Vì sao người viết chữ thường cầu toàn?

Đã mấy năm rồi kể từ khi tôi cầm bút lông viết thư pháp nguệch ngoạc những nét đầu tiên. Rõ ràng đây là một công việc rất thú vị và vô cùng tuyệt vời, tuy rằng trong thời gian khi tôi mới bắt đầu chập chững bước chân vào luyện tập, nó cũng giống như việc bạn bắt đầu vào đời để tìm kiếm việc làm vậy. Có rất nhiều những khó khăn, buồn tủi và đương nhiên khi tôi đặt bút viết cuốn sách này, tôi muốn kể với các bạn về một phần cuộc đời của tôi. Để dám chắc với mọi người, tôi phải thú thật rằng bản thân mình không hề có gốc gác gì liên quan tới thư pháp, cha mẹ tôi đều làm người kinh doanh, họ đã trải qua vô vàn những công việc khác nhau, từ nhà hàng, khách sạn cho tới buôn bán quần áo, dệt may… đủ để cho tôi có được một nhận thức ban đầu là thiên về tiền bạc chứ không phải nghệ thuật.

thư pháp Thanh Phong

Năm tôi 20, tôi bắt đầu thi vào đại học và sau đó là được nhận vào làm trong một công ty quản trị nhân lực, hai năm sau đó, tôi được đề bạt làm tổ trưởng quản lý hơn 40 con người. Từ đó, chuyện cơm áo gạo tiền, chuyện làm việc, chuyện người này yêu ghét người kia cũng trở thành những vấn đề mà tôi cần quan tâm trong cuộc sống thường ngày. Nếu để đánh giá một cách khách quan, có lẽ tôi không phải là một người có năng khiếu trong quản lý nhân sự, tôi chỉ thích ngồi một mình, làm việc một cách cần mẫn và cố gắng nỗ lực không ngừng để nâng cao tay nghề của bản thân, và thật tình cờ khi tính cách đó lại trở thành một trong những yếu tố giúp tôi bước chân chắc chắn hơn trên con đường thư pháp.


Một ngày nọ, khi tới công ty tôi bắt gặp một đám bạn trẻ đang tụ tập vây quanh một người thanh niên, đó là người thầy đầu tiên của tôi, cậu ấy đang viết thư pháp tặng cho mọi người nhân dịp tết đến xuân về, và mọi người chìm đắm trong không gian ấy, tất cả đang dõi theo từng nét bút mà cậu ấy viết ra, lúc đó, ở vị trí là một người tổ trưởng, dường như tôi cũng quên đi mất trách nhiệm của mình, cho tới tận mãi khi tiếng chuông báo hiệu giờ làm đã đến chúng tôi mới tản ra. Tôi đến với thư pháp như vậy đó, bắt đầu bằng việc tìm cho mình một người thầy, tôi và chàng thanh niên kia cùng nhau luyện tập, không ở đâu xa mà ngay ở một quán trà sữa gần chỗ chúng tôi làm việc.


Bất cứ một người nào bắt đầu viết chữ đều cần tới 4 dụng cụ, được gọi là “Văn phòng tứ bảo”. Chúng bao gồm bút, nghiên, giấy và mực. Khi mới bắt đầu, tôi dùng bút rẻ tiền, mực nước thay cho mực thỏi, nghiên nhựa thay cho nghiên đá và sử dụng các bản giấy giá thành phải chăng để bắt đầu luyện tập, và đó là bài học đầu tiên mà tôi học được từ thư pháp.


- Thư pháp không phân biệt giàu sang, nghèo hèn – Thầy tôi bảo.


Và bất cứ ai thích chữ nghĩa đều có thể bắt đầu với thư pháp mà chẳng cần đắn đo liệu sẽ mất bao nhiêu tiền cho việc luyện tập. Bên cạnh đó, chữ đẹp cũng không nhất thiết là phải nằm trên những đồ vật đắt tiền.

Gợi ý cho bạn: Khóa học thư pháp Việt căn bản

Tuy nhiên, để sống với nghề thư pháp thì đó là một điều vô cùng khó khăn. Năm thứ 3 sau khi học tập bộ môn thư pháp Việt, tôi bắt đầu bày một gian hàng nhỏ ở chợ hoa xuân gần nhà. Gian hàng thư pháp của tôi ngay lập tức nhận được sự ủng hộ của đông đảo mọi người, lúc đó, vì không có chỗ ngồi nên tôi đến ngồi nhờ bên cạnh một gian hàng của hai anh bán đồ cổ.


- Chào anh! Có thể cho em ngồi nhờ một góc gian hàng của anh được không? Em sẽ trả tiền.


- Em cứ ngồi đi, khỏi tiền nong!


Anh bán hàng ở đó tên là Bình, và anh ấy cho tôi ngồi ở đó đến khi chợ hoa kết thúc. Tôi kiếm được hơn 2 triệu đồng, số tiền đầu tiên tôi có được từ thư pháp Việt tôi dành để tặng cho bố mẹ một phần và mua cho mình bộ quần áo dài màu xanh nước biển, đó là bộ đồ viết thư pháp đầu tiên của tôi.


Thế nhưng, cái tính cách xấu hổ và cầu toàn của tôi lại khiến cho tôi cảm thấy những tác phẩm của mình như thế là chưa đủ để được cộng đồng đón nhận, nói một cách khác, số tiền mà tôi có được thời gian đó, tôi cho rằng bản thân mình chưa xứng đáng nhận được. Thật dở hơi phải không! Nhưng thực tế là vậy, nếu bạn làm việc nhiều với những câu nói nhân sinh, những lời thơ đạo đức, thì ít nhiều gì bạn cũng sẽ “thấm” một chút tư tưởng của người xưa. 


Đã bước chân vào một nghề nào đó, bản thân phải luôn luôn có trách nhiệm với nó, cái dở là khi mới học thư pháp, tôi liên tục mắc sai lầm, nói đúng hơn thì sai lầm là một trong những điều tất yếu trong thư pháp. Từ cách cầm bút, cách lấy mực, cách ngồi, cách đặt tay, cách viết một nét nào đó, điều đầu tiên tôi biết tới chính là mình phải phạm sai lầm. Sai lầm hiển nhiên tới mức suy nghĩ ấy luôn hiện trong tâm trí tôi, và biến tôi thành một người cực kỳ cầu toàn với mỗi tác phẩm nghệ thuật sau này, cầu toàn với bản thân.

Có lẽ chính vì như thế nên sau này khi gặp những người chơi thư pháp một cách nghiêm túc, tôi đều nhận thấy ở mỗi người đều có cái tính cầu toàn đến mức kinh khủng.

Nói không quá khi mà rất nhiều người tôi biết đều học theo những bậc quân tử xưa kia, không những công phu trong việc luyện viết mà ngay cả lối sống của họ cũng luôn sạch sẽ gọn gàng, ngăn nắp.

Đọc thêm bài viết về: Chính trực là gì?

Cảm ơn bạn đọc <3

Thông tin liên hệ:
Sđt tư vấn: 0395 021 559 (Ms Nguyệt)
Thanh Phong

Xin chào các bạn, mình là một người thích viết lách và chia sẻ kinh nghiệm

Đăng nhận xét

Mới hơn Cũ hơn