Giá trị của một bức thư pháp nằm ở đâu?

Giá trị của một bức thư pháp nằm ở đâu

Đã có nhiều người hỏi tôi về câu hỏi "Giá trị của một bức thư pháp nằm ở đâu?".

Và cho đến nay, cũng đã nhiều lần tôi tự hỏi bản thân mình về điều ấy.

Nhìn xung quanh tôi, những người viết thư pháp cũng thường xuyên sáng tác, cho ra đời những tác phẩm vô cùng thú vị, tuyệt vời và tôi thường xuyên được thấy những tác phẩm vô cùng đa dạng, đủ mọi kích thước, màu sắc, nội dung, chất liệu.

Mỗi người đều có một phong cách riêng, mỗi người đều có những cái giá riêng cho tác phẩm của họ. Và trong bài viết ngày hôm nay, tôi xin giành ra một vài ý nghĩ của bản thân mình để cùng quý độc giả làm rõ thêm về giá trị của một bức thư pháp đẹp.

Tại sao chúng đắt, tại sao chúng rẻ, tất cả sẽ được trình bày trong bài viết dưới đây. (Bài viết được thể hiện dưới dạng hỏi - đáp, dựa trên những suy nghĩ của cá nhân Thanh Phong. Nếu quý độc giả có bất cứ câu hỏi nào, xin hãy để lại comment trong phần nhận xét, hoặc gửi email về cho tôi theo thông tin ở phía dưới chân trang. Sau đây, chúng ta sẽ đi vào nội dung của bài viết:

Chất liệu của tác phẩm có liên quan hay không?

Giá trị của một bức thư pháp nằm ở đâu
Có! Nhìn chung những tác phẩm thư pháp hiện nay đều được viết trên nền giấy xuyến, giấy dó hoặc các loại giấy mỹ thuật. Tôi cũng thấy nhiều người thể hiện thư pháp trên các chất liệu khác như giấy, gỗ, và chắc chắn, những chất liệu cấu thành nên tác phẩm cũng là một yếu tố góp phần vào việc xác định giá cả của chúng.

Vậy tại sao những tác phẩm trên giấy đôi khi lại đắt hơn các tác phẩm trên đá, trên gỗ?

Giá trị của một bức thư pháp nằm ở đâu
Đó chắc hẳn phải dựa trên một lý do hoàn toàn khác, nằm bên ngoài vấn đề về chất liệu tạo nên sản phẩm. Vậy nếu không phải là vật chất thì chắc chắn yếu tố ấy sẽ là tinh thần.

Trong nghệ thuật, một bức thư pháp đẹp được coi là một sản phẩm hội tụ đầy đủ các yếu tố về "Thần, Ý, Chí, Khí". Để làm được điều này, người viết phải trải qua một thời gian học tập vô cùng khó khăn và công phu, từ bút pháp, những nét cơ bản, ráp đại tự, tiểu tự, tìm hiểu về chương pháp bố cục, cách sử dụng ấn chương, con dấu...

Như vậy, ta thấy rằng đối với những nhà thư pháp đã có nhiều năm kinh nghiệm và khả năng bút pháp tốt thì giá cả của tác phẩm thư pháp tương ứng với mỗi người cũng sẽ khác nhau. Tuy nhiên, một vấn đề ở đây là:

Làm thế nào để biết được trình độ bút pháp của người viết là cao hay thấp?

Giá trị của một bức thư pháp nằm ở đâu
Trước hết, câu trả lời rõ ràng nằm ở vấn đề về uy tín của người viết chữ, về những tác phẩm mà họ đã viết được, về những đánh giá mà người khác giành cho nhà thư pháp ấy.

Sau đó, là những kiến thức của bạn về nghệ thuật thư pháp. Hiện nay trong giới nghệ thuật thư pháp có rất nhiều người cầm bút, đa phần họ đều có những ưu nhược điểm khác nhau mà không phải ai cũng biết được.

Hơn nữa, người dân Việt Nam hiện nay có khi cũng chỉ mới biết đến thư pháp như một bộ môn sử dụng bút lông, mực tàu để thể hiện con chữ trên các chất liệu, chứ hầu hết chẳng quan tâm hoặc không biết được một tác phẩm thư pháp đẹp là như thế nào.

Chính vì thế mà nhiều người dân bị lừa, bị những tay thư pháp không chuyên bóp giá, tạo nên hiện tượng thật giả lẫn lộn, làm cho giá trị của nghệ thuật lại càng thêm rẻ mạt.

Nếu như bạn mới bắt đầu tìm hiểu về thư pháp, và thực sự mong muốn tìm được những nhà viết thư pháp giỏi thì tốt nhất hãy lên các trang mạng xã hội, các hội nhóm về thư pháp Việt để đặt câu hỏi cho những người thuộc lĩnh vực ấy để biết hoặc tự mỗi chúng ta sẽ chủ động học tập thư pháp Việt để trang bị cho mình những kỹ năng thiết yếu trong việc nhận xét, đánh giá một tác phẩm thư pháp.

Tổng cộng có các kiểu kênh truyền thông chủ yếu như:
- Qua truyền miệng
- Qua các phương tiện thông tin đại chúng
- ...

Ngày xưa tôi còn thấy nhiều người xin chữ của những cao nhân, những bậc trí giả, những người nổi tiếng về treo trong nhà. Ngay cả trong các tác phẩm như "Chữ người tử tù", tác giả cũng khắc họa nhiều hơn đến cái cốt cách, nhân phẩm của nhân vật Huấn Cao anh hùng hơn và việc đi sâu vào mô tả nét chữ của ông (Những gì viết trong tác phẩm ấy chỉ đề cập rằng chữ của Huấn Cao đẹp, chưa có ai viết nhanh mà đẹp như ông, rồi "như phượng múa rồng bay"...).

Nhìn sang những loại hình nghệ thuật khác hiện nay như mỹ thuật, những bức tranh đắt giá đôi khi lại xuất phát từ chính câu chuyện trong cuộc đời của tác giả, hoặc xuất phát từ chính cái cốt cách của người cầm bút mà định hình và xác định cho mình những giá trị của riêng nó.

Nói như vậy, có thể thấy rằng giá trị của một bức thư pháp còn phụ thuộc vào vị trí của người Viết trong xã hội, những điều mà người Viết đã làm được với quê hương, đất nước,... hoặc đơn giản chỉ là phong cách sống, cái tâm thanh cao của con người.

Thế nhưng thực chất thì thật khó để tìm hiểu rõ được ngọn ngành ngay từ đầu, một người viết chữ chẳng bao giờ chạy đi khắp mọi nơi để bô bô nói rằng "Tôi đã làm được những việc A,B,C, vì vậy bức thư pháp tôi viết sẽ có giá là X,Y,Z.. cả". Bởi vì:

Thuận mua vừa bán

Có cung tất sẽ có cầu, nếu bạn không tìm hiểu về thư pháp từ trước, hoặc chẳng biết ai là người có uy tín trong lĩnh vực này, bạn sẽ phải chấp nhận một sự thật rằng có thể mua được những tác phẩm thư pháp đẹp với giá rẻ, hoặc một tác phẩm thư pháp xấu với giá đắt.

Thật tiếc cho bạn là trong thời điểm hiện tại, những người viết chữ hiện nay đa phần đều còn rất yếu và thiếu về năng lực và trình độ. Thứ nhất là vì thư pháp Việt là đứa con sinh sau đẻ muộn, với lịch sử chỉ khoảng vài chục năm trở lại đây, những cái tên thực sự nổi bật, đóng góp nhiều cho nền thư pháp thực chất cũng chỉ đếm được trên đầu ngón tay. Và tâm lý chung của những người cầm bút hiện nay (theo như tôi được biết) thì họ thích được khen hơn là chê, và ai cũng cho rằng chữ của mình là đẹp, khả năng bút pháp của mình là trên hết.

Chính vì vậy, thực sự thì tôi cũng chẳng thể nào đưa ra cho bạn một câu trả lời thật chính xác về giá trị của một bức thư pháp nếu như bạn không hiểu được khái niệm thư pháp là gì. Tôi chỉ mong rằng, khi đọc được những dòng này, các bạn sẽ tỉnh táo hơn, ủng hộ cho nền nghệ thuật thư pháp Việt một cách tích cực nhưng vẫn sáng suốt để tìm kiếm và chọn mua những tác phẩm thực sự có giá trị, thực sự xứng đáng với đồng tiền mà các bạn đã bỏ ra.

Lời cuối trước khi kết lại bài viết này, tôi mong bạn có thể giành ra một vài phút ít ỏi để chia sẻ cũng như đưa ra những bình luận của mình cho vấn đề này để chúng ta cùng bàn luận, làm rõ cho chủ đề bài viết thêm sáng tỏ.

Thư pháp Thanh Phong | Tâm bất biến giữa dòng đời vạn biến


Thanh Phong

Xin chào các bạn, mình là một người thích viết lách và chia sẻ kinh nghiệm

Đăng nhận xét

Mới hơn Cũ hơn