Trước hết, phải giới thiệu, tôi là một đứa
con gái, đúng, một đứa con gái thì mới ngồi viết lên những dòng này, còn nếu
tôi là một đứa con trai thì chắc lúc này tôi sẽ có một dòng suy nghĩ khác, mạnh
mẽ hơn, thực tế hơn, và có lẽ sẽ ít tâm sự hơn.
Viết tiếp cho ước mơ |
Đã từ rất lâu rồi, cũng đến 3 năm rồi,
tôi không còn viết, không còn bỏ ra thời gian để viết lên những suy nghĩ của
mình.
Hồi còn đi học, dù không phải là một đứa
học xuất sắc nhưng lực học của tôi cũng được xếp vào hàng khá cứng. Khi còn học
tiểu học, tôi học một trường ở xã, cũng thi Học sinh giỏi, cũng đạt giải, dù chỉ
là Khuyến khích thôi, nhưng nó cũng đủ để cho tôi một tấm vé vào một trường cấp
2 thuộc hàng top ở huyện. Lên cấp 2, dù lớp tôi học chỉ là lớp chọn thứ 2,
nhưng lực học của tôi vẫn khá đều, được nhiều thầy cô quan tâm. Từ lớp 6 đến lớp
9 tôi đều nằm trong danh sách đội tuyển Văn, vì tôi thích học Văn – cái gen được
truyền lại từ bố tôi. Cũng có thể, vì tôi là đứa nhạy cảm, thích viết, thích
tâm sự. Tôi không thích học Toán hay những môn có quá nhiều số, vì tôi tư duy
không được tốt, phản xạ không được nhanh bằng các bạn. Còn nhớ, năm lớp 8, lần
đầu tiên tôi biết đến môn Hoá học. Buổi học Hoá đầu tiên, tôi đã bị cô giáo nhắc
nhở vì trong khi các bạn mở sách ra hết rồi, còn mỗi tôi vẫn còn ngồi không tập
trung. Kể từ đó, tôi có ác cảm với môn học này, chẳng biết có phải do tôi hay
suy nghĩ, nhưng tôi cảm giác như tất cả các giáo viên dạy Hoá tôi học đều ghét
tôi. Năm lớp 9, cũng may tôi thuộc nguồn đội tuyển Văn nên thầy chủ nhiệm quý
tôi, điểm Hoá của tôi toàn bộ là do thầy xin, nếu không, chắc có lẽ bây giờ tôi
chưa tốt nghiệp cấp 2.
Lên cấp 3, có lẽ đây là bước ngoặt làm
thay đổi toàn bộ cuộc đời tôi, một cô gái 15 tuổi, theo sự sắp đặt của bố mẹ...
Trong hàng trăm hồ sơ thi vào trường cấp 3 ở huyện, tôi đỗ vào trường với số điểm
xếp thứ 26, đáng lẽ, tôi sẽ “nghiễm nhiên” là học sinh thuộc lớp chọn “đầu đàn”
của nhà trường, nhưng vì “cơ cấu”, nên tôi chỉ được xếp vào lớp chọn thứ 2. Và
đó cũng chính là ngày tôi trở thành cô “nữ sinh cấp 3”. Trong những ngày đầu
tiên này, có 2 sự kiện đầu tiên trong cuộc đời, khiến tôi thay đổi hoàn toàn,
và phải chăng, kết quả của nó vẫn còn dư âm đến tận bây giờ...?
Tôi được cô giáo chủ nhiệm phân công là
lớp trưởng – Lớp trưởng? Tôi chưa bao giờ nghĩ mình sẽ đảm nhiệm chức vụ này.
Tôi không thích làm cán bộ lớp, cũng không thích là người lãnh đạo người khác,
tôi chỉ thích là người bình thường, đi học và đi về, vui vẻ với các bạn, vì tôi
có thể hình dung ra trọng trách rất lớn lao của chức vụ “LỚP TRƯỞNG”. Cũng khoảng
thời gian khi bỡ ngỡ vào trường cấp 3 ấy, vào một ngày “đẹp trời”, họp gia
đình, và bố mẹ đưa ra một tuyên bố “chưa từng có tiền lệ trong lịch sử” – Tôi –
Đứa con gái đầu lòng của bố mẹ - Không ai khác, chính tôi, khi bước vào cấp 3,
tôi sẽ không được theo chuyên Văn nữa, tôi sẽ thi khối A, sẽ là học sinh khối A
để thi đại học. Cùng hợp tình, hợp lí, vì tôi đã thi với số điểm kha khá để vào
trường, để rồi được xếp vào lớp chọn, mà lớp đó, thì sẽ chỉ có học sinh khối A
mà thôi. Lý do của bố mẹ tôi đưa ra là “Khối A dễ xin việc, nhiều trường Đại học,
và...học Văn thì sau này chẳng làm được cái gì hết”. Hồi đó, một đứa con gái 15
tuổi, tôi chẳng biết gì và chỉ biết nghe theo lời bố mẹ, tuyệt nhiên, không một
lời phản đối.
Cứ như vậy, tôi trải qua 2 năm với tư cách một học sinh khối A |
Cứ như vậy, tôi trải qua 2 năm đầu cấp 3
với tư cách là một học sinh khối A, không Văn, không còn mộng mơ hay lãng mạn
như hồi trước. Nhưng ít ra, chức vụ lớp trưởng mà tôi nhận được, tôi là khá tốt
– đó là thứ duy nhất kéo lại. Tôi bắt đầu gồng mình lên để theo kịp các bạn.
Tôi dốt Hoá, nhưng tôi bắt đầu phải học Hoá, với tôi, Lý rất khó như tôi vẫn phải
học và học, Toán – tôi được đánh giá là chậm thì chậm thật nhưng được cái cẩn
thận bù vào. 2 năm đầu cũng chính là 2 năm đã lấy đi của tôi tất cả những niềm
yêu, sự hứng thú với môn Văn ngày nào. Tôi thấy Văn thật dài dòng, chẳng còn những
đêm đèn sáng ngồi phân tích tác phẩm, viết văn nghị luận. Tuy nhiên, môn Văn
trên lớp tôi không đầu tư nhiều thời gian nhưng với “bản năng” của 4 năm đội
tuyển, điểm số của tôi lúc nào cũng thuộc top của lớp. Cuộc sống trôi qua như vậy,
cho đến hè lớp 11, cái mùa hè quan trọng nhất của mỗi học sinh bắt đầu năm quan
trọng để thi Đại học...
Trong lớp ôn thi Đại học khối A, tôi
luôn là đứa học chậm và kém. Bố mẹ tôi biết tôi rất yếu môn Hoá, nên bố mẹ đã
xin cho tôi học riêng cùng với một thầy dạy Hoá giỏi nhất huyện. Cứ đến buổi tối,
khi ăn cơm xong, bố sẽ phóng xe máy đưa tôi đến nhà thầy cách đó hàng chục cây
để gửi gắm tôi. Thầy quan tâm tôi lắm, ban đầu kèm riêng, sau đó cho tôi học
chung với các bạn vì sợ tôi áp lực. Nhưng với tôi, đưa các phương trình hoá học,
phản ứng hoá học vào đầu là điều không thể. Đối với tôi, cân bằng phương trình
hoá học đã là đều tuyệt vời nhất rồi. Tôi cố gắng, gồng mình, hết sức, vì tương
lai của tôi, vì bố mẹ, cho đến một ngày...
Một ngày tôi biết về trường Nhật ngữ
Đông Du, tuyển mộ học sinh trong toàn quốc về thành phố Hồ Chí Minh học tiếng
Nhật và sau đó sẽ tiến cử đi Nhật. Qua một người đồng nghiệp của bố, con trai
bác ấy đã đi theo con đường đó. Đối với tôi khi ấy, trường đó quả thực là một
môi trường tuyệt vời, một môi trường áp lực học tập như trong quân đội – quả
đúng như ý tôi, tôi đã sống trong doanh trại Quân đội với bố mẹ suốt 13 năm đầu
đời – và sau đó tôi sẽ được đi Nhật Bản, đến với một vùng đất mới. Tôi quyết định...
Tôi quyết định, tôi sẽ không theo khối A
nữa, tôi sẽ theo khối D, để thi vào Nhật ngữ Đông Du, để đi Nhật. Tôi không khó
để thuyết phục bố mẹ tôi về chuyện này, vì bố mẹ tôi lúc đó cũng đã ân hận vì
đã lái tôi theo một con thuyền sai hướng gió. Nhưng điều đó quả thực cũng rất
khó với tôi, vì khi ấy đã là đầu lớp 12 rồi, và tôi không-biết-một-tí-gì-về-Tiếng-Anh-hết.
Tôi mất gốc Tiếng Anh từ khi tôi “tưởng” rằng mình sẽ gắn bó với khối A. Nhưng
tôi vẫn quyết tâm chuyển khối mặc cho sự phản đối của cô giáo chủ nhiệm. Lớp
trường lớp khối A – học khối D? Có vẻ nực cười quá không? Cả lớp một mình tôi
theo một khối.
Tôi vẫn học thêm Toán, được cô khen và
hay cho lên bảng làm bài tập mẫu vì trình bày của tôi khá tốt. Tôi đi học thêm
Anh, nhưng có vẻ... tôi mất gốc thật rồi. Ngoài trường Nhật ngữ Đông Du, tôi phải
thi thêm một trường Đại học để lấy điểm thi nộp về đó rồi xét tuyển đi Nhật.
Ban đầu, sự lựa chọn của tôi là Học viện Khoa học quân sự, vì cả bố mẹ tôi đều
là bộ đội, tôi đã sống một khoảng thời gian dài trong Doanh trại quân đội – đó
là tuổi thơ đẹp đẽ nhất cuộc đời tôi – tuổi thơ chỉ có tiếng cười... Nhưng rồi
quyết định đó sớm trở thành dang dở khi số điểm vào trường đó quá cao, ít nhất
tôi phải được 8 điểm mỗi môn mới có cơ hội, mà Tiếng Anh của tôi thì...không thể
đạt ở mức đó... Câu nói làm thay đổi cuộc đời của bố...
“Con có thích làm công an không?” – Khi ấy,
câu hỏi của bố làm tôi khá ngạc nhiên. Tôi thiết nghĩ, bộ đội với công an thì
có khác gì nhau? Tôi luôn thích được sống trong môi trường quân ngũ, kỉ luật.
Và tôi gật đầu. Kể từ đó, tôi có 2 ước mơ cháy bỏng, hoặc là được đi Nhật, hoặc
là trở thành công an. Nhưng kì thực, ban đầu tôi thích đi Nhật hơn, cũng có thể
là do bản tính thích tự do của một đứa con gái mới lớn. Nhưng tôi phải cố gắng
thi Đại Học điểm cao thì mới được xét đi Nhật. Từ đó, tôi cố gắng rất nhiều...
và rồi... tôi yêu Học viện An ninh nhân dân từ bao giờ, tôi cũng không biết.
Tôi yêu màu xanh ấy, tôi yêu mọi ngóc ngách, mọi góc nhìn của Học viện. Tôi tưởng
tượng một ngày tôi mặc trên mình bộ quân phục, ba lô con cóc về nhà trong sự
chào đón của bố mẹ, niềm tự hào của bố mẹ.
Ngày đi thi Đại học về, tôi nói với bố rằng:
“Con sẽ được 20 điểm. Tính thêm điểm cộng là 21,5”. Tôi thi khoa Xây dựng Đảnh
và Chính quyền nhà nước, khoa đó năm trước lấy 19,5. Nhưng tôi biết, mình sẽ
không bao giờ đỗ được vì năm đó khoa lấy có 7 nữ mà đã có một số bạn được tuyển
thẳng, đẩy tỉ lệ chọi lên rất cao. Dù sao, tôi cũng tự hào vì tôi đã hoàn thành
kì thi Đại học, trong khi, một người quen đã khẳng định với tôi rằng, tôi sẽ
không thể đỗ Đại học vì tôi sẽ chỉ được khoảng 15 điểm. Gạt nỗi buồn ra một
bên...tôi tiếp tục đi phỏng vấn trường Nhật ngữ Đông Du.
Tôi đã đỗ. Tôi đã đỗ kì phỏng vấn của
ngôi trường mà sẽ cho tôi một cuộc sống hoàn toàn khác ở Nhật Bản. Tôi quên đi
nỗi buồn màu xanh, nơi có bộ quân phục và những buổi tập điều lệnh. Tôi làm hộ
chiếu, mẹ thương tôi, không muốn tôi đi, đưa tôi ra chợ, sắm quần áo, vật dụng
cá nhân. Lần này, đưa tôi ra chợ, mẹ sẵn sàng trả một món đồ có giá trị khá đắt
vì nghĩ thương tôi phải xa nhà...vừa đi sắm đồ...mẹ vừa khóc. Ông ngoại điện về,
nói với tôi rằng, tôi còn quyết định đi thì ông sẽ không nhìn mặt tôi nữa, ông
sợ tôi khổ, sợ tôi vất vả nới xứ người – tôi là đứa cháu gái ông thương nhất....
Cách 3 ngày tôi ra sân bay để bay vào
Sài Gòn, tôi có điểm chính thức từ Học viện An ninh báo về. Đúng như dự đoán,
tôi được 20 điểm (chưa cộng). Bố nói, tôi có khả năng đỗ trung cấp an ninh. Chẳng
hiểu sao, khi ấy, cái mong muốn được khoác trên mình bộ quân phục lại ùa về
trong tôi, rất dào dạt và mãnh liệt. Họp gia đình, quyết định đưa ra, tôi sẽ
không vào Sài Gòn, không đi Nhật và chờ điểm trung cấp. Mẹ thở phào, bố lo lắng
hơn trước, còn tôi...tôi đã tự mình từ bỏ 1 ước mơ trong cuộc đời dù nó đã trở
thành hiện thực.
Tôi học một trường sau khi xét Nguyện vọng
2 trong thời gian chờ điểm trung cấp. Trong tôi lúc này chỉ có An ninh, chỉ có
màu xanh. Còn nhớ khoảng thời gian đó tôi khóc rất nhiều. Vì tôi trượt Đại học,
vì tôi xấu hổ với bạn bè. Cũng chính khi ấy, tôi mới biết tôi đã yêu An ninh đến
nhường nào. Nhớ lại, khi ấy thật là tồi tệ, cả mùa hè, tôi chỉ ở nhà khóc, và
buồn. Tôi học nguyện vọng 2 ở một trường thuộc top, trường mà ai cũng nói sau
này ra khỏi lo việc vì nó có...’’tiếng’’. Tôi học về kinh tế, tôi ghét kinh tế,
à, không phải ghét, mà là tôi CỰC KÌ ghét kinh tế. Tôi ghét sự bon chen, nịnh bợ,
những con số khô khan...Trung cấp báo điểm về, tôi cũng chẳng đỗ trung cấp nữa,
vì năm đó điểm chuẩn tăng đột biến. Tôi quyết tâm, năm sau sẽ thi lại...
Chúng tôi đều vào lớp Toán. |
Trong khoảng thời gian đó, tôi có nhận lời
yêu của một người bạn cùng lớp cấp 3, tôi và cậu ấy có điểm chung, chúng tôi học
cùng trường cấp 2, cậu ấy đội tuyển Sử, còn tôi đội tuyển Văn, nhưng rồi cấp 3
chúng tôi đều vào lớp Toán. Những ngày cuối cấp, cậu ấy ngồi ngay trên tôi,
chúng tôi rất hay trêu nhau và có cảm tình với nhau tự bao giờ. Cậu ấy cũng thi
Học viện An ninh, nhưng cậu ấy không “đấu tranh để chuyển khối” như tôi. Cậu ấy
vẫn thi khối A, trong khi có giải học sinh giỏi môn Lịch sử, và kết quả là cậu ấy
chỉ đạt 14 điểm – không đủ xét vào một trường Đại học “ngon ngon” nào hết. Cậu ấy
ở nhà, ôn lại. Có lẽ chính những sự trùng lặp đó, tôi và cậu ấy đồng cảm với
nhau, và trong khoảng thời gian khó khăn nhất của 2 chúng tôi, chúng tôi quyết
định đến với nhau...
Tôi đi học, trở thành sinh viên năm nhất,
khoa Kế Toán, của một trường “top”, và ôn thi lại Đại học. Cậu ở nhà, nghe tôi
và cô chủ nhiệm tư vấn, cậu ôn thi khối C, một lần nữa nộp hồ sơ vào học viện
An ninh theo truyền thống của gia đình – vào khoa Xây dựng Đảng và chính quyền
nhà nước – khoa mà tôi đã thi trượt...
Lần 2 thi Đại học diễn ra, tôi đăng kí Học
viện Cảnh sát và nguyện vọng xuống Trung cấp Vũ trang, vì nếu không được học
trong an ninh, tôi muốn trở thành Cảnh sát cơ động. Cậu đăng kí Học viện An
ninh, khoa Xây dựng Đảng. Chúng tôi dậy sớm cùng nhau, 4 giờ sáng tôi gọi cậu dậy
học bài...
Kết quả mùa hè năm ấy, tôi tiếp tục trượt
Đại học lần 2. Còn cậu, cậu đỗ Học viện An ninh với số điểm 20,5 khối C (chưa cộng),
cậu đỗ khoa Xây dựng Đảng – để “phục thù” cho tôi. Thêm một mùa hè tiếp theo,
tôi sống trong nước mắt. Khi có giấy báo điểm, bố dặn tôi ra công an huyện lấy.
“Lấy giấy báo trượt ư?” – tôi tự hỏi, và tôi không đi, trốn ra hồ, ngồi khóc một
mình. Tôi hay khóc, khóc rất nhiều, và khóc một mình. Tôi trách móc bản thân, xấu
hổ với bạn bè. Tôi không thích học kinh tế, từ một cô lớp trưởng năng nổ, tôi
trở thành một “thành phần bất hảo” trong lớp đại học, tôi trốn học ở nhà, không
nói chuyện với bất cứ ai. Ai cũng cho rằng tôi khùng quá, nhưng quả thực, hoà
nhập với môi trường này, tôi không thể, hoặc ít ra, là chưa phải lúc này. 2 mùa
hè là 2 mùa nước mắt...
Tôi đã sắp kết thúc năm 2 Đại học, còn cậu
cũng học buổi cuối cùng của sinh viên năm nhất tại Học viện Chính trị Công An
nhân dân. Cậu được chuyển sang Học viện Chính trị Công An nhân dân. Tôi đã rất
tự hào về cậu, tôi kết bạn với hầu hết các bạn trong trường cậu, theo dõi trang
cá nhân của họ để tưởng tượng rằng chính tôi cũng đang được như vậy. 20/10 –
ngày phụ nữ Việt Nam, các bạn trong Học viện Chính trị Công An nhân dân được
Giám đốc Học viện gửi thiệp chúc mừng (tôi thấy được từ facebook của một bạn nữ
trong học viện). Tôi đã khóc, tôi khóc vì bất lực, khóc vì ghen tị, tôi dày vò
bản thân, vì sao họ làm được mà tôi không làm được? Tôi quyết định tôi sẽ thi đại
học lần 3! Lần thứ 3. Bố mẹ ngăn cản, vì biết khả năng của tôi, vì không muốn
tôi đau khổ một lần nữa, 2 lần đã là quá đủ rồi. 2 năm qua kể từ ngày thi Đại học,
cuộc sống của tôi toàn nỗi buồn và nước mắt. Tôi quá yếu đuối, quá bất lực, quá
kém cỏi? Hồ sơ thi lần 3 tôi đã hoàn tất, chỉ còn chờ ngày đi thi. Tôi run sợ
thấy lạ....Tôi thực sự rất sợ...Nhưng tôi biết, qua khoảng thời gian này, mọi nỗi
buồn sẽ chấm dứt, sẽ không còn buồn đau, không còn ghen tị, không còn day dứt về
một giấc mơ, một giấc mơ màu xanh...
Viết thêm cho giấc mơ nếu còn dang dở một
lần nữa:
Tuổi trẻ như một cơn mưa. Dù cảm lạnh... vẫn muốn ướt mưa 1 lần nữa |
Lần vừa rồi, tôi đã lên Hà Nội (vì trường
Đại Học của tôi đặt cơ sở ở một tỉnh thành khác), nơi đầu tiên tôi đến khi đặt
chân lên Hà Nội là cổng chính Học viện An Ninh nhân dân. Tôi đi trên vỉa hè,
bàn tay vuốt qua những bức tường ngăn cách giữa tôi và học viện. Cảm giác thấm
lắm, tôi yêu ngôi trường này, từng viên gạch, từng hàng cây. Tôi được một anh người quen dẫn vào trường,
dù rất sợ bị phát hiện như tôi vẫn liều mình vào, lần đầu tiên tôi bước vào học
viện – nơi mà tôi chỉ được nhìn qua những bức ảnh trên mạng xã hội. Tôi đi
trong trường khoảng 15 là ra, cũng đủ đi hết một vòng trường. Vậy là quá đủ với
tôi. Kế tiếp hôm đó, tôi sang thăm cậu ở Học viện Chính trị công an nhân dân.
Xuống xe buýt, dù chẳng biết đường nhưng trường đầu tiên tôi tìm đến được là
trường cậu mà không cần hỏi cậu chỉ đường. Đứng ngoài cổng trường, ban đầu, tôi
sợ, tôi không dám nhìn vào trường, vì tôi biết, lớp B4-D1 đang tập điều lệnh ở
gần cổng. Tôi biết đó là lớp B4 vì tôi dường như biết khá nhiều các bạn trong
trường (các bạn ấy không hề biết tôi, tôi chỉ âm thầm kết bạn, theo dõi các hoạt
động). Tôi ngồi khá lâu ở quán nước trước cổng trường chờ cậu và ngắm các bạn tập
điều lệnh, mỗi khi các bạn quay ra, tôi tránh mặt vì tôi cứ nhìn chằm chằm vào
các bạn. Rồi cậu được nghỉ, cậu dẫn tôi vào trường, cậu đưa tôi vào căng tin,
trên đường vào, tôi cúi mặt xuống đất và đi, không dám nhìn mọi người, cùng may
khi ấy tôi phải nghe điện thoại, chứ quả thực, tôi không dám nhìn mặt mọi người,
tôi chỉ biết, tôi đi qua lớp B2-D1, đi qua anh này, bạn kia – người tôi kết bạn
theo dõi trên facebook. Lần đầu tiên vào trường cậu, lần đầu tiên nhìn cậu
trong bộ quân phục mùa hè – ước mơ của cậu đã thành hiện thực – giá mà khi ấy
tôi có thể khóc, khóc một lần nữa...Thăm cậu chưa được bao lâu thì tôi phải về,
tôi bắt xe về nhà, trên xe, quả thực, nước mắt đã chảy vào trong rồi...Mãi mãi
một ước mơ – một màu xanh áo lính mà tôi luôn trân trọng...
Cười lên nhé dù thế nào đi nữa
Cười lên nhé dù thế nào đi nữa