Nghệ thuật thư pháp và tính cách của mỗi người có liên hệ với nhau ra sao?

Nghệ thuật thư pháp và tính cách của mỗi người có liên hệ với nhau ra sao?
Bạn có tin rằng trong nghệ thuật thư pháp, mỗi tác phẩm lại nói lên một tiếng nói riêng hay không? Rõ ràng là trong thời điểm hiện tại, chúng ta đã chứng minh được giả thiết trên là đúng, không chỉ riêng đối với nghệ thuật thư pháp mà điều trên còn đúng cả đối với những loại hình nghệ thuật khác như hội họa, âm nhạc... 

Trong bài viết này, tôi sẽ nêu lên một số vấn đề liên quan đến nghệ thuật thư pháp và tính cách của mỗi người, tôi hy vọng rằng qua đây chúng ta sẽ có một cái nhìn khách quan, trung thực và thực sự rõ ràng về những vấn đề mà thư pháp Việt đang được kiểm chứng.

1. Tại sao người này lại viết đẹp hơn người kia?

Có rất nhiều lý do để giải thích cho yếu tố này. Tại sao tác phẩm của người này đối với chúng ta là đẹp nhưng với người khác lại không?

Tôi đã từng thấy những trận cãi vã không đến hồi kết về quan điểm nghệ thuật của mỗi người. Nghệ thuật thư pháp hiện nay cũng vậy, bị vướng vào một trong những vấn đề lớn mà mỗi loại hình nghệ thuật mắc phải đó là phương pháp và cách thức, hoặc thâu gọn lại là một hệ thống lý luận đủ vững vàng để nhận xét và đánh giá một tác phẩm thư pháp. 

Hầu hết mọi người hiện nay chỉ đánh giá thư pháp trên phương diện cảm quan cá nhân, mà không hề dựa trên một nền tảng cụ thể nào. Điều này tạo ra một không gian thư pháp hỗn tạp, ít có sự đồng nhất và một hiện trạng chung là "Mạnh ai người nấy chạy" khiến cho rất nhiều những tình huống dở khóc dở cười diễn ra như "người không có kinh nghiệm vẫn viết thư pháp và được nhiều người cho là tác phẩm đẹp", hoặc tình trạng "Ai cũng cho rằng khả năng bút pháp của họ là trên hết".

2. Tác phẩm có tiếng nói riêng

Một sự thật khá rõ ràng rằng mỗi người hiện nay đều có cái nhìn khác nhau về con chữ và nghệ thuật thư pháp mà họ hướng đến. Và cũng là một hiện trạng chung cho nền thư pháp Việt hiện tại khi rất nhiều người đang loay hoay, tìm kiếm cho mình một con đường riêng để khẳng định vị thế trong lòng công chúng. 

Tôi muốn bàn đến rõ hơn vấn đề hiện tại đó là mỗi tác phẩm thư pháp dù đẹp dù xấu thì nó vẫn toát lên trong mình những tiếng nói riêng, đó là sự trải lòng của tác giả và nó thể hiện một phần nào đó tinh thần, ý chí, tính cách riêng của mỗi con người. Không phải ai cũng nhận ra được điều này, và cũng chính vì điều này nên chúng ta vẫn thấy trong quá khứ, những tác phẩm tranh vẽ rất bình thường, thậm chí là xấu đến mực tệ hại vẫn được đem ra đấu giá với những mức giá kỷ lục. Không phải vì tác phẩm ấy đẹp, mà bởi vì cốt cách của người viết và thân thế của tác giả bức tranh thực sự rất đặc biệt, khiến cho tác phẩm ấy trở nên nổi tiếng.

3. Múa may liệu có phải cách hay?

Tôi đã từng nhìn thấy một vài người trước khi đặt bút viết một tác phẩm thư pháp nào đó, sẽ phải đứng đó, thể hiện một số động tác nào đó nhìn có vẻ "thần kỳ", "nghệ thuật", "trừu tượng" lắm. Nhưng đối với không chỉ bản thân tôi mà còn là với nhiều người khác thì lại không cho rằng điều này là việc cần thiết. 

Tôi không bài trừ việc các bạn phải thể hiện nghệ thuật trước khi viết chữ, nhưng tôi cho rằng, việc làm này chỉ nên thể hiện khi chúng ta thực sự đang dấn thân vào nghệ thuật biểu diễn nhiều hơn là việc viết chữ. Bởi vì hoạt động viết chữ đối với tôi gắn gần hơn với thiền định, một hoạt động chỉ cần có bản thân mình, tâm hồn mình để hòa vào những suy nghĩ, những xúc cảm và thể hiện nó lên trang giấy thông qua ngọn bút, nét mực.

Thư pháp không nhất thiết là cứ phải ngoáy ngoáy và thể hiện rằng mình là một người của nghệ thuật mà thư pháp thực sự phải thể hiện được chất nghệ thuật trong từng con chữ.

4. Chú trọng ánh sáng khi trưng bày

Một tác phẩm chỉ phù hợp khi nó được treo ở đúng nơi đúng chỗ, nếu chúng ta đưa nó đến những vị trí khác nhau, tác phẩm thư pháp cũng sẽ dễ dàng trở nên khác lạ trong mắt của mỗi người.

Tôi đã từng thấy một tổ chức xã hội làm một thử nghiệm với một cô bé 10 tuổi. Họ cho cháu lần lượt mặc bộ quần áo sang trọng, và sáng sủa, rồi chuyển thành nghèo nàn, đói rách để cháu ở những nơi công cộng đông người. Và điều đặc biệt ở đây là khi cháu được mặc những bộ cánh sang trọng, nhiều người tới hỏi thăm cháu, nhưng khi cháu đổi vào những chiếc áo rách, chiếc quần thủng thì người ta lại hắt hủi, đuổi cháu đi. 

Rõ ràng là bản chất cháu bé vẫn là một đứa trẻ nhưng tại sao con người lại ứng xử một cách khác như vậy, chẳng phải đó là do chúng ta đã cháu bé vào những hoàn cảnh khác nhau hay sao? 

Thư pháp cũng như vậy. Bản thân tôi cho rằng chúng ta cần đưa tác phẩm đến những nơi thực sự phù hợp để nó phát huy được hết tính nghệ thuật của nó.

5. Mỗi tác phẩm liên hệ mật thiết với tính cách của tác giả

Người viết một chữ nhẫn nhưng nét chữ mạnh bạo, phóng khoáng, nội dung hoàn toàn thoát tục và có phần tự do chắc chắn sẽ là một người có quan điểm sống khác biệt với một người viết chữ nhẫn với nét chữ nhẹ nhàng, yếu ớt. 

Vấn đề ở đây là những người viết chữ đều có hoàn cảnh khác nhau, những vấn đề khác nhau mà chúng ta vẫn thường biết đó là "Mỗi cây mỗi hoa, mỗi nhà mỗi cảnh". Sẽ thật rõ ràng nếu tôi giải thích cho bạn rằng, nếu như hôm nào đó sức khỏe tôi yếu, thì tác phẩm mà tôi viết ra cũng thể hiện phần nào tình trạng sức khỏe của tôi. Nét chữ sẽ trở nên yếu ớt, khó kiểm soát và lộ ra vẻ đuối sức.

Tính cách của một người cũng tương tự, chính vì thế nếu như bạn đang tìm kiếm những tác phẩm đẹp, bạn cũng nên để ý quan sát thật kỹ lưỡng và có những đánh giá thật chính xác về tính cách của một con người. 

Thư pháp Thanh Phong | Cốt cách thanh tân
Thanh Phong

Xin chào các bạn, mình là một người thích viết lách và chia sẻ kinh nghiệm

Đăng nhận xét

Mới hơn Cũ hơn