Sau khi vào ngôi trường mới, do đã từng đi lính nên tôi được các thầy cô và bạn bè tín nhiệm giao cho trọng trách làm trung đội trưởng, và từ đó tôi cũng bắt đầu gặp phải những vấn đề đầu tiên. Đã có nhiều lần tôi phát hoảng khi đứng trước mọi người để nói nên những điều mà mình suy nghĩ, thường xuyên để cho tình cảm lấn áp dẫn đến việc nói không nên lời và thể hiện bằng những hành vi khó hiểu, trung đội tôi bắt đầu trở nên trầm xuống mỗi khi có dịp họp lớp. Và từ đó tôi bắt đầu nảy ra cái suy nghĩ làm thế nào để cải thiện điều này, tôi đứng ra tổ chức một câu lạc bộ mang tên CLB Hùng biện T29 và tìm kiếm những con người có cùng chung sở thích với mình để cải thiện khả năng nói và giao tiếp trước đám đông.
Bước đầu khi mới thành lập câu lạc bộ, tôi cảm thấy có rất nhiều những khó khăn, đôi khi muốn vứt bỏ mọi thứ, nhưng những lần sau tôi càng cố chấp và có lẽ điều đó khiến tôi luôn kiên cường cố gắng bám lấy câu lạc bộ và điều hành nó đi vào quỹ đạo.
Vì nhu cầu của nhà trường là đào tạo những sĩ quan chính trị trong tương lai nên việc thuyết trình và hùng biện trở thành những kỹ năng nhất thiết phải có, vậy là ở trường thường xuyên có tổ chức những buổi hội thảo và thuyết trình, lần gần đây nhất tôi tham gia là cuộc thi thuyết trình về văn hóa ứng xử trong học viên học viện, và bạn biết đấy, chính vì nhiều người gọi tôi là “Chủ nhiệm câu lạc bộ hùng biện” mà đã khiến cho tôi cảm thấy có động lực hơn rất nhiều trong cuộc thi này. Và tôi đã giành được giải Nhì.
Tuy kết quả không được như mong đợi, nhưng những gì tôi làm được có lẽ chỉ những người đã tham gia buổi thuyết trình đó mới biết được, đối với riêng cá nhân tôi thì tôi nhận thấy rằng, bản thân mình như vậy là đã có sự thay đổi rất lớn.
Sau cuộc thi ấy, tôi nhận ra rằng, hoạt động tranh biện và hùng biện ở Việt Nam vẫn còn khá mới mẻ và cần phải được phát triển trong thời gian dài. Nhu cầu về hoạt động này tuy lớn nhưng chưa được nhiều người xem xét và đánh giá một cách thực sự chuẩn xác, chính vì thế mà tôi mong muốn viết một sê ri những bài viết liên quan đến chủ đề hùng biện để nhằm mục đích nâng cao khả năng thuyết trình, hùng biện của các bạn học sinh, sinh viên. Tạo ra một cộng đồng đông đảo những người yêu thích bộ môn nghệ thuật đầy mới mẻ này. Tập bài viết tuy nhỏ nhưng hy vọng sẽ là món quà tinh thần hữu ích giúp cho các bạn đang có mong muốn tìm hiểu về lĩnh vực này có được một cái nhìn toàn diện hơn trong lĩnh vực hùng biện, giao tiếp trước công chúng. Và để bắt đầu cho hành trình khám phá nghệ thuật hùng biện, tôi xin gửi lời cảm ơn tới các thầy cô giáo, các bạn học viên trong học viện Chính trị CAND đã giúp tôi hoàn thành loạt bài này, cảm ơn bạn, người đang xem bài viết này như là đã một phần tin tưởng và ủng hộ cho tôi cùng những người đồng chí của mình đạt được mục đích kiến thiết nền dân trí nước nhà ngày một tốt đẹp.
Hùng biện là gì
Trước khi bắt đầu viết loạt bài này, chúng tôi nhận thấy một vấn đề rất quan trọng cần đặt ra ngay lúc này chính là việc chúng tôi chưa có được một khái niệm chung nhất về vấn đề “Hùng biện là gì?” hoặc “Khái niệm Hùng biện”.
I. Khái niệm “hùng biện”
Việc đầu tiên chúng tôi làm là xem xét các khái niệm gần đó như “Thuyết trình là gì?” và nhận thấy đã có khá nhiều người gặp khó khăn trong việc phân biệt hai khái niệm này.
Về cơ bản, thuyết trình và hùng biện được xem là hai hoạt động có mức độ phức tạp hơn khả năng nói thông thường. Dựa vào các tiêu chí chúng tôi đặt ra, thì thuyết trình và hùng biện về cơ bản khác và giống nhau ở các đặc điểm như sau:
Lý giải những tiêu chí đưa ra ở trên ta thấy rằng:
Hoạt động thuyết trình và hùng biện có những điều khác nhau rõ rệt và dường như hoạt động hùng biện có ngoại diên nhỏ hơn hoạt động thuyết trình và nằm trong nội hàm của khái niệm thuyết trình.
Như vậy, về cơ bản ta có thể thấy rằng, hoạt động thuyết trình có phạm vi rộng hơn hùng biện. Từ những quan điểm trên, tôi đưa ra khái niệm về hùng biện cho riêng mình như sau:
Hùng biện là hoạt động nói có sự chuẩn bị về ngôn từ và ý tứ xoay quanh thông tin nào đó một cách có định hướng nhằm tác động vào cảm xúc và suy nghĩ người khác để thu hút và thuyết phục người nghe.
Trong Hùng biện người ta có thể xen kẽ thuyết trình vào trong bài nói nhưng trong một bài thuyết trình việc tác động và sử dụng từ ngữ quá nhiều nhằm mục đích tác động lên suy nghĩ người nghe sẽ khiến cho bài thuyết trình không còn là chính nó, điều này làm nên sự không rõ ràng trong việc áp dụng nghệ thuật sử dụng từ ngữ và chủ đích hướng đến suy nghĩ và cảm xúc của người nghe trong bài thuyết trình.
Để thấy được sự khác nhau giữa thuyết trình và hùng biện, chúng ta có thể cùng xem xét thông qua một trường hợp sau đây:
Đối với thuyết trình, ta có thể sử dụng thuyết trình để giới thiệu về một sản phẩm, ví dụ như chiếc iphone, ipad, những người thuyết trình tốt thường tìm cách để cho người nghe thấy được toàn bộ vấn đề, quan điểm xung quanh sự vật, hiện tượng.
Đối với hùng biện, thì người hùng biện lúc này sẽ tìm cách để thu hút và thuyết phục người nghe mua chiếc máy điện thoại đó, cụ thể là anh ta có thể sử dụng cả thuyết trình, cả lối nói truyền cảm để khiến người mua cảm thấy những điều anh ta nói là đúng, hợp lí và suy nghĩ theo định hướng ban đầu mà anh ta muốn là “hãy mua sản phẩm này”.
1. Hùng biện có cần phải chuẩn bị hay không?
Câu trả lời là vừa có vừa không. Vì mục tiêu của hùng biện là nhằm tác động vào suy nghĩ và cảm xúc của người khác để hướng họ đến một quan điểm có sẵn mà vì vậy, việc Hùng biện có cần phải chuẩn bị hay không là chưa thể khẳng định được.
Trong lịch sử đã từng có rất nhiều người tuy rằng không cần chuẩn bị gì cả, nhưng khi họ đứng lên phát biểu về một vấn đề nào đó, họ lại khiến cho người khác tin tưởng và đồng tình làm theo những gì mà họ nói mặc dù trước đó không hề chuẩn bị một chút nào cả.
Tuy vậy cũng cần phải nói rằng, chuẩn bị là điều tối cần thiết đối với bất cứ một nhà hùng biện gia nào.
Về mặt lý thuyết mà nói, hùng biện là một kỹ năng và nó phải được chuẩn bị và rèn luyện qua thời gian và số lượng chuẩn bị nhất định để người nói có thể bước lên bục diễn thuyết và nói ngay lập tức mà không cần chuẩn bị trước.
Ví dụ như Michael Jodan, anh ta đã tập ném bóng vào rổ cả triệu lần, và số thời gian anh ta tập luyện để đạt được trình độ ngôi sao như bây giờ cũng đã vượt quá con số 10,000 giờ (Con số đủ để bạn thành thạo một kỹ năng nào đó) và như vậy, nếu như có ai đố anh ta có thể ném bóng vào rổ trong phạm vi 3m, khả năng nhiều là anh ta sẽ ném tốt hầu hết tất cả những cú ném. Hùng biện cũng vậy, điều đặc biệt hơn của nó là nếu như ví thuyết trình như hành động ném bóng vào rổ, thì hùng biện giống như thể ném bóng vào rổ theo một phong cách đặc trưng. Tức là có cái tính cá nhân ở trong mỗi lần ném.
2. Vậy một người hùng biện giỏi cần chuẩn bị những gì?
Khả năng hùng biện được tạo nên bởi hai yếu tố quan trọng nhất được thể hiện là: Nội dung nói và kỹ năng truyền tải nội dung
- Nội dung bài nói: Hay nói cách khác là kiến thức. Làm thế nào để nói với người khác trong khi chúng ta không biết phải nói những gì, hẳn là chúng ta sẽ nói đến những điều không rõ ràng và chẳng liên quan với nhau. Ngược lại, một nội dung được chuẩn bị kỹ lượng sẽ là tiền đề để bạn mở rộng các vấn đề, chứng minh cho những giả thuyết mà mình đưa ra.
- Kỹ năng truyền tải: Được thể hiện thông qua cách người nói sử dụng ngôn ngữ để truyền tải nội dung. Ngôn ngữ để hùng biện gồm cả ngôn ngữ nói, và ngôn ngữ cơ thể. Cả hai loại ngôn ngữ này đều bổ trợ cho nhau tạo hình tượng của một nhà hùng biện giỏi. Nếu như bạn chỉ có nói mà không cho người khác thấy ngôn ngữ cơ thể của mình, những người nghe cũng sẽ cảm thấy bài nói chuyện sẽ rất cứng nhắc, hoặc giả như bạn chỉ sử dụng ngôn ngữ cơ thể để giao tiếp với mọi người thì sẽ rất ít người có thể hiểu được nội dung mà bạn đang truyền đạt.
Một điểm đặc biệt của hùng biện là khả năng tạo ra sự thu hút và thuyết phục. Gợi mở trí tò mò là cách phổ biến mà nhiều nhà hùng biện sử dụng để làm cho bài nói trở nên cuốn hút, đây cũng là một lí do cơ bản khi nhiều người sử dụng phương thức kể chuyện để khiến cho khán giả quan tâm đến bài nói của mình.
Nhìn chung lại, hùng biện là hoạt động cần sử dụng rất nhiều giác quan trên cơ thể, và đôi khi ngay cả sự cảm nhận của hùng biện gia về suy nghĩ mà khán giả đang lắng nghe để điều chỉnh một cách thực sự phù hợp cũng trở thành một kỹ năng cần thiết và điều này khiến hùng biện trở nên khác biệt hơn so với thuyết trình.
II. Các cuộc thi tại Việt Nam
Tại Việt Nam trong thời gian gần đây mới thấy xuất hiện những cuộc thi Hùng biện như cuộc thi hùng biện Socrates, cuộc thi hùng biện xã hội và tôi, các cuộc thi hùng biện tiếng Anh, tiếng Nhật,…
Đây là những sân chơi rất bổ ích và lí thú giành cho các bạn học sinh, sinh viên đang theo học tại các trường đại học, cao đẳng trên toàn quốc. Điểm đặc biết của những cuộc thi này là sử dụng những phương pháp tổ chức đa dạng, đậm đà tinh thần năng động, trẻ trung, lôi cuốn được nhiều bạn trẻ tham gia vào các hoạt động của cuộc thi.
Trong các cuộc thi này, chúng ta có thể dễ dàng thấy được một điểm đáng lưu ý là hầu hết những cuộc thi đều sử dụng luật tranh biện Karl Popper, đây là luật phổ thông được sử dụng trong các cuộc thi tranh biện quốc tế, và về cơ bản, luật tranh biện Karl Popper được thể hiện thông qua các hình thức sau đây:
1. Cơ cấu tổ chức.
Mỗi đội sẽ có ba người tham gia tranh biện, ban giám khảo có từ 3 người trở lên và phải là số lẻ (điều này sẽ quyết định trận tranh biện luôn luôn có một đội giành chiến thắng) và một người bấm giờ (gọi là Timekeeper)
2. Nội dung thi đấu:
Hai đội chia ra thành hai phe ủng hộ (A) và phản đối (N), thi đấu theo từng lượt được quy định theo cấu trúc như sau:
CẤU TRÚC PHIÊN TRANH BIỆN THEO LUẬT KARL POPPER
Lượt Hoạt động
1. A1: Đưa ra định nghĩa, giới hạn, cấu trúc của phiên tranh biện và những luận điểm của phiên tranh biện (6 phút)
2. N3: Đặt câu hỏi cho A1 trả lời (3 phút)
3. N1: Phản đối A1, đưa ra phần luận điểm của đội mình (6 phút)
4. A3: Đặt câu hỏi cho N1 trả lời (3 phút)
5. A2: Phản biện N1, ủng hộ A1 bằng cách bổ sung, mở rộng lý lẽ, dẫn chứng dựa trên những luận điểm mà A1 đã đưa ra (5 phút)
6. N1: Đặt câu hỏi A2 trả lời (3 phút)
7. N2: Phản biện A2, ủng hộ N1 bằng cách bổ sung, mở rộng lý lẽ, dẫn chứng dựa trên những luận điểm mà N1 đã đưa ra (5 phút)
8. A1: Đặt câu hỏi N2 trả lời (3 phút)
9. A3 phản biện N2 tổng kết những xung đột chính, phân tích và chứng minh đội ủng hộ thắng (5 phút)
10. N3 phản biện A3 và phân tích các xung đột chính để chứng minh đội không ủng hộ thắng (5 phút)
Lưu ý: A3 N3 không được đưa thêm luận điểm mới, hay bổ sung luận điểm cũ, kể cả bằng chứng
Tổng thời gian: 44 phút
Kết thúc mỗi lần tranh biện đội thắng sẽ là đội được ban giám khảo bình chọn cao hơn và sẽ tiếp tục tiến vào các vòng trong.
Cho đến nay, hoạt động tranh biện ở Việt Nam vẫn còn khá ít, và chưa được thực hiện một cách rộng rãi, nhưng trong tương lai, chắc chắn hùng biện sẽ trở thành một trong những hoạt động được nhiều bạn trẻ đón nhận vì xu hướng của cuộc sống đang phát triển và nhu cầu của đất nước trong tiến trình phát triển và hội nhập.
III. Nỗi sợ đứng trước đám đông
Nỗi sợ khi đứng trước đám đông là một trạng thái hết sức phổ biến đối với bất cứ một ai mới bắt đầu tiếp xúc với hoạt động thuyết trình, hùng biện trước công chúng, phần lớn chúng ta sợ hãi bởi vì chúng ta cảm thấy sự dò xét của những con mắt hướng về phía bản thân mình. Nhiều người thậm chí còn trở nên run sợ và không thể nói thành lời mặc dù đã chuẩn bị rất kĩ lưỡng bài phát biểu của mình.
Có thể nói rằng, nỗi sợ luôn luôn tồn tại trong bất cứ ai, khi chúng ta đối mặt với nỗi sợ, chúng ta sẽ phải chọn lựa cho bản thân mình hoặc chiến đấu, hoặc bỏ chạy. Bản thân tôi cũng là một người nhút nhát, trong thời gian đầu tiên khi đứng trước đám đông, tôi thậm chí còn run lên như thể đang đứng ở bức cực với một chiếc áo mỏng manh và một chiếc quần đùi cộc lốc. Đó là vào một hôm khi tôi được gọi lên đọc 5 Lời thề của Công an nhân dân. Mặc dù đã thuộc nằm lòng những điều sắp nói ra, nhưng hai chân tôi vẫn run lẩy bẩy và giọng nói thì nhỏ nhẹ khó nghe biết nhường nào, tôi có trấn tĩnh mình *Không được sợ nữa*, *Đừng run nữa* thì mọi chuyện lại càng trở nên tồi tệ, tôi bắt đầu đọc sai và ngắt ngứ. Buổi chào cờ kết thúc với lời nhận xét của thầy giáo *Đồng chí đọc 5 Lời thề cần phải cố gắng nhiều hơn nữa*
Tôi biết rằng nếu mình cứ mãi sợ hãi và chạy chốn sự thật phũ phàng này, tôi sẽ không bao giờ có thể sửa chữa được nó. Chính vì thế mà tôi quyết định tìm cách thay đổi và sửa chữa khuyết điểm này.
Tôi nghĩ rằng mọi thứ đều có nguyên nhân của nó, và việc tôi sợ hãi, chắc chắn cũng tồn tại một vài nguyên nhân nào đó. Tôi nhận thấy rằng, sở dĩ mình sợ hãi là do suy nghĩ trong cá nhân mình lúc đó luôn hiện lên những hình ảnh tiêu cực, và việc thốt ra những từ như *Đừng sợ nữa*, *Đừng run nữa* cùng một phần nào đó ảnh hưởng đến tôi.
Trong cuốn sách tôi tài giỏi, bạn cũng thế của Adam Khoo, tôi nhận thấy anh có đề cập đến việc tự kỉ ám thị, lấy một ví dụ đơn giản:
Khi tôi nói rằng “Đừng có nghĩ về con voi màu xanh” thì mặc dù nghĩa hoàn toàn khác, xong trong đầu bạn vẫn hiện lên hình ảnh chú voi mầu xanh. Điều tương tự cũng xảy ra với tôi khi tôi nghĩ rằng *Đừng sợ nữa* hoặc *Đừng run nữa* thì hình ảnh sợ hãi, hai chân run lẩy bẩy của tôi lại hiện lên. Vì vậy, tôi quyết định suy nghĩ một cách khác đi.
Tôi bắt đầu suy nghĩ rằng *Mọi người sẽ cảm thấy choáng ngợp khi nghe tôi đọc 5 Lời thề vào dịp tới* và *Tôi là người đọc có giọng nói truyền cảm nhất*. Điều đó đã khiến tôi thể hiện bài nói của mình trước hơn 500 học viên trong toàn trường vào lần đọc tiếp theo. Mọi thứ đã diễn ra theo một hướng hoàn toàn khác, mọi người đều khen ngợi tôi có một sự tiến bộ vượt bậc, còn bản thân tôi thì coi đó là những lời động viên cực kì hữu ích và tôi cảm ơn họ vì điều đó.
Đôi khi nỗi sợ cũng khiến bạn đạt được những điều mà mình mong muốn. Trước khi bắt đầu bất cứ một bài diễn thuyết hay hùng biện nào. Bản thân tôi lại tự đặt mình vào vị trí người nghe và tự vấn về những nỗi sợ.
*Nhỡ khán giả không thích thì sao?* hoặc *Nhỡ bài phát biểu của mình khiến mọi người cảm thấy buồn chán*. Và chính điều đó đã trở thành động lực để tôi cố gắng và chủ động chuẩn bị bài phát biểu của mình thật kĩ lưỡng mỗi khi đứng lên phát biểu với mọi người.
Cùng xem những tư liệu có liên quan đến bài viết này, đây là những nghiên cứu mà tôi đã thu thập và đúc rút ra được từ những video tôi đã xem:
Mời bạn đón đọc phần 2 của sê ri bài viết nghệ thuật hùng biện sắp tới.
Thư pháp Thanh Phong
Thư pháp Thanh Phong
*dường như chứ không phải *giường như. Mình nghĩ với những bài tìm hiểu sâu như thế này tác giả nên chú trọng cả về chính tả.
xin cảm ơn con người hoàn hảo
Cảm ơn bạn đã chỉ ra lỗi sai, mình đã sửa lại rồi ak ,