07 Điều tôi học được từ người thầy của mình

Điều tôi học được từ người thầy của mình
Thầy Nguyễn Văn Khá
Trong quá trình học tập bộ môn nghệ thuật thư pháp Việt, tôi may mắn được thầy Nguyễn Văn Khá dạy và truyền thụ cho những kiến thức vô cùng hữu ích về thư pháp. Không chỉ là những kiến thức về bút pháp thông thường, hay chương pháp mà còn là những kiến thức về cuộc sống, về cách nhìn nhận những vấn đề hiện ra xung quanh bản thân tôi. Trong bài viết ngày hôm nay, tôi xin gửi tới quý độc giả thân thiết của Blog thư pháp Thanh Phong một bài viết với chủ đề hoàn toàn khác lạ, đó là chủ đề về người thầy.

Trải qua một khoảng thời gian cũng vừa đủ để tôi cảm nhận được tính cách và những ưu nhược điểm của người thầy đã gieo cho tôi cái duyên với thư pháp Việt, tôi nhận thấy một số điều đặc biệt mà tôi đã học được từ thầy của mình. Cụ thể

1. Tầm nhìn

Tầm nhìn là sự hình dung về những kết quả, những mục tiêu sẽ đạt được trong tương lai, được khái quát hóa, hình ảnh hóa và hình tượng hóa trong đầu mỗi người trước khi làm một việc gì đó.

Phong cách làm việc và phong thái của thầy trong những hoạt động chung của lớp, đặc biệt là trong triển lãm thư pháp Việt "Cốt cách thanh tân" diễn ra vào năm 2016 đã khiến tôi thực sự cảm thấy nể phục thầy, để tổ chức một chương trình như thể, chắc chắn phải là một người hết sức dũng cảm, có một mối quan hệ sâu rộng và một tầm nhìn bao quát lắm thì chương trình ấy mới diễn ra thành công như thế.

Cho đến thời điểm hiện tại, mỗi khi nhớ đến buổi triển lãm đó, tôi lại cảm thấy vui đến lạ thường, không chỉ vì nó là một sự kiện thu hút được đông đảo quần chúng tham gia (từ những anh chị từ các trường như đại học mỏ - địa chất, đại học tài chính, học viện chính trị CAND) mà còn có cả sự góp mặt của những người thầy, nhà thư pháp nổi tiếng như thầy Lê Thiên Lý, thầy Nam Phương Vũ Ngọc Kỳ, bên cạnh là rất nhiều cái tên được biết đến trong làng thư pháp Việt như nhà thư pháp Ngẫu Thư, Hà Linh, Ngọc Đình, họa phẩm Hoàng Sơn, Thư pháp dụng phẩm,...

2. Sự đam mê và đức hy sinh

Điều tôi học được từ người thầy của mình
Những cây bút thầy tự làm
Phải tiếp xúc với thầy nhiều lắm, tôi mới cảm nhận được niềm đam mê và đức hy sinh của thầy với con chữ, những sự cố gắng, phấn đấu không biết mệt mỏi cho một nền thư pháp Việt phát triển không ngừng, thông qua các hoạt động tổ chức các sự kiện, thành lập các hội nhóm thư pháp như "Linh hồn thư pháp Việt", "Việt thư đạo quán", và các sản phẩm từ thư pháp như bút viết thư pháp, các cuốn thư phổ, tác phẩm thư pháp Truyện Kiều trên giấy A3, tôi lại càng thêm khâm phục và ngưỡng mộ thầy nhiều hơn, chính niềm đam mê và đức hy sinh đó khiến tôi cảm thấy bản thân mình chẳng là gì cả, chỉ giống như một hạt bụi trong sa mạc vô cùng mênh mông nơi công lao của thầy đã bỏ ra. Tôi tự nhắc mình phải cố gắng nhiều hơn nữa mỗi khi nhìn thấy thầy và tôi phải thực sự cảm ơn thầy vì điều ấy.

3. Tin tưởng, quyết tâm, bền bỉ

Điều tôi học được từ người thầy của mình
Một tác phẩm thầy Viết
Những gì đã trải qua, những kỷ niệm đẹp mà chúng tôi đã có bên nhau, tôi lại cảm nhận được ở thầy sự tin tưởng chắc chắn vào những thế hệ thư pháp Việt hiện nay, thầy giáo của tôi là một người vô cùng biết đặt niềm tin vào người khác, niềm tin ấy không phải là thứ dễ dàng mà bất cứ ai cũng có được, thầy xây dựng niềm tin dựa trên những nhân cách, những gì mà đối phương thể hiện ra trước mặt thầy và từ sâu thẳm trong tâm hồn thầy biết điều ấy. Bên cạnh đó, tôi cũng thấy được sự quyết tâm rất lớn, từ việc kiên trì, bền bỉ trước những sự tiến bộ của học trò, rõ ràng phải là một người có tâm lắm mới kiên nhẫn được với những người học trò như tôi, vì trước giờ tính tôi rất nóng nảy và khó gần, thầy đã khiến cho tôi phải thay đổi khi giờ đây, tôi nhận thấy trong bản thân mình là sự nhẹ nhàng, thanh thản đến lạ lùng. Có lẽ một phần nằm ở trong tính cách của thầy.

4. Xây dựng hình ảnh cá nhân

Cốt cách của thầy, hình ảnh của thầy luôn là những ấn tượng đậm nét nhất. Những điều ấy không phải tự nhiên mà có được, nó xuất phát từ sự cố gắng rèn luyện, tập trung vào những điều tốt đẹp, tránh xa những điều xấu. Có một lần thầy nói với tôi về mối quan hệ giữa đồng tiền và nghệ thuật. Thầy nói rằng đồng tiền mặc dù quan trọng thật đấy, chúng ta phải dựa vào nó để duy trì nghệ thuật thật đấy nhưng làm cái nghề này, đừng bao giờ coi đồng tiền là trên hết mà bán rẻ đi con chữ của mình. Lấy con chữ của mình để bắt chẹt khách hàng chính là tự sỉ nhục vào nghệ thuật. Những lời tâm huyết ấy, khiến cho hình ảnh của thầy trong mắt tôi thêm đẹp, thêm sáng hơn bao giờ hết.

5. Gương mẫu

Thầy ít khi nhắc nhở người học phải làm gì trong cuộc sống, thậm chí là ngay cả khi học thư pháp với thầy. Nếu như thầy muốn chúng tôi chăm chỉ luyện tập, thì việc đầu tiên thầy làm không phải là nói với chúng tôi rằng "Các bạn hãy chăm chỉ lên nhé!" mà việc đầu tiên đó là sự nhiệt tình và kiên trì của thầy khi tận tâm dạy chúng tôi từ sáng tới chiều, từ chiều tới tối. Những hành động ấy khiến cho người học vừa xúc động, vừa hiểu được những gì mà thầy mong muốn nơi người học. Chính vì thế mà đôi khi nghĩ đến thầy, tôi lại càng cảm thấy mình cần phải cố gắng và nỗ lực nhiều hơn nữa.

6. Khả năng truyền cảm hứng

Điều tôi học được từ người thầy của mình
Luôn không quên ghi lại hình ảnh của học viên
Thầy luôn biết khích lệ, động viên những người theo học suy nghĩ theo hướng tích cực, thường xuyên kích thích tinh thần hứng khởi của người học. Nhờ đó mà người học có thêm sự hăng hái, đam mê và cố gắng hơn với nỗ lực cao nhất để thực hiện được các nội dung mà thầy truyền đạt.

7. Sự sáng tạo tuyệt vời

Đối với những ai phải trực tiếp nhìn và cảm nhận những tác phẩm của thầy thì mới thấy được sức sáng tạo dồi dào và mạnh mẽ trong tâm trí của người cầm bút, sức sáng tạo ấy đã khiến cho tôi thực sự bị lôi cuốn vào những ý tưởng và suy nghĩ tích cực của thầy. Các tác phẩm thư pháp đẹp mà thầy tạo ra luôn luôn khiến cho người xem cảm nhận rõ nét những yếu tố đặc trưng của "Thần, Ý, Chí, Khí" được hội tụ trong một. Nhìn những tác phẩm ấy, tôi chẳng bao giờ cảm thấy chán. Đó là sự thật.

Mặc dù chỉ là đôi dòng suy nghĩ, và nếu có thể, tôi sẽ nói thêm nhiều hơn. Thế nhưng tôi nghĩ rằng mình nên tạm dừng bài viết này tại đây, để giành một vài phút cho những suy nghĩ, những cảm xúc từ từ lắng đọng xuống, nếu như bất cứ ai mong muốn được học tập bộ môn nghệ thuật thư pháp Việt, thì tôi chắc chắn với các bạn rằng, thầy Nguyễn Văn Khá (Khá Già) là một trong những địa chỉ tuyệt vời nhất mà lời thuyết phục lớn nhất chính là những gì mà tôi đã làm được ngày hôm nay. Tôi hy vọng rằng quý độc giả sẽ chia sẻ nhiều hơn nữa, và nếu có bất cứ câu hỏi nào, hãy để lại trong phần bình luận phía dưới bài viết. Thư pháp Thanh Phong sẽ trả lời các bạn trong thời gian sớm nhất.

Thư pháp Thanh Phong thủ bút
Thanh Phong

Xin chào các bạn, mình là một người thích viết lách và chia sẻ kinh nghiệm

Đăng nhận xét

Mới hơn Cũ hơn