Kinh nghiệm lựa chọn văn phòng tứ bảo viết thư pháp

Kinh nghiệm lựa chọn văn phòng tứ bảo viết thư pháp
Văn phòng tứ bảo
Dựa trên một số những trải nghiệm riêng của bản thân và một số kinh nghiệm mình đúc rút ra được từ những bài viết, những video của những nhà thư pháp lớn được chia sẻ trên các trang mạng xã hội như facebook, youtube, ngày hôm nay mình xin chia sẻ với các bạn một số kinh nghiệm trong việc lựa chọn văn phòng tứ bảo sao cho thật tốt để phục vụ việc học tập và rèn luyện bộ môn nghệ thuật thư pháp ngày một thăng hoa.

Đầu tiên mình phải biết rằng, văn phòng tứ bảo là tổng hợp bốn món đồ vật phục vụ cho việc luyện viết thư pháp, đó chính là Nghiên, Mực, Giấy và Bút. Nếu như bạn nào chưa biết và chưa hiểu rõ về các khái niệm này thì trước hết hãy đọc bài viết "Văn Phòng tứ bảo" của mình để hiểu hơn về những đồ vật này.

Kinh nghiệm lựa chọn văn phòng tứ bảo: BÚT LÔNG

Kinh nghiệm lựa chọn văn phòng tứ bảo viết thư pháp
Bút lông viết thư pháp
Bút được coi là một trong những dụng cụ quan trọng nhất trong việc viết thư pháp Việt. Việc viết thư pháp bằng bút lông thường được sử dụng điển hình nhất chính là những loại bút được làm từ lông thú. Tóc của đứa trẻ sơ sinh ban đầu cũng có thể được sử dụng để làm bút viết, tuy nhiên do nguyên liệu này khá khó tìm và khan hiếm nên người ta vẫn thường dùng các loại bút được làm từ lông sói, lông dê, lông gà, lông đuôi ngựa, lông chồn để làm bút viết.

Về kích thước của bút lông thì cũng tùy vào nhu cầu sử dụng của mỗi người nên mình sẽ không đi sâu vào vấn đề này, chỉ đơn giản là khi bạn viết một tác phẩm thư pháp có kích thước lớn, bạn nên lựa chọn bút có độ xòe rộng và phần ngọn bút to. Vấn đề mình lưu ý trong việc lựa chọn bút lông tốt đầu tiên phải là:
- Độ hồi phong: Nói một cách đơn giản chính là độ đàn hồi của bút. Đây là tiêu chí đầu tiên để khi mình viết thư pháp, sau khi mỗi lần nhấc bút lên, đầu bút lại có thể trở về vị trí gần như giống với ban đầu, giúp cho mình có thể ngay lập tức vào thực hiện net viết tiếp theo để nét bút trở nên mềm mại, uyển chuyển và xuất thần hơn. Ngoài ra, độ đàn hồi của bút có một công dụng khá lớn khi nó cũng ảnh hưởng nhiều đến việc thấm và hút mực trước khi đặt bút, việc này giúp cho nét vẽ của chúng ta có thể tạo ra được những nét xước - hay còn gọi là những nét phi bạch được chuẩn và tạo cảm giác tự nhiên, không bị gò bó.

- Tiêu chí tiêm, tề, viên, kiện: Nói một cách đơn giản, một cây bút hội tụ đủ những đặc tính tiêm, tề, viên, kiện là một cây bút có phần đầu lông thật nhọn, các sợi lông được sắp xếp một cách ngay ngắn, nhìn trực diện đầu bút có thể thấy độ tròn vành, rõ nét và không bị méo của lông bút, và khi viết, khả năng giữ mực của bút đạt chất lượng tốt.

Một vấn đề ở đây chính là khi chúng ta mua bút thì đa phần những cây bút này đều được phủ bởi một lớp hồ ban đầu, khiến cho cây bút nào cũng như cây bút nào, rất khó để có thể nhận biết được độ hồi phong cũng như độ kiện mực của nó, chính vì thế, có thể nói rằng các tiêu chí về tiêm, tề, viên, kiện cũng chỉ là tương đối và vô cùng bình thường đối với những người viết chữ có kinh nghiệm và trình độ, vì đối với họ, khi đã bắt đầu quen dần với tính chất và đặc tính của một cây bút, thông thường người ta có thể điều khiển cây bút theo ý mình mà không bị phụ thuộc quá nhiều vào những đặc tính của cây bút ấy.

Còn đối với những bạn mới đầu tập viết thư pháp, thì tốt nhất nên nhờ người có kinh nghiệm lựa chọn những cây bút tầm trung, có thể giá hơi cao một chút, và mua ở những cửa hàng uy tín để tránh mua phải những cây bút lởm, kém chất lượng, viết được vài bữa hỏng thì rất dễ sinh ra chán nản mà bỏ dỡ việc học tập, rèn luyện thư pháp.

Lưu ý là khi bạn lựa chọn bút, có thể thử cầm vào bút để cảm nhận, đối với những cây bút được làm từ cán nhựa thường là những cây bút không có chất lượng tốt, lời khuyên của mình chính là bạn nên lựa chọn một cây bút có cán bằng gỗ hoặc tre tự nhiên, cây bút vừa tay và thuận tay với mình, bản thân cảm thấy thoải mái khi cầm bút là được.

Khi mới mua bút về các bạn nhớ phải ngâm bút vào trong nước từ 15 đến 20 phút để chờ cho lớp nhựa tan ra. Trong quá trình sử dụng bút, nếu bạn cảm thấy bút không đáp ứng được các tiêu chí như mình nói ở trên như độ đàn hồi kém hoặc đặc biệt là bị rụng lông, lông bị tưa ra khi sử dụng thì rất có khả năng các bạn đã mua phải cây bút có chất lượng kém, trong trường hợp này bạn hãy xem xét chuyển sang sử dụng loại bút khác hoặc nhờ người có kinh nghiệm tư vấn thêm cho việc lựa chọn bút được tốt nhất.

Kinh nghiệm lựa chọn văn phòng tứ bảo: NGHIÊN MỰC

Kinh nghiệm lựa chọn văn phòng tứ bảo
Một chiếc nghiên đá có vỏ gỗ
Nghiên mực thật ra đối với những người mới học thư pháp thì cũng không nhất thiết là phải lựa chọn những chiếc nghiên có giá trị. Trong thời gian đầu tiên khi mới học thư pháp các bạn hoàn toàn có thể sử dụng những loại nghiên rẻ làm từ nhựa hoặc tận dụng những chiếc chén sứ, những chiếc đĩa cốc để làm nghiên cũng rất phù hợp. Sau này khi cảm thấy có duyên với thư pháp, có mong muốn và niềm đam mê với thư pháp thì bạn có thể đầu tư mua các loại nghiên tốt hơn như làm bằng đá. Trong phần này, mình sẽ tập trung phân tích một số kinh nghiệm trong việc lựa chọn các loại nghiên bằng đá, đối với những bạn có mong muốn đầu tư cho nghệ thuật thư pháp ngay từ ban đầu.

- Nghiên đá nên là loại có kích thước to vừa phải: Có thể là vào khoảng một bàn tay người lớn, tức đường kính của một chiếc nghiên (đối với nghiên tròn) hoặc chiều dài (đối với nghiên vuông) rơi vào khoảng từ 20 đến 25 cm là vừa, độ sâu của một chiếc nghiên nên rơi vào khoảng từ 1,5 đến 2,5 cm để tránh tình trạng tác phẩm tranh thư pháp bị vấy mực ra khi chúng ta gạn mực từ bút ra khỏi nghiên, và nên có một phần cong vênh lên để giúp chúng ta dễ dàng gạn mực cũng như gác bút khi thực hiện xong tác phẩm thư pháp. 

Câu hỏi: "Tại sao nên lựa chọn nghiên đá?" 

Đối với nhiều bạn có câu hỏi như trên thì mình cũng xin trả lời luôn rằng việc chất liệu làm nên một chiếc nghiên có liên quan mật thiết đến loại mực bạn sử dụng (sẽ nói ở phần ba). Vì mực viết thì có hai loại, mực nước và mực thỏi, đối với mực nước thì không phải nói quá nhiều, các bạn chỉ việc đổ trực tiếp ra nghiên là có thể sử dụng được, nhưng đối với mực thỏi thì các bạn thường phải sử dụng nước và một bề mặt thô để mài, và bề mặt này, phù hợp nhất chính là đá.

Việc sử dụng nghiên bằng đá để mài mực cũng giúp cho chúng ta cảm nhận được độ đặc sệt của thỏi mực khi được mài ra, qua đó cân chỉnh cho phù hợp để viết các tác phẩm thư pháp thủy mặc hoặc các tác phẩm có kích thước lớn, cần độ giữ mực cao.

Bên cạnh đó, sau khi sử dụng xong nghiên bút các bạn nên rửa sạch nghiên tránh để lại những cặn mực khiến cho những lần dùng sau có những cặn nhỏ bám vào bút khiến cho việc viết chữ thư pháp đẹp bị ảnh hưởng.

Kinh nghiệm lựa chọn văn phòng tứ bảo: GIẤY VIẾT

Kinh nghiệm lựa chọn văn phòng tứ bảo
Giấy tập viết cho người mới
Nói về vật liệu viết thì hiện nay trên thế giới cũng như ở các nước có truyền thống viết thư pháp cũng trở nên hết sức đa dạng và phong phú, người ta đã không còn quá cầu kỳ trong việc lựa chọn giấy viết thư pháp như trước đây nữa. Ngay ở tại Việt Nam, hầu như có những loại giấy mỹ thuật có đầy đủ tính chất rất tốt để sử dụng cho việc viết thư pháp. Tuy nhiên khi mình viết thư pháp thì kinh nghiệm của bản thân mình khuyên rằng các bạn nên sử dụng giấy dó. Tại sao lại thế vì giấy dó cho bạn một cảm giác thật tay hơn khi viết, cũng như đặc tính của giấy dó có độ hút mực cực cao, và độ bền tốt, phù hợp khi kết hợp với lông bút để thực hiện các tác phẩm thư pháp, và một điều nữa đó là giấy dó có một mùi hương rất thơm, đặc trưng và luôn cho mình một cảm giác rất thích thú khi viết thư pháp. (Mình chưa sử dụng giấy xuyến chỉ nhiều, nhưng theo một số bạn nói và theo như những tư liệu mình tìm được thì loại giấy xuyến chỉ cũng là một trong những loại giấy hàng đầu phục vụ việc viết thư pháp).

Nói tóm lại thì giấy viết thư pháp nên đảm bảo các tiêu chí:
- Thấm mực tốt
- Cảm giác viết không bị trơn
- Không bị nhòe mực, loang mực

Đối với những người mới tập chữ, chưa có điều kiện kinh tế hoặc không có điều kiện để mua các loại giấy cần thiết thì có thể sử dụng các loại giấy báo thông thường để tập viết hoặc nếu đầu tư hơn thì các bạn có thể sử dụng các loại vở viết đã qua sử dụng hoặc giấy A4 để viết chữ. Tuy nhiên theo bản thân mình thì mình vẫn khuyên các bạn nên đầu tư giấy viết tốt vì ở một số cửa hàng hiện nay, người ta còn cung cấp thêm một số loại giấy vàng có kẻ ô rất thích hợp cho các bạn mới luyện thư pháp.

Một lựa chọn khác đó là thảm tập viết. Các bạn chỉ việc chấm bút lông vào nước và viết lên thảm, nét viết sẽ hiện ra sau một thời gian thì bay hơi và mất đi, chính vì thế có thể sử dụng được nhiều lần.

Kinh nghiệm lựa chọn văn phòng tứ bảo: MỰC

Kinh nghiệm lựa chọn văn phòng tứ bảo
Loại mực mình hay dùng
Việc lựa chọn mực viết trong thời điểm hiện tại có thể nói là khá dễ dàng vị hiện nay có nhiều nơi ở Việt Nam bán các loại mực đóng chai, đã được pha sẵn và chỉ việc đổ ra là có thể sử dụng được ngay rất tiện lợi, các bạn có thể sử dụng loại mực này để tập thư pháp hoặc luyện thư pháp, vì nó tiết kiệm được chi phí cho mình, có thể thoải mái hơn trong việc luyện chữ. Vì nếu như bạn luyện chữ thì việc sử dụng các loại mực đắt tiền thì sẽ rất tốn kém mà lại không cần thiết.

Kinh nghiệm chọn mực tốt nhất là những loại mực có mùi thơm đặc trưng, lượng mực không bị loãng ra và có hiện tượng sánh nước. Những loại mực có mùi hôi hoặc lượng nước tách ra khỏi áng mực nhiều chắc chắn không phải là loại tốt.

Trên đây là bài viết chia sẻ kinh nghiệm lựa chọn văn phòng tứ bảo phục vụ cho việc viết thư pháp của mình, nếu có bất cứ câu hỏi hay thắc mắc nào, các bạn vui lòng để lại comment phía dưới bài viết này hoặc liên hệ trực tiếp với mình để được giải đáp.

Thư pháp Thanh Phong
SĐT: 0966 966 007
Thanh Phong

Xin chào các bạn, mình là một người thích viết lách và chia sẻ kinh nghiệm

Đăng nhận xét

Mới hơn Cũ hơn