Một bạn hôm trước có hỏi mình "Dụng cụ viết thư pháp ngoài văn phòng tứ bảo ra còn những gì?" Hôm nay mình viết bài này nhằm trả lời câu hỏi trên cũng như giới thiệu đến các bạn một số vật phẩm khác có liên quan đến việc sáng tác các tác phẩm thư pháp.
Nhìn chung, bên cạnh văn phòng tứ bảo, các dụng cụ của một thư pháp gia còn có:
Nhìn chung, bên cạnh văn phòng tứ bảo, các dụng cụ của một thư pháp gia còn có:
1. Bàn viết thư pháp
Đương nhiên là rồi, việc có một chiếc bàn viết thư pháp thoải mái là một trong những yếu tố quan trọng hàng đầu ảnh hưởng đến sự thành công của một người trong việc sáng tạo nghệ thuật. Thực tế thì bạn sẽ là người làm việc nhiều giờ liền mà nếu như không có bàn ghế để viết thì các tư thế khác như quỳ, nằm, ngồi xổm sẽ rất dễ làm hại cho xương sống.
Bàn viết thư pháp bạn có thể lựa chọn dạng bàn cao có ghế tựa hoặc bàn thấp, dạng ngồi khoanh chân. Nhiều người thích dạng thấp vì nó giống phong cách các ông đồ ngày xưa, nhưng đối với cá nhân mình thì mình thích bàn cao hơn, vì nó đảm bảo cho mình một tư thế ngồi thoải mái, vững chắc để thực hiện các tác phẩm, bên cạnh đó mình có thể đứng để viết khi áp dụng các bức thư pháp cần sự phóng khoáng.
2. Trấn chỉ
Là một dụng cụ thường được làm bằng gỗ, dài và bẹt, có trọng lượng khá nặng, dùng để chặn giấy, giữ cho giấy viết thư pháp không bị nhàu, giúp cho việc thực hiện các tác phẩm trở nên dễ dàng hơn. Nhiều người đầu tư trấn chỉ rất đẹp, nhưng đối với bản thân mình, mình thấy trấn chỉ chỉ cần có đầy đủ công năng để sử dụng là được, tức là chỉ cần dài, bẹt và nặng.
3. Gác bút
Cái gác bút để bạn đặt bút lên trong mỗi lần sử dụng. Trong các bức thư pháp công phu, người viết chữ đôi khi phải sử dụng từ hai đến nhiều loại bút khác nhau để sáng tạo tác phẩm thư pháp, gác bút làm nhiệm vụ giữ các loại bút được nghiên lên trên, không chạm phần lông xuống bàn hoặc lăn trên mặt bàn gây ảnh hướng tới quá trình viết.
4. Giá bút
Là một loại dụng cụ dùng để treo bút lên mỗi khi xử dụng xong, dụng cụ này thường cao hơn chiều dài của cây bút, có những móc treo và cũng thường được làm bằng gỗ. Mọi người thường đặt giá bút ở gần nơi có ánh sáng, thoáng mát để giúp cho việc làm khô bút và bảo quản bút được dễ dàng.
5. Mành bảo quản bút
Là dụng cụ được làm từ tre và bọc bằng vải, thường có dạng hình chữ nhật, thân có hai sợi dây, và phần trong có một đoạn nỉ được may cho chừa những khoảng trống nhỏ để đút vừa cây bút lông vào trong. Người ta thường dùng vật phẩm này để bảo quản bút khi mang đi xa, tránh tình trạng đầu bút bị biến dạng khi đặt trong ba lô hoặc túi xách.
Trên đây là một số dụng cụ ngoài văn phòng tứ bảo phục vụ việc viết chữ thư pháp mình tìm hiểu được, rất mong rằng sẽ giúp ích phần nào cho các bạn đang bắt đầu luyện viết chữ thư pháp.
Trân trọng!
Thư pháp Thanh Phong