“ Đã có bao giờ, trên những con phố tấp nập, nhộn nhịp và đông đúc, giữa hàng triệu con người ngoài kia, bạn bất chợt nhận thấy xa lạ, lạc lõng và nhỏ bé?”
Một bông hoa dù
nở đẹp đến mấy cũng sẽ có lúc héo tàn. Lòng người cũng giống như hoa, bề ngoài
có thể vui vẻ nhưng trong lòng lại là cả một câu chuyện rất dài, rất buồn…
Dù nhiều hay ít,
tôi tin chắc rằng, trong cái cuộc sống của mỗi người cũng có những lúc cảm thấy
lạc lõng và tự thu mình vào trong vỏ ốc, để không ai có thể chạm vào, để không
ai có thể làm tổn thương, để một mình một thế giới – thế giới mà bạn được sống
thật với bản thân mình, không phải giả tạo và chịu áp lực từ người khác. Đó
cũng là lúc, sự cô đơn ập đến. Cô đơn, khái niệm dường như rất trìu tượng ấy lại
có thể làm người ta thấy nhói…
Tôi sợ cảm giác
cô đơn nhưng tôi lại thích một mình. Vì một lẽ, tôi sợ cuộc sống xô bồ, tranh đấu,
giành giật, sợ lòng người. Thế giới tôi đang sống tưởng nhỏ mà hóa lại to, bước
chân ra cửa là thấy cả một bầu trời. Trong thế giới ấy, tôi cảm nhận tôi và những
người xung quanh khác nhau về mọi thứ khiến tôi không thể trò chuyện, cười nói,
thân thiết, tâm sự? Lúc nào cũng thế, tôi chọn cho mình một góc rất riêng, chỉ
để ngồi, để suy nghĩ xem tại sao tôi lại không giống người ta. Phải chăng là do
tôi quá thận trọng trong từng mối quan hệ nên tôi không thể mở lòng mình ra với
những người khác?
Cô đơn không phải
chỉ là cảm giác khi chỉ có một mình. Cô đơn là khi ở trong một tập thể, hàng chục,
hàng trăm con người, bạn vẫn có cảm giác bơ vơ, lạc lõng. Tôi là sinh viên năm ba
của một trường đại học. Hơn hai năm học tập với hơn 70 con người, tôi chưa bao
giờ thấy mình vui và cười thật sự. Tôi nhìn thấy các bạn trò chuyện, cười nói,
tôi tự hỏi: Tại sao các bạn có thể làm được điều đó mà tôi lại không thể? Các bạn
không có chút phiền não, lo âu nào sao? Hay cũng chỉ là nụ cười bên ngoài nước
mắt chảy vào trong? Tôi còn nhớ, khi tôi vào học năm nhất, ăn cơm một mình, đi
học một mình, trong lớp cũng không nói chuyện với ai. Tôi không thân thiết với
ai trong lớp. Ngay cả tôi cũng cảm nhận thấy tôi giống như tách biệt ra khỏi tập
thể. Tôi đã mang trong mình nỗi mặc cảm và sự tự ti khi tôi đã trượt vào trường
đại học tôi mơ ước để đi học một trường khối A. Tôi mang nỗi buồn ấy vào ngôi
trường tôi đang học để rồi đến bây giờ, tôi chưa từng có cảm giác yêu thật sự ngôi
trường ấy. Tôi mang theo những ước mơ, hoài bão của mình vào ngôi trường ấy và
cố gắng để thoát khỏi nó càng sớm càng tốt. Tôi mang tư tưởng khác biệt với anh
chị khóa trên, bạn bè trong lớp. Tôi thèm và ao ước, tôi có thể được sống, được
làm những điều mình thích và phù hợp với khả năng của mình. Tôi đã sống, với sự
trống trải và cô đơn như thế, ít nhất là trong những năm tôi học đại học…
Cô đơn là cảm
giác khi nghĩ về gia đình, người thân – những người quan trọng hơn tất cả mọi
thứ trên cuộc đời này. Tôi nghĩ đến mẹ, người phụ nữ hơn 10 năm một mình gánh
trên vai gánh nặng gia đình, vừa là người cha, người mẹ của chị em tôi. Người
đã cố gắng, dành dụm từng đồng tiền lẻ để chị em tôi có thể được ăn học đàng
hoàng. Chị đi lấy chồng, tôi đi học, mẹ một mình trong căn nhà bé nhỏ ấy. Mỗi lần
nghĩ đến mẹ, lòng tôi lại buồn, có gì đó ứ lại ở cổ họng, cái cảm giác không thể
gọi thành tên, cũng chẳng thể thốt lên thành lời. Tôi thấy lạc lõng, giống như
chính mẹ lúc ấy, mẹ cũng thấy cô đơn, mệt mỏi. Những lúc nhớ mẹ đến cồn cào, chỉ
muốn chạy đến ôm và hôn mẹ một cái thật chặt để tìm lại được cái cảm giác hạnh
phúc giản dị, để tìm thấy cái cảm giác ấm áp và bình yên mà trong cuộc sống xô
bồ này, người ta dường như không thể tìm thấy. Hạnh phúc thật sự là khi có gia
đình, có mẹ, có những người yêu thương, và cô đơn là khi ta không được ở bên
gia đình, bên mẹ, sà vào lòng họ để có thể vứt bỏ mọi lo âu và muộn phiền…
Nhớ mẹ, nhớ chị.
Ước chi giờ được rúc nách mẹ như hồi còn bé, ngủ một giấc thật sâu và không phải
lo nghĩ điều gì.
-Love Family-
1/9/2015
Nguồn: Thư pháp Thanh Phong
Đọc thêm bài viết "Định nghĩa hạnh phúc" tại đường dẫn sau đây
Nguồn: Thư pháp Thanh Phong
Đọc thêm bài viết "Định nghĩa hạnh phúc" tại đường dẫn sau đây