5 Cách thể hiện Đại tự hiệu quả cho người mới học thư pháp

 Đối với những người mới việc thể hiện chữ Đại tự đặc sắc và nghệ thuật là việc làm hết sức khó khăn, tuy nhiên trong bài viết này, Thư pháp Thanh Phong hy vọng sẽ mang đến cho các bạn những phương pháp mới để thể hiện Đại tự hiệu quả.

Đại tự là gì?

Là chữ lớn được thể hiện trong tác phẩm bên cạnh tiểu tự. Chữ lớn này thường bao gồm từ 1 đến khoảng 4 chữ, và phần tiểu tự thường được sử dụng để giải thích rõ hơn cho ý nghĩa của Đại tự.

Đối với những người viết thư pháp lâu năm, họ sẽ có những chữ Đại tự đặc sắc riêng, mang đậm phong cách cá nhân và những chữ Đại tự này thường được nghiên cứu rất lâu, trong một thời gian tương đối dài để có được "độ chín" về bút pháp, kỹ thuật. 

Dưới đây là một số cách thể hiện mà Thanh Phong thấy được.

1. Tượng hình cho con chữ

5 Cách thể hiện Đại tự hiệu quả cho người mới học thư pháp


Bằng việc biến những chữ tưởng như rất đỗi bình thường thành những hình họa quen thuộc như người phụ nữ, cây trúc, người đàn ông trèo thuyền, hay một hình ảnh con vật, phương pháp này dường như khá hiệu quả để giúp cho chữ nghĩa mang thêm những câu chuyện riêng trong đó. 

Tuy nhiên tượng hình cho con chữ cần phải mất rất nhiều thời gian để thiết kế, lên ý tưởng và bạn cần một cái đầu đủ sáng tạo và khả năng hình dung cực tốt. 

Nếu cách này hơi khó thì chúng ta hãy cùng đến với phương pháp thể hiện thứ 2.

2. Sử dụng các tính chất của nét:

Sử dụng bút pháp khác nhau sẽ tạo nên những hiệu ứng khác nhau, và đây là cách mà thư pháp Thanh Phong sử dụng thường xuyên trong những tác phẩm của mình. 

Với những cách khởi đầu, di chuyển, kết thúc một nét, chúng ta đều có rất nhiều các cách thức để truyền tải ý nghĩa, thông điệp vào trong đại tự. 

Việc này đơn giản hơn cách tạo hình ở trên bởi nó chỉ đơn thuần là sử dụng những tính chất đặc thù của từng nét để thể hiện cho chữ nghĩa.

- Chuyển và chiết

5 Cách thể hiện Đại tự hiệu quả cho người mới học thư pháp


Là sử dụng các hành bút khác nhau nhằm thể hiện cho nội dung con chữ. Bất kể một chữ cái nào đều có điểm khởi đầu và kết thúc. Khi di chuyển, nếu chúng ta sử dụng kỹ thuật chiết nét (đổi hướng một cách đột ngột) thì nó cho thấy nội hàm của chữ mang thêm ý nghĩa nào đó khá khúc khuỷu.

- Tròn, vuông, hay tam giác

5 Cách thể hiện Đại tự hiệu quả cho người mới học thư pháp

Sử dụng ở phần khởi và thu bút. Khi mà hình tròn (tức viên bút) sẽ tạo nên cảm giác mượt mà, tròn trịa thì đường lộ phong tạo thành hình tam giác ở phần đầu sẽ cho cảm giác sắc cạnh, có sức sống. Hãy lưu ý các tính chất của những hình thù này để tạo hình cho chữ nghĩa thêm sinh động nhé.

- Đậm hay nhạt

Rất đơn giản là cách nhấn mạnh vào từng nét hoặc làm cho chữ có lượng mực nhạt đi nhằm thể hiện sự mờ nhạt của nội hàm từ đại tự.

- Lớn và bé

Khi bạn viết thư pháp, hãy nhớ chúng ta không chỉ xem xét tới những khoảng đen mà còn là nhìn vào những khoảng trắng, nếu chữ Đại tự chiếm gần như toàn bộ khoảng không gian của tờ giấy, nó sẽ cho cảm giác to lớn và ngược lại, lợi dụng điều này, sẽ tạo cho người xem cảm giác choáng ngợp, ngột ngạt hoặc thoáng đãng, vừa vặn.

- Loang hay không loang

Đối với một số chữ thư pháp cụ thể như chữ Ngộ, hoặc chữ Tĩnh, hoặc chữ Thức Tỉnh, việc sử dụng những vết mực loang đôi khi rất hiệu quả bởi nó khiến cho người xem có cảm giác của sự chuyển động mở rộng trong đường bút. 

Hiệu ứng loang mực sẽ cho ta thấy được sự không cô đặc, có cảm giác phá cách.

- Nhanh hay chậm

Những chữ viết nhanh sẽ tạo nên đường xước của bút, và nó thường rất dễ nhận ra, nhanh hay chậm cũng nêu bật lên được ý nghĩa của chữ thư pháp nếu như bạn viết những nội dung như Tĩnh, Nhẫn...

3. Chữ lồng trong chữ

Đây là cách làm được người Trung Quốc khá ưa chuộng vì nó giúp cho chúng ta thể hiện được cả chữ lớn lẫn chữ bé trong cũng một khoảng không gian, và tạo được sự đặc biệt, thích thú cho người xem

Tuy nhiên, việc tính toán không gian bên trong làm sao cho cân đối, phù hợp lại là cách khá khó khăn và đòi hỏi người viết cần phải tính toán, thực hành trong thời gian dài thì mới làm được phương pháp này.

4. Kết hợp hình họa

5 Cách thể hiện Đại tự hiệu quả cho người mới học thư pháp

Không giống với cách đầu tiên là biến những chữ cái thành hình, thì đây là cách khác khi kết hợp hình họa đi cùng với chữ Đại tự, đôi khi là lồng vào cùng chữ Đại tự, vừa bổ trợ ngữ nghĩa và vừa làm tăng lên tính thẩm mỹ cho tác phẩm. 

Tuy nhiên, phương pháp này cũng đòi hỏi khả năng vẽ của người cầm bút. Hoặc nếu như bạn biết ai đó vẽ đẹp, hãy nhờ họ hợp bút chung để tạo ra sản phẩm cũng là cách hay.

5. Sử dụng công cụ khác

Ngoài việc sử dụng chiếc bút lông truyền thống, tôi còn thấy một số người sử dụng những công cụ khác để viết chữ, như râu ngô, hoặc một chiếc khăn, hoặc một chiếc lá, cách làm này sẽ khiến cho những đường nét khác biệt đi so với đặc tính của những chiếc bút bình thường, làm cho con chữ trở nên đặc biệt hơn.

Hơn bao giờ hết, việc tạo nên một chữ Đại tự tiêu tốn của người viết chữ thư pháp cơ số thời gian, và đó là thành quả lao động nghiêm túc, nghiên cứu một cách lâu dài để cho ra những tác phẩm đẹp. Chính vì vậy, đừng nản lòng nếu như bạn chưa tìm ra được phương pháp phù hợp để thể hiện chữ Đại tự như ý, hãy để lại bình luận phía bên dưới bài viết để Thanh Phong giúp bạn tìm ra các ý tưởng đột phá hơn cho sản phẩm của mình nhé.

Thông tin liên hệ:
Sđt tư vấn: 0395 021 559 (Ms Nguyệt)

Cảm ơn bạn đọc <3
Thanh Phong

Xin chào các bạn, mình là một người thích viết lách và chia sẻ kinh nghiệm

Đăng nhận xét

Mới hơn Cũ hơn