Khi nào nên “sống chậm”?

 Trong cuộc sống hối hả của hiện tại, có rất nhiều người trong chúng ta đều mong muốn xử lý mọi việc thật nhanh chóng và tiết kiệm được thời gian.

Chính vì thế mà những đồ dùng công nghệ ra đời, những dịch vụ tiện ích đa năng và những lối hành xử bộc phát đã trở thành cách suy nghĩ, lựa chọn của nhiều người trong thời điểm hiện tại.

Tuy nhiên, việc lựa chọn quá nhanh, xử lý các công việc quá sớm, có thể khiến cho kết quả của việc xử lý đó trở nên thiếu hiệu quả.

Trong bài viết ngày hôm nay, mình sẽ giới thiệu cho các bạn năm trường hợp mà chúng ta nên “sống chậm lại”.


Trường hợp số một. Khi ta thấy người khác đang quá nóng vội.



Đương nhiên ta phải làm chiếc phanh để hãm bớt những nóng nảy, vội vàng của đối phương. 

Khi chúng ta đang cãi nhau, thì đó là lúc mà chúng ta nên bình tĩnh, giải quyết mọi vấn đề dựa trên lý lẽ, đóng góp thiết thực, mang tính chất xây dựng. Nếu chúng ta giải quyết mọi việc bằng nắm đấm, hoặc suy nghĩ quá nhanh, rất có lẽ chúng ta sẽ nói ra những lời lẽ không được cẩn trọng, làm tổn hại đến tình cảm, mối giao hòa với người khác.

Trường hợp số hai. Khi ta không có hiểu biết về một lĩnh vực nào đó.

Đây là một trong những trường hợp điển hình của những người thiếu hiểu biết, nhưng lại lựa chọn một cách quá nhanh chóng.

Thay vì việc chúng ta đi tìm hiểu thêm các thông tin mới, bổ sung thêm kiến thức cho mình, thì chúng ta lại đưa ra lựa chọn một cách làm quá hời hợt, thiếu tính toán.

Điều này giống như việc, chúng ta đang chơi một trò chơi đỏ đen, và khả năng bạn sẽ chọn lựa những đáp án sai là rất cao, và sẽ phải gánh chịu những hậu quả mà nó mang lại.


Trường hợp số ba. Đừng nghe lời của người khác.


Dựa vào những lời nói của người khác hay những thông tin mà chúng ta thấy có sẵn ở trên mạng để nghe theo cũng là điều mà rất nhiều người đang làm hiện nay. Tuy nhiên các bạn phải nhớ rằng người khác cũng có thể sai và những thông tin ở trên mạng cũng có thể do những người không chuyên tạo dựng nên. Chính vì vậy mà chúng ta cần phải có tư duy phản biện, phải biết suy nghĩ, xem xét mọi vấn đề một cách kỹ lưỡng, cẩn thận, có như vậy thì chúng ta mới đưa ra được những lựa chọn một cách chính xác.

Trường hợp số bốn. Khi chúng ta nghĩ xấu về ai đó, hoặc điều gì đó.

Như các bạn cũng biết, đưa ra một nhận định, một lựa chọn nào đó mang tính xác suất chưa chắc chắn, thì không nên dựa vào tình cảm của cá nhân chúng ta. Đặc biệt là khi chúng ta đang bị tác động bởi những chất kích thích, đang trong trạng thái nóng vội, giận dữ, hay đang lúc bệnh tật, thì đó là khi chúng ta càng nên suy nghĩ, tính toán một cách cẩn thận và sống thật chậm lại. Đối với những người kinh doanh, họ có một câu rằng: khi chúng ta nóng giận, thì chúng ta đi ngủ.

Câu nói này nhằm ám chỉ việc khi bị cảm xúc chi phối thì nên tìm cách kìm hãm ham muốn đưa ra những quyết định vì lúc đó mọi thứ có thể sẽ không còn chính xác nữa.

Trường hợp số năm. Là khi có nhiều người góp ý rằng bạn là người quá nóng vội.

Đôi khi, việc lắng nghe các ý kiến của mọi người xung quanh cũng là điều cần thiết, chính những người thân, bạn bè của chúng ta lại là những người có thể nhìn thấy những yếu điểm, những khiếm khuyết mà chúng ta đang mắc phải và đưa ra những lời khuyên đúng đắn, kịp thời.

Điều đó cho thấy rằng, việc nóng vội là một dạng thức của tính cách, được thể hiện qua những hành động, lời nói, cử chỉ mà nhiều người có thể nhìn thấy được. Chính vì vậy, bạn có thể nhờ cha mẹ, một người bạn thân của mình, vợ chồng, đối tác làm ăn, đánh giá, nhận xét giúp bạn về cách làm việc, chất lượng công việc.

Đây cũng là một trong những cách để có thể thắt chặt tình bạn, mối quan hệ giữa chúng ta với người khác.

Thông qua bài viết này, mình hy vọng rằng các bạn đã rút ra được một số những ý tưởng quan trọng, để cải thiện năng lực của bản thân, làm cho cuộc sống ngày một tốt hơn. 



Thanh Phong

Xin chào các bạn, mình là một người thích viết lách và chia sẻ kinh nghiệm

1 Nhận xét

Mới hơn Cũ hơn