Bàn về thư pháp Việt Nam

thu phap viet nam
[Thư pháp Việt - tự hào có, mà ngậm ngùi cũng có ]
NẾU BẠN LÀ NGƯỜI QUAN TÂM ĐẶC BIỆT ĐẾN THƯ PHÁP, THÌ XIN HÃY ĐỌC KỸ VÀ ĐỌC HẾT!

Trước hết, xin khẳng định luôn, đây là một bài viết mang tính tích cực, xây dựng và cảm nhận chân thành, không nhằm mục đích xoáy sâu vào bất kì một cá nhân hay tập thể nào, nếu có gì mạo phạm xin lượng thứ bỏ qua cho tuổi trẻ.

Nói đến thư pháp

Chúng ta ắt hẳn sẽ hình dung trong đầu 2 luồng suy nghĩ tượng trưng cho 2 hình ảnh nổi bật nhất về từ khóa này. Một là thư pháp chữ Hán, hai là thư pháp chữ Quốc ngữ (ký tự la tinh). Đối với người dân ở khu vực phía Nam nói chung và ở Sài Gòn nói riêng, thư pháp chữ QUỐC NGỮ có lẽ trở nên gần gũi hơn rất nhiều so với chữ HÁN đã gắn liền với đời sống nho giáo, phật giáo của các gia đình truyền thống khu vực phía Bắc. Và vì lý do đó, đã phần nào cho thấy thế mạnh rõ ràng của 2 thế hệ thư pháp đang tồn tại song song và xu hướng phát triển độc lập.

Trở vào vấn đề chính: dạo gần đây, lượn lờ ở các diễn đàn hội nhóm thư pháp và góp nhặt được một số hình ảnh của bạn bè về "THƯ PHÁP VIỆT" có phần khó nuốt và khó chấp nhận như những hình ảnh dưới đây.Thật sự cảm thấy ĐÁNG BUỒN và có phần bức xúc vì sự cẩu thả và dễ dãi của những "ông đồ" này.

Tôi không cần biết họ là ai

Họ học cao hiểu rộng, nông sâu thế nào, họ viết HÁN tự đẹp hay xấu, nhưng trước mắt tôi và cộng đồng những người yêu chữ Việt chơi thư pháp Việt là những con chữ thô kệch, lung tung, cẩu thả và rất hời hợt trong từng nét chữ đến bố cục. Xin lỗi nếu anh là người làm nghệ thuật, xin hãy cảm nhận nó bằng trái tim và thực hiện nó bằng khả năng của mình. Không cần biết mục đích anh viết là gì, có thể là đam mê, có thể đó là nghề, có thể để thỏa sở thích, có thể là để kiếm ra tiền v..v nhưng hãy làm cái mình giỏi chứ đừng làm cái mình ham.

Vì chung quy, khi anh viết ra một chữ, một tác phẩm nào đó, là anh đang góp phần xây dựng cả một cộng đồng nghệ thuật thư pháp, anh phục vụ cho công chúng, như vậy, anh không chỉ phải vừa lòng cho cái tôi của anh mà còn phải nhìn nhận ở cái khách quan, người nhận chữ họ cảm thấy thế nào và anh em cùng giới nhìn nhận và đánh giá ra làm sao?

Trước đây đã từng có thời gian thư pháp VIỆT bị tẩy chay

Ở một số khu vực, một số thế hệ người đi trước và bị bác bỏ đến nỗi những người trẻ họ trở nên lúng túng vì cái nhìn và sự đánh giá chủ quan của một số nhà nho học, nhà thư pháp Hán Nôm. Các cụ cho rằng, thư pháp Việt mang dáng dấp và âm hưởng của chữ cái latinh, mà vốn dĩ chữ latinh thì bị xem là Tây phương hóa, không có các bộ nét cơ bản để tạo ra kỹ thuật thư pháp của người phương Đông. Chính vì vậy, họ xem thư pháp Việt chỉ dừng ở mức là một trào lưu chứ không xem trọng nó là một phân môn trong tổ hợp cái gọi là NGHỆ THUẬT THƯ PHÁP.

Thế nhưng trải qua gần chục năm của biết bao thế hệ già, trẻ, từ tri thức đến người lao động, bộ phận những người tiếp nhận chữ quốc ngữ đã và đang xây dựng, phát triển cũng như bảo vệ và khẳng định rằng: CHỮ QUỐC NGỮ cũng thừa hưởng đủ các yếu tố và giá trị để được công nhận là THƯ PHÁP.
Những công trình nghiên cứu về thư pháp Việt đã được một số nhà thư pháp nổi tiếng của giới thư pháp chữ Việt dốc công nghiên cứu và thực hiện, từ các bậc lão làng như Kiến trúc sư, nghệ sĩ thư pháp Thanh Sơn, nghệ sĩ thư pháp Hồ Công Khanh, nhóm tác giả hội quán thư pháp Q1, hay các thế hệ kế thừa như Thạc sĩ, nhà nghiên cứu, nghệ sĩ thư pháp Hiếu Tín, nghệ sĩ thư pháp Lưu Thanh Hải, nghệ sĩ thư pháp Đăng Học (ca sĩ GoBI Vu) với những đầu sách, công trình nghiên cứu cũng đã phần nào nói lên được tiếng nói của chữ quốc ngữ.

Ấy vậy mà, hiện nay, vẫn còn đâu đó những lời chỉ trích về thư pháp Việt ở một góc cạnh và một cộng đồng nào đó. Tôi xin chia sẻ thật lòng, đây là sự tôn trọng và chia sẻ chứ không có ý mạo phạm. Vì nhìn nhận một thực tế rằng, có không ít những bậc cha chú, những vị tiền bối lớn tuổi họ vẫn yêu và công nhận thư pháp Việt chứ không phải chỉ có lớp trẻ chúng tôi nên đừng trách rằng thư pháp Việt chỉ là một thú chơi của người trẻ, nhìn nhận như vậy, là rất phiến diện.

Chưa hết, ngày nay, nếu đánh giá vào một tác phẩm thư pháp

Riêng bản thân tôi sẽ đánh giá vào 3 tiêu chí: NỘI DUNG, HÌNH THỨC và TÂM THỨC của tác giả và tác phẩm. Bức thư pháp đó nói lên điều gì? Nó mang hàm ý gì của người viết và cảm nhận gì của người đọc. Cuối cùng nó trình bày ra sao, phong cách, màu sắc, đường nét, bố cục,v.v... Vậy thì, điều cốt lõi của việc viết thư pháp là gì? THƯA, có phải đó là truyền tải thông điệp cho người đọc hay không, và rèn giũa nhân cách cho người viết hay không? Thế thì hiện nay, nếu viết chữ HÁN hoặc chữ NÔM liệu số người đọc và hiểu được nó chiếm bao nhiêu phần trăm?

Nói đến đây, mọi người cũng đã nhận ra rằng, giá trị của nghệ thuật thư pháp Việt không chỉ gói gọn trong hai chữ: THƯ PHÁP. Mà lẽ ra nó đã phải được công nhận từ rất lâu rồi!

Tích cực là thế, nhưng mà...

Trở lại câu chuyện của những bức hình kia, được biết, nó xuất phát từ 2 kiểu người:

1 - là những bạn trẻ mới học, mới cầm bút mà đã vội xuống bút, nguyên lý cơ bản, đường nét bố cục chưa xong đã vội "xuống phố cho chữ", đó là lý do tôi từng viết một stt rằng: "Thư pháp chỉ được phép TỰ DO, PHÓNG KHOÁNG chứ không được ẨU TẢ!
Đừng QUẸT QUẸT vài chữ thì gọi đó là THƯ PHÁP!?"

2 - là một số "cụ" viết chữ HÁN nhưng nay nhảy sang chữ quốc ngữ ngang xương. Xin thưa chữ HÁN và chữ QUỐC NGỮ không giống nhau, dù là một chút xíu nào cả. Không phải viết được HÁN TỰ là sẽ viết được QUỐC NGỮ và ngược lại.

Chính vì vậy, mà...

Người trẻ chúng tôi rất lo ngại khi được yêu cầu viết chữ HÁN NÔM tại phố ông đồ, bởi lẽ chúng tôi không chuyên sâu HÁN TỰ và cũng không dám bôi bẩn hán tự, vì nó rất đẹp và giàu giá trị nghệ thuật lẫn giá trị giáo dục. Vậy thì tại sao các "cụ" không tôn trọng chữ QUỐC NGỮ mà chúng tôi đã bỏ rất nhiều tâm huyết ra để xây dựng nó, bảo vệ nó và từng ngày từng ngày nuôi dưỡng hi vọng một ngày nó cũng được công nhận như thư pháp HÁN của các "cụ"?

ĐÁNG BUỒN là thế, nhưng thực trạng cũng là thế...
Biết bao giờ, câu chuyện này mới tới hồi được ổn thỏa nhỉ?

Nguồn: Xuân Thành Thư pháp
SG 26.2.2018
Thanh Phong

Xin chào các bạn, mình là một người thích viết lách và chia sẻ kinh nghiệm

Đăng nhận xét

Mới hơn Cũ hơn