Đôi lời về nghiệp thư pháp

 

Đôi lời về nghiệp thư pháp

Nghề viết chữ đôi khi bảo kiếm tiền thì có những cơ hội rất lớn, nhưng để ăn nằm và sống được với nghề thì chẳng mấy ai làm được. 

Trước đây tôi có từng quen một cậu bạn cũng từng đi viết chữ vào những dịp lễ tết, có thể nói, những thời điểm vàng trong năm như vậy giúp cho rất nhiều người viết chữ có doanh thu và lợi nhuận lớn mà không phải ai cũng hình dung ra được. Một sạp thư pháp bày ra đôi khi chỉ mất vài triệu tiền thuê mặt bằng, giấy má, nẹp, khung nhưng sau mỗi mùa tết có khi thu về vài chục triệu có người thu về cả trăm triệu là chuyện bình thường. Nói ra có thể ít người tin nhưng vì sao lợi nhuận lớn thế mà ít người có thể bám trụ được với nghề? 

Đa phần vì thiếu kiến thức và tư duy đúng đắn. 

Mấy người cả năm không có rèn luyện chỉ trực chờ cho tới khi lễ tết thì lôi tranh ra bán sẽ khó sống được vì hiện nay số lượng người tập và người luyện chữ tăng lên đáng kể. Có những cậu bé, cô bé mới chỉ học cấp 2 mà bố mẹ đã lập cho hẳn những trang fanpage riêng, thư pháp này thư pháp nọ ra đời chóng mặt, nguồn cung vô cùng lớn sẽ là thử thách đối với những tay bút không có thực lực. Tôi từng thấy có những bạn viết tới hàng trăm bức chỉ trong một buổi, chữ nghĩa tùm lum, không ấn chương, con dấu, ngoáy tới nỗi khách không có thời gian để chọn nội dung cho chữ,…

Xét cho cùng, việc bạn phát triển được hay không phần lớn chính là do cách bạn biết gieo lộc, nhân hoà giữa bạn và xã hội, các làm ấy sớm muộn gì cũng sẽ biến mất. Cái này tôi đã nói đến từ rất lâu, khi mà “bong bóng” lớn dần và thời điểm nó vỡ ra sẽ có rất nhiều người vì lòng tham mà phải hối hận vì những tháng ngày học tập không thu về đúng như kỳ vọng, chán nản, mất thời gian công sức. Học thư pháp mà chỉ chăm chăm đến tiền, tiền và tiền thì sớm muộn cũng sẽ lụi bại. Có những người muốn tạo thương hiệu cho bản thân mà không tiếc tiền chi cho báo chí, truyền thông, xây dựng hình ảnh cá nhân hoàn hảo, có người thì lại gắng thổi vào con chữ của mình những câu chuyện dị thường, nghệ thuật để đánh lừa khách hàng trong khi được hỏi vì sao anh/ chị lại viết như thế thì tắc tịt không trả lời được. Chỉ chung chung “nghệ thuật nó là như thế!” !?! Làm việc mà chỉ có hình thức không có thực lực như thế liệu được mấy hồi?

Rồi mọi người sẽ thấy, ở một bãi biển chỉ khi nào nước xuống mới biết ai là kẻ không mặc quần. 

Vậy hướng đi đúng đắn là gì?

Có thể nói, thư pháp Việt mới hình thành cách đây chưa lâu, quan điểm về các tầng nghệ thuật đối với bộ môn này chưa nhiều nên những bạn có ý định sống chết với nghề nên chủ động tìm hiểu về đúc rút những kiến thức từ các bậc đàn anh đi trước, đặc biệt là những trường phái có liên quan tới chữ nghĩa, hoặc ít nhiều có sự tương hợp về bản chất, Calligraphy phương Tây, thư pháp Hán, thư pháp Hàn, Nhật là những tư liệu tốt. Với khối lượng kiến thức nhiều và đồ sộ như thế, tôi nghĩ nếu bạn không có đủ niềm đam mê, xác định trước là phải rất gian khổ thì tốt nhất chỉ nên xem thư pháp giống như một thú vui tao nhã, một cách để giãi bày tâm sự, không hơn không kém.

Chỉ mong rằng, trong thời gian tới, khi dịch dã qua đi, chúng ta sẽ tiếp tục nhìn thấy những tay bút với nhiều tác phẩm đẹp hơn nữa, và mỗi dịp tết đến xuân về, người ta sẽ có cơ hội sở hữu cho mình những tác phẩm thật sự chất lượng.

Vài dòng ngắn ngủi gửi tới mọi người.

Bạn sẽ viết gì lên tấm biểu tiếp theo?

Ảnh: Duy Bảo Trai

Thanh Phong

Xin chào các bạn, mình là một người thích viết lách và chia sẻ kinh nghiệm

Đăng nhận xét

Mới hơn Cũ hơn