Cách viết thư pháp từng bước một: Dành cho người mới học

Trong bài viết này mình sẽ hướng dẫn các bạn cách viết thư pháp từng bước một cho người mới bắt đầu học tập bộ môn nghệ thuật thư pháp Việt.
Bài viết này trước hết phục vụ cho những bạn đã tìm hiểu trước thư pháp là gì, và nắm được kỹ thuật bút pháp căn bản ban đầu.

Bước 1: Lựa chọn nội dung cần viết ban đầu

Đó là việc tìm hiểu chủ đề cho bức thư pháp mà bạn chuẩn bị viết, chủ đề viết thì có rất nhiều chủ đề. Chủ đề về cha mẹ, chủ đề về tình yêu, chủ đề về quê hương đất nước, chủ đề về tình bạn, châm ngôn cuộc sống, hoặc nếu phân chia theo loại hình thì có các chủ đề như thơ, ca dao, tục ngữ, châm ngôn sống...

Những chủ đề được nhiều người yêu thích nhất hiện nay thường là những chủ đề có thể dành cho nhiều loại đối tượng khác nhau, ví dụ như các chủ đề về châm ngôn sống, với những câu như "Đường đi khó không phải vì ngăn sông cách núi, mà bởi vì lòng người ngại núi e sông". Những chủ đề như vậy thường được nhiều người yêu thích và có thể đem đi tặng cho những người khác vì nó đúng với mọi loại đối tượng.
Đường đi khó không phải vì ngăn sông cách núi, mà bởi vì lòng người ngại núi e sông
Tác phẩm thư pháp: Đường đi khó không phải vì ngăn sông cách núi, mà bởi vì lòng người ngại núi e sông
Một lý do mà mình hay lựa chọn các chủ đề liên quan đến châm ngôn sống là bởi vì nó có thể thu hút được một lượng lớn độc giả tương tác và chia sẻ bài viết trên các trang mạng xã hội. Các trang như Facebook, Zalo thường có những khung timeline hoặc avatar mà người dùng rất thích để các hình ảnh, câu nói hay trong đó. Đối với những người mới, mình cũng khuyên các bạn nên lựa chọn loại chủ đề này bởi các lý do chính yếu:

- Thứ nhất, có thể thay đổi một số chữ cho phù hợp với bố cục (sẽ nói ở phần sau)
- Thứ hai, chủ đề này thường có nội dung triết lý hay
- Thứ ba, những câu châm ngôn thường ngắn gọn và dễ viết.

Bước 2: Lựa chọn đại tự, chính văn, hình họa (nếu có) và giấy viết

Phần nổi bật nhất của một tác phẩm chính là đại tự (chữ to thường là tiêu đề của một bài thơ hoặc bao hàm ý nghĩa của cả một câu nói). Trong trường hợp không có đại tự mà chỉ đề chính văn, bạn cần phải xem xét một bố cục sao cho thực sự hợp lý, các chữ phải được sắp xếp một cách hài hòa và có điểm nhấn. Trong trường hợp tác phẩm có hình, tức là bạn muốn đi theo lối họa thể thì phần hình phải được đặt sao cho vừa đủ, bổ trợ cho phần chính văn, giúp thu hút cái nhìn của người đọc.

Chữ đại tự thường được lựa chọn sao cho mang ý nghĩa của cả câu nói, ví dụ như mình viết một câu châm ngôn về Cha, mình sẽ phải nhấn đậm và to chữ cái này để thể hiện tầm quan trọng của nó với mọi người.
Cha là tất cả cha ơi, ngàn năm con vẫn trọn đời yêu thương
Tác phẩm thư pháp: Cha là tất cả cha ơi, ngàn năm con vẫn trọn đời yêu thương


Tiếp theo đó là chúng ta phải lựa chọn giấy viết.

Hiện nay trên thị trường có nhiều loại giấy viết khác nhau, mỗi loại lại có một đặc tính khác nhau mà khi chúng ta đặt bút lên đó lại cho một cảm giác khác. Mình khuyên rằng bạn nên lựa chọn một loại giấy cụ thể và chuyên dùng để viết nhằm mục đích tạo ra một thói quen riêng cho bản thân, bên cạnh đó việc sử dụng một loại giấy đặc biệt có thể mang lại cho bạn phong cách riêng.

"Khoan đã! Làm thế nào để tôi tìm kiếm được các câu châm ngôn hay và giấy viết tốt?"

Nhiều bạn hỏi mình câu này nên mình cũng xin trả lời luôn:

- Về châm ngôn hoặc nội dung dùng để viết thư pháp, bạn có thể tìm trên mạng hoặc trong các hội nhóm thư pháp điển hình, họ thường in, ghim các tài liệu học thư pháp để người mới có thể tiếp cận và làm quen.

- Về giấy thì hiện nay trên mạng cũng có rất nhiều cửa hàng bán các sản phẩm giấy viết tốt. Ở Hà Nội thì có cửa hàng của anh Hoàng Sơn, bạn có thể lên Facebook và tìm hai từ khóa "Thư pháp dụng phẩm" hoặc "Họa phẩm Hoàng Sơn" (hay "Lê Minh Hảo") để đặt mua các loại giấy viết thích hợp

Bước 3: Lên bố cục và hoàn thiện bức thư pháp

Sau khi lựa chọn được chủ đề, nội dung và bố cục, giấy viết, bây giờ là phần quan trọng nhất đó là đặt bút thể hiện tác phẩm thư pháp của bạn. Một số kinh nghiệm cá nhân mình nhận thấy đó là khi viết các tác phẩm thư pháp có bố cục phức tạp bạn có thể sử dụng bút chì để vạch trước những chữ mờ mờ trên tờ giấy và đưa bút theo, sau khi hoàn thành có thể lấy tẩy gôm đường bút chì đi, hoặc đối với những ai có điều kiện, có thể sắm một chiếc bàn viết thư pháp được gắn một chiếc đến hắt sáng từ dưới lên qua một tấm kính có kẻ sẵn các ô vuông để nhìn vào đó mà ướm bố cục cho hài hòa.

Việc thực hiện viết thư pháp lên giấy phải được thực hiện khi tâm bạn ở trạng thái bình thản, không bị ảnh hưởng bởi các chất kích thích, cố gắng không để sự hồi hộp lo lắng làm tay bạn bị run (mình đã từng chứng kiến một vài trường hợp khi có người đứng bên cạnh nhìn họ viết là tay họ run bần bật như phải gió). Việc bị tâm lý khi viết có thể dần được khắc phục bởi thời gian và kinh nghiệm cá nhân, nên bạn cứ yên tâm rằng cố gắng tập luyện sẽ giúp bạn cải thiện nối lo về mặt tâm lý.

Cuối cùng việc hoàn thành tác phẩm thư pháp chính thức kết thúc khi bạn đặt đầy đủ ấn chương, con triện lên tác phẩm của mình.

Bạn có thể đọc thêm bài viết: Khóa học thư pháp dành cho người mới

Đây là khóa học mà thư pháp Thanh Phong đang triển khai thực hiện nhằm giúp cho những người có niềm đam mê, yêu thích bộ môn nghệ thuật thư pháp Việt có thêm một sân chơi thật bổ ích và hấp dẫn. Nếu như bạn vẫn phân vân không biết nên học thư pháp Online hay học với thầy thì quý độc giả nên tìm hiểu qua bài viết có link dưới đây:

https://blog.thuphapthanhphong.com/2018/04/hoc-viet-thu-phap-online.html

Trên đây là những kinh nghiệm cá nhân của mình và phương pháp để thực hành viết thư pháp. Hy vọng rằng bài viết sẽ giúp ích cho bạn phần nào trong quá trình học thư pháp. Chúc bạn thành công!

Thanh Phong

Xin chào các bạn, mình là một người thích viết lách và chia sẻ kinh nghiệm

Đăng nhận xét

Mới hơn Cũ hơn