Vì sao bạn nên xem ti vi ít đi?

Vì sao bạn nên xem ti vi ít đi?
Ngày trước tôi rất thích xem tivi, đặc biệt là những kênh truyền hình phim truyện hành động, bom tấn hoặc các chương trình sinh tồn trong cuộc sống.

Những chương trình này thường khiến cho tôi có cảm giác được hiểu biết nhiều hơn về thế giới, có được nhiều kiến thức khá bổ ích để nếu như mắc phải trường hợp tương tự, tôi có thể dễ dàng ứng phó.

Thế nhưng sau một thời gian, tôi nhận ra rằng, không có truyền hình, không có ti vi vẫn tốt hơn là được đắm chìm vào trong những mớ thông tin ấy.

1. Đó là những chương trình được biên tập và dàn dựng

Các chương trình truyền hình đều là những chương trình được biên tập và dàn dựng sẵn, nó không giống như những gì mà người ta quay được khi đột nhiên bắt gặp một sự việc nào đó.

Thay vào đó, những chương trình này có kịch bản, có đạo diễn và nó đi theo một chiều hướng mà nhà sản xuất mong muốn. Chính vì thế, nó có thể mang lại những cái nhìn rất khác biệt với thực tế.

Lấy một ví dụ đơn giản đó là các bộ phim truyền hình có thể bóp méo sự thật, có thể khiến cho người xem ghét một nhân vật mà trong lịch sử họ là chính diện, hay tạo ra những luồn thông tin trái chiều dựa trên những âm mưu giả định do đạo diễn chủ ý tạo nên.

Nhất là những bộ phim bom tấn hiện nay đều có ít nhiều những thông điệp mang tính chính trị, khi mà trước đây tôi đã từng được xem một bộ phim có tựa đề “Ám sát Kim Jongun”.

Mặc dù chị tôi đã có hơn 5 năm sống tại Triều Tiên và có một cái nhìn rất bình thường về nhà lãnh đạo họ Kim, thế nhưng khi xuất hiện trong bộ phim này, nhà lãnh đạo Triều Tiên xuất hiện như một kẻ côn đồ, thâm hiểm, sẵn sàng nhấn vào nút bắn tên lửa hạt nhân sang bất cứ nơi đâu. Đàn đún, rượu chè, gái gú, và đủ mọi tệ nạn trên đời.

Còn những nhân vật chính thì giống như những người hùng của nước Mỹ, đại diện cho công lý của nước Mỹ để đến tiêu diệt kẻ phản trắc.

Nếu như cuộc đời là chiếc bánh

Thì phim ảnh hay những chương trình truyền hình được ví như lớp kem phủ bên ngoài của chiếc bánh ấy.

Tôi không cố xúy cho trào lưu bài trừ việc xem ti vi, thậm chí nếu như bạn nhìn lại tiêu đề của bài viết, tôi cũng chỉ nói rằng “Tại sao tôi ít khi xem tivi”.

Ít là có xem nhưng không nhiều, giống như ta ăn bánh vậy, chiếc bánh gatô bao giờ lớp kem cũng phải ít hơn phần bánh.

Nếu như ta quá lạm dụng những chương trình truyền hình và xem nó như một phần của đời thật thì bạn sẽ chẳng khác nào con lừa bị truyền thông dắt mũi.

Hiện nay, trên ti vi hầu như  có tất cả các chương trình mà chúng ta mong muốn, từ trò chuyện, tâm sự đến thể thao, giải trí, phim truyện, vân vân và mây mây các thứ mà con người có thể thấy.
Một mô típ chung mà các bạn có thể dễ dàng nhận thấy đó là các chương trình này luôn tuân theo một quy luật chung.

Thu hút khán giả > Lấy đi thời gian của khán giả > Đưa ra điều tuyệt vời > Mở ra cái kết cho phần sắp tới.

Đối với những ai hay xem các chương trình truyền hình chắc hẳn cũng sẽ thấy rằng, đôi khi những chương trình này cứ đến đoạn cao trào thì sẽ bắt đầu lồng ghép những đoạn video quảng cáo vào để thu thêm tiền quảng cáo.

Thậm chí, một số bộ phim dài tập còn chủ ý làm chậm bộ phim của mình đi 0,15 lần hoặc đôi khi là chậm hơn, một cách tinh vi, những bộ phim này khiến cho độc giả phải dán mặt vào màn hình lâu hơn để tăng thời lượng trên kênh của họ.

Một điển hình mà tôi không bao giờ quên

Bộ phim “Cô dâu 8 tuổi” là một trong những bộ phim khiến cho tôi cảm thấy chán nản nhất. Mặc dù cốt chuyện của phim rất hay, nhưng cách mà đạo diễn lia máy quay sang khuôn mặt của từng người (xin nhắc lại là TỪNG NGƯỜI) trong một câu nói của nhân vật nào đó cũng đủ khiến cho mỗi chi tiết trong phim dài tới hàng phút đồng hồ.

Bộ phim này lên tới hàng nghìn tập kể ra thì cũng đúng thôi!

Như vậy, mất thời gian quá nhiều và bị “dắt mũi” là hai lý do chính yếu mà tôi khuyên các bạn nên giảm thiểu số lần xem truyền hình đi trong thời gian tới.

Trên hết vẫn là cách chúng ta đối mặt với cuộc sống hiện thực và giải quyết những vấn đề còn dang dở.

Tuy nhiên việc xem truyền hình cũng mang lại cho chúng ta nhiều những lợi ích rất thiết thực như cung cấp thêm kiến thức và là một công cụ giải trí tuyệt vời.

Thế nhưng hãy biết phân bổ thời gian cho hợp lý và không nên giành quá nhiều thì giờ cho nó.

Thư pháp Thanh Phong thủ bút
Thanh Phong

Xin chào các bạn, mình là một người thích viết lách và chia sẻ kinh nghiệm

Đăng nhận xét

Mới hơn Cũ hơn