CẢM NHẬN VỀ HỘI CHỮ XUÂN MẬU TUẤT 2018

CẢM NHẬN VỀ HỘI CHỮ XUÂN MẬU TUẤT 2018
Mười năm nay, năm nào tôi cũng ra xem hội chữ xuân Văn Miếu Quốc Tử Giám và năm nay cũng vậy. Tôi ra Hội Chữ Xuân không phải để xin hoặc cho chữ mà để cảm thụ nét đẹp văn hóa và nâng cao trình độ thẩm mỹ và hiểu biết về thư pháp như ban tổ chức thông báo. Mặt khác, tôi ra xem còn do sự tò mò và tìm lời giải đáp cho những câu hỏi: Ai xin, ai cho – Người ta xin gì và cho gì – Hiệu quả Hội Chữ Xuân đến đâu… Đó là những vần đề liên quan đến Nghệ Thuật Thư Pháp mà tôi đang quan tâm. Mỗi lần đến xem tôi đều có cảm giác vừa vui vừa buồn và có những băn khoăn… Vài năm gần đây hội chữ được tổ chức một cách có quy củ hơn trước. Tuy nhiên vẫn còn có nhiều điều chưa ổn.
Theo thông tin báo chí ngày 31 tháng 01 năm 2018, Hội Chữ Xuân Văn Miếu Quốc Tử Giám Hà Nội năm 2018 được tổ chức nhằm “đáp ứng nhu cầu “Cho chữ, Xin chữ” đầu Xuân – một nét văn hóa truyền thống lành mạnh, góp phần bảo tồn và phát huy giá trị nghệ thuật thư pháp Việt Nam, cũng như năng cao trình độ thẩm mỹ, hiểu biết về thư pháp của công chúng.”
Nếu Hội Chữ năm nay đạt được mục đích đã nêu thì đó là điều rất đáng mừng. Mặc dù vậy tôi vẫn có cảm giác băn khoăn.

Trước khi diễn ra Hội Chữ, thông qua trang Hồ Văn – Văn Miếu, tôi đã gửi một số ý kiến tới ban tổ chức. Trong đó có ý kiến sau đây:

“Cần làm rõ các tiêu chí của Phố Ông Đồ, Hội Chữ Xuân, nhất là làm rõ khái niệm XIN – CHO, thực chất là xin, cho CHỮ hay Ý NGHĨA CỦA CHỮ. Nếu là CHỮ thì người cho phải là THỢ VIẾT LÀNH NGHỀ hoặc NHÀ THƯ PHÁP. Nếu là Ý NGHĨA CỦA CHỮ thì người cho phải là người có trình độ và tư cách của một người THẦY. Cả hai trường hợp đều phải qua sát hạch với các tiêu chí hoàn toàn khác nhau. Sự mập mờ về ý tưởng bấy lâu nay đã gây ra nhiều hệ lụy, biến một hoạt động văn hóa thành phi văn hóa. Phố Ông Đồ - Hội Chữ Xuân có thể trở thành một sân khấu và những người tham gia sẽ trở thành các diễn viên vụng về, lố bịch. Tệ hơn, các nơi đó có thể trở thành những cái chợ hỗn loạn, vô văn hóa. Phản cảm là điều khó tránh khỏi. Theo tôi, với thực trạng hiện nay, các nơi đó không nên mang danh PHỐ ÔNG ĐỒ hay HỘI CHỮ XUÂN. Cái tên thich hợp nhất là HỘI CHỢ CHỮ hoặc HỘI NGHỀ TRUYỀN THỐNG VIỆT NAM, trong đó nghề viết chữ của các ông đồ thuở xưa được khôi phục và phát triển cùng với các nghề truyền thống khác mang đậm bản sắc Việt Nam.”

CẢM NHẬN VỀ HỘI CHỮ XUÂN MẬU TUẤT 2018

Việc làm rõ khái niệm XIN – CHO là rất quan trọng, bởi nó quy định các tiêu chí của việc sát hạch và phẩm chất cần thiết của những người trong hội đồng khảo thí. Trên cơ sở đó, ban tổ chức mới có thể có phương án tổ chức Hội Chữ phù hợp.

Ngày xưa quan hệ xin – cho chữ diễn ra trong hoàn cảnh 90% dân ta mù chữ. Người xin phần lớn không được học hành, có nhiều thứ thiếu thốn cần xin, người cho chữ là những người được coi là người học chữ thánh hiền, có đức có tài… đủ tư cách cho chữ và có nhiều thứ để cho. Còn ngày nay, tình hình đã khác. Vai trò người xin và người cho nhiều khi đảo ngược. Thêm nữa, từ nhu cầu xin – cho biến thành nhu cầu mua – bán, từ văn hóa xin - cho chuyển thành văn hóa mua bán.

Về nghệ thuật thư pháp – Chúng ta đã và đang có gì?

Lịch sử chứng tỏ rằng xưa kia Việt Nam đã có những tài năng nghệ thuật thư pháp không kém gì các nước khác. “Từ buổi đầu độc lập xây dựng nên thể chế chính trị vững vàng song hành cùng sự phát triển vượt trội về văn hóa, nghệ thuật, hai triều đại Lý, Trần đã đưa nền thư pháp Đại Việt phát triển đến độ cực thịnh… Tới thời Nguyễn thì nghệ thuật thư pháp trăm hoa đua nở, đa dạng và phong phú… Lịch sử thư pháp Hán Nôm tại Việt Nam đã không khép lại cùng với sự cáo chung của Nho học ở khoa thi cuối cùng tại Nam Định năm 1915. Phải rất lâu sau, phong khí đó mới dần đi xuống, chí ít phải đến khi nhà Nguyễn kết thúc vai trò của mình trong lịch sử. Ngay cả trong thời điểm hiện tại thì nó vẫn là một nguồn mạch âm ỉ chảy trong lòng văn hóa của dân tộc. Đặc biệt trong ba mươi năm trở lại đây, phong trào học tập thư pháp, sáng tác thư pháp dần dần được khôi phục trở lại, bởi những người còn tương đối trẻ, và tôi tin họ sẽ là những người viết tiếp câu chuyện cũ bằng một ngòi bút mới!(Nguyễn Hữu Sử). Tuy nhiên trong hoàn cảnh Hán Nôm đã trở thành ngoại ngữ như hiện nay, việc khôi phục, giữ gìn và phát huy giá trị nghệ thuật thư pháp gặp rất nhiều khó khăn.

CẢM NHẬN VỀ HỘI CHỮ XUÂN MẬU TUẤT 2018

Lấy cảm hứng từ thư pháp Hán Nôm, hơn hai mươi năm nay, thư pháp chữ Việt ra đời và hình thành một phong trào rộng khắp đất nước mặc dù có khá nhiều ý kiến phản đối rất gay gắt. Người ta phản đối vì cho rằng chỉ có loại chữ tượng hình mới có thư pháp, còn chữ Việt (quốc ngữ) là lọai chữ tượng âm không thể có thư pháp. Mặc dù người ta đã sai khi khẳng định Chữ Việt không thể có thư pháp nhưng họ đã thấy được một khó khăn cực kỳ lớn khi đưa chữ Việt lên tầm nghệ thuật. Đó là trước hết phải tìm cách làm giàu các yếu tố tạo hình vốn cực kỳ nghèo nàn của con chữ Việt. Thực tế chứng tỏ suốt hơn hai mươi năm qua, những người theo đuổi thư pháp chữ Việt, dù đã hết sức cố gắng nhưng chưa vượt qua được khó khăn đó. Người ta mới chỉ sử dụng được bút lông để viết được chữ, có thể đẹp, nhưng chưa chạm tới các tiêu chí của nghệ thuật, mặc dù có nhiều câu lạc bộ thư pháp được thành lập, nhiều lớp dạy thư pháp được mở ra.

Những gì đã diễn ra tại Hội Chữ chứng tỏ ý kiến của tôi không tới tai của ban tổ chức hoặc ý kiến đó không đáng được quan tâm. Tôi có cảm giác những người tổ chức hình như không chú ý đến thực trạng nghệ thuật thư pháp Việt Nam.

Giá như sự kiện này mang danh Hội Chợ Chữ hoặc Hội Làng Nghề Việt Nam thì nó đã đạt được một số thành công nhất định. Tuy nhiên, nếu Hội Chữ Xuân với mục đích như thông tin báo chí đã nêu thì đó là một thất bại. Thất bại không phải vì những người tham gia không đủ tài năng mà do khâu tổ chức có “vấn đề”.

Khi biết nội dung các hoạt động của Hội Chữ Xuân 2018 có giới thiệu các nghề truyền thống, tôi đã rất vui mừng vì nghĩ Ban Tổ Chức đã nhận ra ở Việt Nam khôi phục và phát huy một nghề của các ông đồ xưa – nghề viết chữ và định giới thiệu cho thế giới biết sự phong phú, đa dạng, đậm bản sắc dân tộc của các làng nghề Việt Nam. Rất tiếc mọi sự diễn ra đã không phải như vậy. Những khu vực được bố trí tại Hồ Văn là sự lắp ghép gượng gạo, không ăn nhập gì với nhau, không phù hợp và không xứng với một di tích văn hóa tầm cỡ quốc gia.

Tại khu vực triển lãm thư pháp, các tác phẩm được trưng bày (của các thí sinh) không thể đại diện cho sự hiểu biết, tài năng của người Việt về nghệ thuật thư pháp. Những người ở khu vực viết chữ (63 gian), dù đã vượt qua sát hạch cũng không thể đại diện cho lực lượng, tài năng của những người viết chữ Việt Nam. Còn một số nghệ nhân, nhà thư pháp Hán Nôm được mời tham gia tại khu vực đó cũng không có cơ hội thể hiện hết tài năng của mình.

Với thực trạng thư pháp Việt Nam, cách làm như thế, dù những người tham gia có tài năng đến mấy cũng chỉ có thể tạo ra một sân khấu tái hiện lại “nét đẹp truyền thống”, trong đó những người tham gia là những diễn viên không chuyên. Quan sát những gì diễn ra tại Hội Chữ, người ta thấy không phải THƯ PHÁP (nghệ thuật viết chữ) mà là THƯ NGHỆ (nghề viết chữ) đang được khuyến khích, tôn vinh . Điều đó không hề xấu, thậm chí còn rất tốt. Tuy nhiên dưới góc nhìn nghệ thuật, cách làm như vậy khiến cho nghệ thuật thư pháp bị hiểu một cách méo mó, các giá trị nghệ thuật thư pháp đang bị hạ thấp. Nó làm cho những người đang theo đuổi thư pháp ảo tưởng về khả năng của mình. Sự thực, nó không thể mà còn có hại cho việc góp phần bảo tồn và phát huy giá trị nghệ thuật thư pháp Việt Nam.
Khi đưa ra mục đích của Hội Chữ, phải chăng, những người tổ chức đang ảo tưởng về thực trạng thư pháp Việt Nam?!

Quá thất vọng, tôi đã phải thốt lên: “ Năm nào Hội chữ cũng có vấn đề Có lẽ do sự ảo tưởng của nhà tổ chức về tiêu chí của sự kiện” Ý kiến này của tôi lập tức bị một người tự nhận là thành viên ban tổ chức phê phán là nói “bâng quơ”, “rất thiếu tính xây dựng”đồng thời bị kết tội là “SOI là chọc ngoáy là thọc gậy bánh xe” và sau đó là hàng loạt lời răn dạy về đạo đức. Chẳng lẽ đó là phản ứng của ban tổ chức?! Tôi đã định im lặng nhưng tôi hy vọng rằng đó không phải là phản ứng của ban tổ chức và đó cũng là lý do tôi viết bài này.

Việt Nam không thiếu những người “hiền tài”. Bởi vậy chúng ta hoàn toàn có đủ điều kiện để tổ chức tốt Hội Chữ Xuân đạt được các tiêu chí như đã nêu trên. Vấn đề là ở chỗ biết nhận ra, biết lắng nghe và biết tôn trọng sự giúp đỡ của họ.
Nguồn: Phạm Đức Nhuận
Thanh Phong

Xin chào các bạn, mình là một người thích viết lách và chia sẻ kinh nghiệm

Đăng nhận xét

Mới hơn Cũ hơn