03 Yếu tố làm cho tác phẩm thư pháp trở nên đẹp hơn

Yếu tố làm cho tác phẩm thư pháp trở nên đẹp hơn
Trong quá trình học thư pháp của tôi, việc liên tục học tập và rèn luyện khả năng đã khiến cho tôi nhận ra một số đặc điểm khá tự nhiên và ngộ ra một vài vấn đề về các yếu tố khiến cho một tác phẩm thư pháp trở nên đẹp hơn.

Trong bài viết này, tôi sẽ gửi tới các quý độc giả của blog một bài viết chia sẻ những vấn đề, giải đáp những câu hỏi liên quan đến việc rèn luyện và học tập bộ môn nghệ thuật thư pháp Việt.

Trước khi đi vào nội dung chính của bài viết, tôi cũng xin đính chính lại một số điều ngộ nhận của một vài độc giả đối với riêng cá nhân tôi.

Khi mà nhiều người có mong muốn được gặp tôi để "giao lưu" hoặc "học hỏi" những kinh nghiệm thư pháp, tôi luôn hoan nghênh những ai có nhã ý thực sự trong việc này, nhưng đối với các bạn nào coi việc giao lưu, học hỏi thư pháp chỉ là cái cớ để chứng tỏ sự hơn thua với người viết, mà ở đây là tôi thì thư pháp Thanh Phong xin nói thẳng rằng:

Là một người cầm bút phải luôn luôn suy nghĩ trong tâm tưởng của mình về sự hơn thua với người khác chỉ là những thứ phù phiếm, những ảo vọng xa hoa. Mà nếu như chúng ta cứ chấp trước thì chắc chắn sẽ chẳng gặt hái được điều gì.

Đức phật cũng từng nói rằng nuôi cái giận trong lòng thì khác nào uống thuốc độc mà mong cho người khác chết.

Về phía bản thân tôi, những điều tôi viết ra dưới đây đều là những suy nghĩ, ý kiến hết sức tự nhiên, riêng tư của một người cầm bút, quý độc giả có quyền tin hoặc không tin, nghe hoặc không nghe theo những vấn đề mà tôi đã nói, đã nêu ở dưới.

Nhưng chắc chắn rằng, thư pháp Thanh Phong sẽ luôn luôn mong muốn cho một nền thư pháp Việt ngày một phát triển, với những con người mang cả trái tim, tầm hồn của mình vào trong từng con chữ.

Lan man quá rồi, tôi xin phép đi thẳng vào nội dung của bài viết.

Trong những post trước đây, Thanh Phong đã giới thiệu với quý độc giả một số mẹo và phương pháp luyện chữ thư pháp, thế nhưng nhiều bạn lại đặt câu hỏi với mình về các yếu tố ảnh hưởng tới nét đẹp, nét duyên dáng của một tác phẩm thư pháp thì đây là câu trả lời của mình

1. Kỹ thuật bút pháp

Bút pháp thư pháp
Ứng dụng bút pháp vào thực hiện tác phẩm
Vâng, vẫn là bút pháp, từ trước đến giờ mình vẫn khuyên các bạn phải chú trọng thật nhiều vào kỹ thuật bút pháp, phải luyện tập thật nhiều, nắn nót thật nhiều thì khả năng điều khiển ngọn bút mới ngày một điêu luyện và phát triển hơn, bút pháp không những khiến cho bạn biến những suy nghĩ, tư tưởng, trí tưởng tượng về con chữ thành hiện thực mà nó còn giúp chúng ta tiết kiệm được thời gian hơn để cho ra nhiều tác phẩm đẹp.

Nếu người ta nói rằng "Thà đổi mồ hôi trên thao trường còn hơn đổ máu trên chiến trường" thì tôi sẽ nói với bạn rằng "Thà giành ra thêm một vài phút luyện tập bút pháp còn hơn là để bị chê cười khi múa bút trước bàn dân thiên hạ".

Bút pháp trong thư pháp mặc dù quan trọng như vậy, nhưng phải nói rằng khi tôi tiếp xúc với 10 người thì có đến hơn một nửa trong số đó chỉ tập qua loa bút pháp hoặc chẳng bao giờ luyện tập bút pháp một cách thường xuyên. Thật đau lòng vì điều đó!

2. Chương pháp, bố cục trong thư pháp

bút pháp Thanh Phong
Việc sắp xếp, đặt các con chữ vào đúng vị trí của nó (gọi là chương pháp trong thư pháp) có vẻ là công việc được nhiều người yêu thích hơn cả, thế nhưng nhiều người lại không thường xuyên luyện tập cách nhìn nhận và đánh giá con chữ để cho ra những bố cục đẹp.

Đối với tôi, hiện tại tôi có khoảng hơn 20 bố cục cơ bản về những câu nói hay, những bố cục đẹp cho con chữ của mình. Tôi coi đó như là một kiểu học tủ vừa đủ để mỗi khi cần thì có thể lôi ra sử dụng bất cứ lúc nào.

Tôi không tin vào việc trong một thời khắc nhất thời có thể "xuất thần" mà cho ra một tác phẩm đẹp, điều đó là rất khó hoặc nói thẳng ra thì với khả năng hiện tại của tôi, điều đó là không thể.

Chính vì vậy, việc thường xuyên luyện tập chương pháp, bố cục trong thư pháp cũng là cách để tôi phát triển tác phẩm ngày một đẹp hơn, tuyệt vời hơn.

3. Cách điểm ấn chương, con dấu lên tác phẩm

Chương pháp trong thư pháp
Đóng yêu chương vào tác phẩm
Nói thật thì rất nhiều người bỏ qua phần này, và rất nhiều người không biết làm thế nào để điểm ấn chương, con dấu cho thật đúng vị trí của tác phẩm thư pháp để làm tăng vẻ đẹp cho nó.

Người ta nói rằng, việc điểm chỉ, điểm ấn chương, con dấu cho các tác phẩm thư pháp giống như việc vẽ mắt cho rồng. Sau tất cả các công đoạn, mặc dù bạn có viết ra được một tác phẩm đẹp đến đâu đi chăng nữa, mà chỉ cần điểm ấn sai vị trí coi như cả tác phẩm ấy thất bại.

Vì vậy, hãy cố gắng tìm hiểu những vị trí điểm ấn chương trong thư pháp thật đẹp, thật chính xác để làm tăng thêm vẻ đẹp cho bức tranh.

Thông thường tôi thường để ấn ở các góc phía trên cùng, dưới cùng của tác phẩm.

Đối với nhàn chương, danh chương thì việc này khá dễ, nhưng đối với yêu chương (loại ấn chương dùng để đóng vào lưng tác phẩm) thì thực sự rất khó, đôi khi tôi cũng phải bỏ đi các tác phẩm của mình chỉ vì một lỗi sai về yêu chương.
Một số lưu ý khác
Bên cạnh những yếu tố mà tôi đã nêu ra ở trên, các bạn nên chú trọng thêm đến những lỗi sai cơ bản mà một người viết thư pháp hay gặp phải.

Đọc bài viết "Những lỗi sai cơ bản trong viết thư pháp" để tìm hiểu rõ hơn về vấn đề này.

Trên đây là một số những lưu ý của thư pháp Thanh Phong về vấn đề các yếu tố làm cho tác phẩm thư pháp thêm đẹp hơn. Nếu thấy bài viết này hữu ích cho bạn, hãy chia sẻ nó trên các trang mạng xã hội hoặc để lại một vài bình luận để cổ vũ thêm cho tôi trong những bài viết tiếp theo.

Thư pháp Thanh Phong | Tâm bất biến giữa dòng đời vạn biến là gì?
Thanh Phong

Xin chào các bạn, mình là một người thích viết lách và chia sẻ kinh nghiệm

Đăng nhận xét

Mới hơn Cũ hơn