Bài học khi lãnh đạo một trung đội của tôi

Bài học khi lãnh đạo

Trong hơn 3 năm học đại học của mình, tôi có cơ hội được lãnh đạo một trung đội gồm 40 người, và suốt quãng thời gian ấy, tôi đã học được một vài bài học mà bản thân thấy thực sự có thể sẽ giúp ích cho ai đó trong cuộc sống hàng ngày, khi mà ngẫu nhiên, bạn cũng được mọi người tín nhiệm và giao cho trọng trách lãnh đạo đơn vị tiến lên. 

Bài học số 1: Hãy cho đi và đừng yêu cầu nhận lại

Đã có một khoảng thời gian rất dài tôi nghĩ rằng mọi người quá ích kỷ, nhưng về sau cùng thì những người thực sự biết suy nghĩ sẽ hiểu ra điều gì là đúng, điều gì là sai. Nếu bạn giúp đỡ họ ngày hôm nay, thì rất có thể ngày mai bạn sẽ là người được giúp đỡ. Cũng đừng mong rằng nếu bạn giúp họ thì bạn phải nhận lại được điều gì đó. Vụ lợi cá nhân sẽ chẳng giúp ích được gì vì tôi cũng từng thấy có một vài người hễ được ai nhờ vả cái gì đó là lại hỏi lại "Thế tao được cái gì?". Những đứa bạn như thế bạn chỉ nên quan hệ một cách xã giao mà thôi.

Bài học số 2: Gần mực thì đen, gần đèn thì sáng

Nếu bạn ở cạnh những người tiêu cực thì những quyết định trong quá trình lãnh đạo của bạn cũng sẽ tiêu cực không kém, và ngược lại, nếu bạn có những "Tâm phúc" có suy nghĩ tích cực, công việc của bạn sẽ trở nên thú vị hơn rất nhiều.
Điều này luôn luôn xảy đến, vì thế mà chính bạn cũng nên trở thành một tấm gương cho những thành viên trong đơn vị mình noi theo.
Bện cạnh đó, đôi khi tôi biết bạn sẽ gặp phải những con người không tốt, nhưng bạn chẳng thể tránh xa họ. Cách tốt nhất là hãy giữ cho bản thân có được một tâm hồn bất biến giữa dòng đời vạn biến.
Bạn nên đọc bài viết "Ý nghĩa câu nói tâm bất biến giữa dòng đời vạn biến" để hiểu rõ hơn về điều này.

Bài học số 3: Gần nhau không quan trọng, quan trọng là làm cùng nhau điều gì.

Tôi có một cậu bạn, trong một lần tôi giao nhiệm vụ cho cậu ấy thì cậu ấy làm hỏng mọi thứ, tất cả. Tôi không trách cậu ấy vì bản thân tôi cũng mắc phải những sai lầm, chính vì thế mà tôi đề xuất để cùng cậu ấy giải quyết những hậu quả. Sau khi hoàn thành xong nhiệm vụ, tình bạn của chúng tôi tăng lên một cách đáng kể. Vậy đấy, tôi nhận ra rằng mặc dù có những người chúng ta có thể gặp cả ngày nhưng tình cảm thì có khi không thể bằng một vài người tuy chỉ gặp nhau đôi ba lần những những lần ở cạnh nhau đều có những trải nghiệm khác biệt. 

Bài học số 4: Đừng bao chủ quan, duy ý chí

Mặc dù nói là như vậy những tôi phải công nhận răng đôi khi mình vẫn còn chủ quan, duy ý chí, khi mà giao cho những người dưới quyền mình những công việc mà tôi nghĩ rằng họ có thể thực hiện được trong khi sự thực thì không phải thế. 
Đôi khi đứng trước một vấn đề nào đó, có thể chỉ có mình bạn là người nhận ra được điều gì đúng điều gì sai, nhưng khi đứng trước tập thể, nếu như bạn đã cố thuyết phục mọi người mà số đông vẫn không đồng ý thì tốt nhất hãy làm theo họ, bạn là người đại diện cho tập thể, là người phục tùng đa số chứ không phải một ông vua thích làm gì thì làm. Tiếng nói của bạn sẽ cao hơn khi bạn thực hiện ý chí của cả nhóm. 

Bài học số 5: Nỗ lực gấp đôi 

Chính bạn là người lãnh đạo và dẫn dắt nhóm của mình, vì vậy mà bạn sẽ phải là người nỗ lực hơn những người khác rất nhiều để có thể đưa bộ máy làm việc vào guồng quay của nó, chắc chắn là sẽ có những công việc không tên, những việc làm mà chẳng một thành viên nào trong nhóm biết mà bạn phải làm, nhưng đừng bao giờ than vãn những vấn đề ấy, vì những thành viên trong nhóm không bao giờ muốn nhìn thấy người lãnh đạo của họ trở nên nhụt chí, chán nản. Hãy sắn tay áo và lao vào công việc của mình như thể nó vốn là như thế, và bao giờ thì trong một tập thể cũng sẽ có những người lính trung thành sẵn sàng cùng bạn chiến đấu tới hơi thở cuối cùng. 

Bài học số 6: Giải quyết dứt điểm các vấn đề một cách nhanh chóng

Đừng để cho những vấn đề âm ỷ quá lâu trong một thời gian dài, vì bạn sẽ không biết những vấn đề mới sẽ nảy sinh lúc nào, vì vậy mà nếu như trong nhóm có một vấn đề nào đó nảy sinh, hãy cố gắng giải quyết thật nhanh chóng, càng nhanh càng tốt, hãy nói với tổ chức mình điều ấy, khi bạn yêu cầu ai đó làm gì, hãy nói với họ rằng công việc này phải được triển khai một cách quyết liệt, rõ ràng và chính xác, không chần chừ, ậm ừ. Có như vậy, bạn mới có thời gian rảnh để giành cho những công việc bất chợt xuất hiện trong tương lai.

Bài học số 7: Không che dấu khuyết điểm


Vừa là một điểm đáng để làm gương cho người khác, vừa là cách tốt nhất để ta có thể sửa chữa được những sai lầm của mình trong tương lai. Vì phần lớn những khuyết điểm thì đều có lý do của nó, thông thường những khuyết điểm đến khi chúng ta có thói quen làm một việc gì đó không đúng. Tự nhận lỗi và thể hiện mình là một con người có trách nhiệm là cách để chúng ta từng bước nhận diện và giải quyết những khuyết điểm mà mình vướng phải với nhóm làm việc của mình.
Một vài lần tôi phát cho mỗi người một tờ giấy để họ nhận xét bản thân tôi và đánh giá những mặt ưu khuyết điểm của từng thành viên trong bộ máy cán sự lớp. Điều đó sẽ giúp tôi nhận thấy những vấn đề mà mình đang mắc phải đối với một số người và từ đó có cách điều chỉnh cho phù hợp.

Bài học số 8: Luôn giữ lời hứa

Đôi khi tôi cũng nhỡ lời nói với mọi người rằng mình sẽ làm thế này, sẽ làm thế kia, chính điều đó làm tôi trở nên khổ sở khi phải bắt tay vào thực hiện những điều mà mình đã nói, nhưng giữ lời hứa là cách duy nhất để uy tín của bạn không bị giảm sút trong mắt những thành viên trong lớp. 
Nếu đã là thằng nói nhiều thì hãy giữ lời hứa, còn nếu như bạn không chắc có thể giữ lời hứa hay không thì tốt nhất là đừng nói nhiều. 
Một vài những kinh nghiệm của bản thân mình, chia sẻ trên đây để nhỡ có bạn nào đọc được, cũng sẽ hiểu về tôi, một phần nào đó.

Thư pháp Thanh Phong | Viết thư pháp
Thanh Phong

Xin chào các bạn, mình là một người thích viết lách và chia sẻ kinh nghiệm

Đăng nhận xét

Mới hơn Cũ hơn