Đầu tiên là câu hỏi
"Bạn có thực sự đang ở trình độ bắt đầu viết hay không?"
Nếu như bạn đã có nhiều năm kinh nghiệm trong nghề thì bài viết này có lẽ không giành cho bạn, vì đây là một số chia sẻ về mẹo viết thư pháp mà mình rút ra từ kinh nghiệm thực tiễn của bản thân và nếu đối với những ai đã từng học thư pháp, khi đọc qua có thể thấy sẽ hơi buồn cười, nhưng đối với mình thì những phương pháp này là vô cùng hiệu quả. Mình nghĩ rằng bài viết này sẽ giúp ích được rất nhiều cho những người mới bắt đầu học thư pháp nên đăng lên đây để một phần nào đó cung cấp những thông tin hữu ích cho mọi người, những ai đang có niềm đam mê và nhu cầu học tập bộ môn nghệ thuật thư pháp Việt và bên cạnh đó Thanh Phong cũng rất mong muốn nhận được những phản hồi, đánh giá từ phía các quý vị độc giả để Blog của mình ngày một hoàn thiện hơn. Sau đây, để không làm mất thời gian của các bạn thì Thanh Phong xin phép đi vào nội dung chính của bài viết.
7 Mẹo viết thư pháp là gì?
Thực ra đây là những cách để khiến cho việc học thư pháp trở nên dễ dàng hơn, tiết kiệm được thời gian và công sức cho các bạn và là những phương pháp để giúp các bạn mới tập có thể sáng tác được những bức thư pháp đẹp một cách dễ dàng. Nó không phải những kỹ thuật mà bắt buộc các bạn nhất nhất phải tuân theo, chính vì vậy hãy cứ thoải mái lựa chọn những cách phù hợp nhất để áp dụng cho bản thân mình nhé.
Mẹo số 1. Đọc nhẩm nội dung viết.
Có thể việc này hơi kỳ quặc với bạn, tại sao lại cần phải đọc nhẩm nội dung viết trước khi thực hiện một tác phẩm thư pháp chứ? Thực tế thì mẹo này mình tình cờ phát hiện được khi một vị khách trước đây thường hay đứng xem các tác phẩm thư pháp mà mình bày bán và đọc đi đọc lại các câu chữ. Việc đọc nhẩm sẽ giúp bạn phát hiện được những cách nhấn nhá phù hợp và nội dung mà các bạn sẽ viết nên nhấn mạnh vào từ nào. Qua đó, có thể giúp các bạn tìm ra được cách ngắt tăng hợp lý hoặc lựa chọn các câu chữ để nhấn mạnh (trở thành Đại tự) trong tác phẩm một cách hoàn hảo.
Giả sử như chúng ta đang chuẩn bị viết một tác phẩm có nội dung là một câu châm ngôn nói rằng
"Đường đi khó không phải vì ngăn sông cách núi, mà bởi vì lòng người ngại núi e sông".
Hãy thử đọc lên câu châm ngôn này và xem cách đọc nào khiến bạn cảm thấy ổn nhất. Ví dụ như mình, sẽ đọc là:
Đường đi khó/ không phải vì/ ngăn sông/ cách núi/
Mà bởi vì/Lòng người/ngại núi/e sông.
Rất nhiều bạn khi mới tập gặp phải lỗi thư pháp về việc ngắt tăng (Đọc thêm bài viết "Những lỗi sai cơ bản trong thư pháp") nên mẹo này sẽ là một trong những mẹo bỏ túi cho các bạn nào mới học.
Mẹo số 2. Sử dụng bút và giấy nháp.
Viết ra giấy nháp bố cục của tác phẩm trước khi thực hiện |
Mẹo số 3. Ngắn gọn, tập trung vẫn tốt hơn
Đừng tham lam mà khi mới tập thư pháp đã mong muốn thể hiện những tác phẩm có khối lượng chữ lớn, với nhiều khổ, nhiều ký tự. Việc này sẽ khiến cho bạn bị mất tập trung và rất dễ mắc phải các sai lầm không đáng có, và chỉ cần một lỗi sai thôi coi như tác phẩm đó thất bại. Mình từng chứng kiến việc nhiều người nôn nóng, muốn đốt cháy giai đoạn hoặc mang trong đầu suy nghĩ rằng cứ viết thật nhiều là thư pháp đẹp, điều này hoàn toàn sai lầm, hãy nghĩ theo chiều hướng của người xem, họ muốn gì ở mình, khi họ thưởng lãm một bức tranh thư pháp họ sẽ chú ý tới điều gì đầu tiên. Chắc chắn câu trả lời sẽ là bố cục đầu tiên và chính tả là thứ đến.
Một người sai lỗi chính tả hoặc sai về các nét cơ bản thì chắc chắn sẽ không được người xem đánh giá cao. Vậy thì thay vì cố gắng dàn trải sức lực của mình cho một tác phẩm nhiều ký tự, tại sao bạn không luyện chắc từng chữ trước nhỉ. Lý Tiểu Long cũng từng nói rằng "Tôi không sợ những kẻ tập một lần 10.000 cú đá, tôi chỉ sợ những kẻ tập 10.000 lần một cú đá"
Mẹo số 4. Viết thường xuyên cho đến khi vượt ngưỡng
Việc học tập của chúng ta cũng giống như khi chúng ta viết thư pháp, nếu để một thời gian mà không đụng vào bút là chắc chắn bút pháp sẽ tệ đi ngay, chính vì thế mà mình luôn áp dụng một mẹo đó là thường xuyên luyện tập cho đến khi vượt ngưỡng một nét nào đó. Ví dụ như bạn đang tập viết nét phương bút, hoặc tàng phong, đừng vội bỏ qua những nét này khi bạn đã viết được nó mà hãy luôn luôn tập lại trong những buổi tập tiếp theo để tay bạn không bị "quên" cách đưa bút viết những nét đó. Nhờ thế mà các nét lúc nào cũng có sự mượt mà, uyển chuyển và trong bất cứ trường hợp nào cũng có thể "lôi ra" ứng dụng được.Đối với nhiều bạn khi đã tập được nét này, nét kia là trong những buổi tập sau, hoặc cả một năm sau không thèm động đến nữa, điều này sẽ khiến cho trình độ của các bạn giảm sút đi, và "bảng chữ cái thư pháp" của bạn sẽ bị bó hẹp bởi một số chữ, nét đơn điệu mà bạn quen thuộc.
Mẹo số 5. Tìm và theo dõi những người viết thư pháp đẹp
Hoặc tìm và theo dõi những người có tư liệu hay về vấn đề viết thư pháp. Như mình đã viết trong một số bài viết trước đây, cụ thể là bài "10 nhà thư pháp bạn nên theo dõi trên Facebook" chắn chắn sẽ là những địa chỉ hết sức tin cậy để chúng ta tìm đến để học hỏi.Đối với những bạn mới bắt đầu học thư pháp, một trong những điều đáng quý nhất chính là việc được người khác đưa ra những lời nhận xét thẳng thắn, thật lòng. Nhưng không phải ai cũng sẵn sàng cho bạn những lời khuyên, thẳng thắn đưa ra những khuyết điểm, lỗi trong chữ của bạn, đặc biệt là với góc nhìn của bạn bè, người thân. Họ luôn luôn nhận xét có chừng mực, mặc dù chân thành nhưng chắc sẽ không đủ kiên quyết để tuôn hết ra những suy nghĩ vì sợ bạn phật ý. Chính vì vậy cách mà mình hay làm đó là hãy tìm đến những người có kinh nghiệm, kiến thức để học hỏi. Bạn có thể so sánh chữ của mình và chữ của những anh chị đàn anh đi trước để xem cách xử lý của họ đối với từng con chữ hoặc đối với bố cục tác phẩm, chắc chắn việc này sẽ giúp ích cho bạn rất nhiều trong việc luyện tập thư pháp. Bên cạnh đó, nếu cảm thấy quá khó, hãy trực tiếp nhắn tin cho họ để nhờ cậy sự giúp đỡ. Một công đôi việc luôn còn gì nữa ^^.
Mẹo số 6. Thay đổi thời gian và góc nhìn
Tại sao phải thay đổi thời gian và góc nhìn của bản thân? Bởi vì nếu như để đánh giá một bức thư pháp ngay khi bạn hoàn thành thì khả năng lớn là "cái tôi" trong bạn sẽ dễ dàng tự thỏa mãn với bản thân vì "Những khó khăn mình trải qua"; "Công mình tập luyện từ nãy giờ" sẽ làm cho quan điểm của bản thân bạn nghiêng nhiều về việc đặt bút xuống và mang tác phẩm ấy đi khoe với mọi người. Thời gian đầu mình cũng hay mắc phải lỗi này, và hậu quả là thỉnh thoảng người ta vẫn phát hiện ra một vài lỗi sai như sai chính tả, sai bố cục...Hãy bình tĩnh một chút, cất bức thư pháp vừa viết xong vào một nơi nào đó và một vài ngày sau đó hãy mang ra. Kiểm tra lại một lần từ đầu đến cuối xem có lỗi nào không, tự đánh giá xem nó đã đẹp hay chưa rồi hẵng đưa ra quyết định cuối cùng. Việc làm này sẽ giúp bạn tranh được những lỗi sai không đáng có trước khi giới thiệu tác phẩm của mình đến với công chúng.
Mẹo số 7. Sử dụng sự tiến bộ của khoa học công nghệ
Nếu như bạn đang đọc bài viết này thì chắc chắn bạn đang tiếp xúc với sự tiến bộ của khoa học công nghệ trong thế kỷ 21, với sự bùng nổ của thông tin và cách mà mọi người liên kết với nhau. Giờ đây chỉ cần ngồi ở nhà là bạn cũng có thể tìm được những người viết thư pháp ở tận Mỹ, Hàn Quốc, Trung Quốc,... để giao lưu và học hỏi. Dưới đây là một số gợi ý cho bạn thử áp dụng trong việc học viết thư pháp.- Sử dụng "Google Dịch" (Tại đây), dịch các chữ như "vẽ núi", "viết thư pháp", "viết chữ thư pháp đẹp" ra các thứ tiếng của các quốc gia khác nhau khác nhau và tìm trên các trang như Google Hình Ảnh, Youtube, Facebook xem có ai giới thiệu về điều này.
- Sử dụng "Pinterest" (Tại đây) để tìm kiếm các hình ảnh về thư pháp thông qua các từ ngữ đã dịch ở trên.
Mình cá rằng những kết quả mà các công cụ tìm kiếm này trả về sẽ giúp đỡ rất nhiều cho bạn trong việc đưa ra các ý tưởng để sáng tạo nên một bức thư pháp cho riêng mình.
Trên đây là bài viết về 7 mẹo viết thư pháp đẹp cho người mới bắt đầu học của Thư pháp Thanh Phong. Mình rất hy vọng rằng bài viết này sẽ giúp các bạn mau tiến bộ hơn trong quá trình luyện tập, vì vậy nếu có bất cứ câu hỏi nào về bài viết nãy, hãy để lại comment phía dưới, mình sẽ trả lời các bạn trong thời gian sớm nhất.
Đối với những ai đang muốn tham gia khóa học thư pháp của mình, hãy liên hệ với mình theo thông tin bên dưới.
----------------------------------
Thư pháp Thanh Phong
SĐT: 0966 966 007
Sử dụng nich Gmail để gửi cho Thanh Phong những câu hỏi, thắc mắc xung quanh chủ đề này nhé, mình sẽ cố gắng trả lời các bạn trong thời gian sớm nhất ^^