Hôm nay đi học nhưng đến sớm, dắt
con xe ra ngoài quán nước bên đường, gọi một cốc trà đá. Vừa đặt được cái bàn tọa
xuống thì nghe thấy câu chuyện giữa hai người đàn ông và thêm ba chủ quán nữa
là ba người. Họ bàn về chính trị.
Lòng tự nhiên thấy vui vui vì mới
cách đây có vài ba hôm thôi, tôi cùng với mấy thằng bạn của mình cùng ngồi với
nhau, trong cái khung cảnh tương tự và bàn luận về chủ đề ấy. Chính trị từ muôn
đời vẫn là cái nội dung được nhiều người trong xã hội quan tâm, cho dù muốn hay
không, trong đời ta vẫn phải tiếp xúc đến nó, nghe về nó, và chính vì thế một
người bán trà đá, hai ba người làm xe ôm nói về chính trị cũng chẳng phải là vấn
đề gì đó quá to tát. Nhưng thông qua đó, ta mới nhìn thấy được những khía cạnh
mới, những cách suy nghĩ, những cách nhìn nhận khác nhau của người dân đối với
chính phủ nói riêng và với vận mệnh đất nước nói chung.
Ban đầu, hai người bàn ngồi nói xem
cách mà một nhà đài (ví dụ như VTV) kiếm tiền như thế nào? Phỏng đoán ban đầu
đưa ra là các nhà truyền hình kiếm tiền tự việc cho thuê quảng cáo, sau đó là đến
việc bán băng thông và thu tiền của người dân qua tiền điện, mình nghe thì cũng
ù ù cạc cạc, được một hồi thì chuyển qua cái vấn đề đất độc quyền kinh doanh, (như
EVN thì độc quyền điện là một ví dụ). Tiền điện tiền nước chỉ toàn thấy tăng,
xăng dầu thì lúc nào cũng báo là thua lỗ, cần nâng lên mà giá xăng trong nước
thì lúc nào cũng cao hơn giá xăng quốc tế. Rồi xăng tăng, điện tăng thì một loạt
thứ khác cũng phải tăng theo. Ông xe ôm ngồi nghe cũng thêm vào rằng ngày trước
đi một cuốc có 10 nghìn đồng, giờ vẫn cái cuốc ấy phải nâng lên 15 nghìn. Bà bán
nước cũng gật gù theo ngày trước bán cốc nhân trần 2 nghìn bây giờ cũng phải
lên 3 nghìn. Thời buổi kinh tế ngày càng khó khăn mà chả hiểu được nguyên nhân
do đâu và tại sao nữa. Nghe bà bán nước than thở, hai ông cũng quay ra hỏi, thế
dạo này buôn bán có hay bị “đuổi” không? Bà bảo có. Hai ông bảo tội nghiệp, thế
phải “nộp” đi là bao nhiêu? 300 nghìn bà bán nước trả lời.
Tự hỏi một ngày bà bán được đến 50 cốc
nhân trần không mà “nộp” mất 300 thì còn lãi được bao nhiêu nữa. Mà không nộp
vào thì còn biết làm cái gì nữa.
Nghe đến thế hai ông xe ôm cũng đặt
cốc nước xuống mà thêm vào, cuộc sống mà! Thứ nhất phải là quan gần dân, thứ đến
dân mới biết mà gần quan được. Thử hỏi nguyên cái bến xe đông như thế này, tình
trạng bắt khách, cò mồi, bắt chẹt những ngày lễ tết, không lẽ các ông quan lớn ở
trên không biết hay sao?
Ba người thở dài rồi tự nhủ có người
này thì còn người khác, cuộc sống này công bằng với tất cả, ai mạnh thì thắng,
ai yếu thì thua, quy luật vẫn là quy luật. Cứ nát bét ra thì mới có dịp phát
triển lên, nhưng mong sao cho nó sớm đến. Đợi lâu quá, dân nó khổ!
Nói đến đây mới nhớ ra được một câu
chuyện ngày xưa thầy kể cho tôi.
“- Ước gì bọn mỹ quay lại đây!
- Sao chị lại nói thế?
- Để cho các chú gần dân hơn”
Nguồn: Thư pháp Thanh Phong | Dịch vụ ông đồ
Bài viết hay lắm! Kết câu cuối nhưng có phần hơi tiêu cực!
Cảm ơn bạn đã nhận xét! mình sẽ cố gắng nhiều hơn nữa !