ông đồ. Bên cạnh những tác phẩm thư pháp truyền thống, ngày nay lại xuất hiện thêm những ông đồ rất trẻ, viết chữ quốc ngữ. Mỗi độ phố ông đồ khai hội, cùng với những bậc bạc tóc râu dài, những ông đồ trẻ cũng bày biện văn phòng tứ bảo, cho chữ mọi người, và không cứ là ông đồ lại phải mặc áo the khăn xếp mà những ông đồ trẻ ngày nay một số người ăn mặc rất hiện đại. Dọc dài các con phố nhỏ ở Văn Miếu những ngày đầu xuân trở nên ấm áp và xuân hơn bởi những tấm giấy đỏ treo trên tường, bất kể thời tiết nắng ráo hay mưa xuân, nơi đây vẫn tấp nập những người đến đây để xin chữ về nhà. Người đến xin chữ nhộn nhịp, đông đúc, trong đó có cả những người nước ngoài ở các nước phương Tây.

Bây giờ, đã qua rồi cái cảnh "ông đồ vẫn ngồi đấy, qua đường không ai hay, giấy đỏ buồn không thắm, mực đọng trong nghiên sầu". Hiện nay có những người viết thư pháp Việt xuất phát từ những trường không liên quan như Luật, An ninh, những năm gần đây cũng có nhiều nhà thư họa trong Nam, ngoài bắc viết thư pháp tuyệt đẹp được công chúng vô cùng mến mộ, một phần vì cái đẹp trong nghệ thuật và một phần cũng vì cái dễ hiểu, dễ cảm của người dân. Những nhà thư pháp Việt hiện nay lại tiếp tục mở đường, sáng tạo thêm những nét chữ Việt hoa mỹ, góp phần củng cố tiếp văn hóa thư pháp Việt của nước nhà.

Trên đây là tổng quan những gì mình sưu tầm được về nghệ thuật thư pháp Việt Nam từ các trang mạng xã hội và Blog khác nhau, việc tập hợp và bổ sung có thể sẽ gặp phải những sai xót nhất định, chính vì vậy nếu quý độc giả có những thông tin bổ ích, hãy để lại bình luận phía dưới bài viết này, mình sẻ trả lời và chỉnh lý trong thời gian sớm nhất
Thư pháp Thanh Phong | Dịch vụ ông đồ


Thanh Phong

Xin chào các bạn, mình là một người thích viết lách và chia sẻ kinh nghiệm

Đăng nhận xét

Mới hơn Cũ hơn