05 Cách để người lãnh đạo tạo ấn tượng ban đầu trong tập thể

Cách để người lãnh đạo tạo ấn tượng ban đầu trong tập thể
Như đã nói với quý độc giả ngay từ khi bắt đầu viết những dòng đầu tiên của hệ thống bài giảng này, tôi đã giới thiệu sơ qua một số nét cơ bản về nghệ thuật lãnh đạo và quản lý tập thể.

Nếu như bạn đã đọc bài viết đó rồi, hẳn bạn sẽ thấy trước đây tôi đã được các thầy cô giáo tin tưởng giao cho chức vụ trung đội trưởng, sau đó, là một thời khắc quan trọng đối với bản thân tôi khi mà chính tôi phải đối mặt với một công việc khá quan trọng, kéo dài trong suốt một thời kỳ. Ấy chính là quá trình tạo ấn tượng khi mới nhậm chức.

Đối với mỗi chúng ta, khi mới bước vào bất cứ một cương vị nào đó, để tạo ấn tượng đầu tiên cho tập thể cần rất nhiều yếu tố, vì người ta luôn nhớ những việc đầu tiên và cuối cùng nhiều hơn tất thảy, nên việc tạo ra một ấn tượng tốt đẹp là khá quan trọng.

Cho dù bạn thuộc kiểu người cá tính như thế nào đi chăng nữa, bạn vẫn phải tìm cách thể hiện được vai trò, vị trí và khả năng của bạn trước cấp trên, cấp dưới và những người đồng nghiệp cùng cấp, mục đích ở đây là khiến cho họ tin tưởng ở bạn, và giao phó cho bạn công việc chủ đạo, đó là lãnh đạo mọi người.

Như tôi đã nói trong phần trước, chỉ khi bạn có thực quyền lãnh đạo mọi người và chỉ khi mọi người tin tưởng ở bạn thì công việc mới diễn ra một cách trôi chảy và đạt hiệu quả cao.

Công việc đầu tiên: Hãy chiếm lĩnh những “từ khóa” quan trọng

Bạn có những thế mạnh đặc biệt nào? Chơi thể thao, cầu lông, bóng bàn hay thậm chí là uống rượu? Hãy tổ chức một buổi họp ban đầu để tìm hiểu tất cả các sở thích, nhu cầu của tất cả các thành viên trong tập thể, bạn hãy phân tích xem tập thể này có những đặc điểm gì, đa số mọi người đều thích cái gì, nếu như họ thích tụ tập, thích ca hát, thích nhảy múa, thì bạn nên tập trung vào sở trường ca hát của bản thân.
Còn nếu như bạn không có sở trường để “hòa nhập” vào số đông, hãy tập trung vào những người nắm giữ các vị trí quan trọng trong tập thể.

Ví dụ như ở lớp tôi, có rất nhiều các thành viên đam mê thể dục, thể thao, và tôi thường xuyên tổ chức các giải đấu với họ, việc làm này chẳng cần bạn phải là người chiến thắng, thậm chí ngay cả khi bạn không biết gì về vấn đề mới ấy, bạn vẫn có thể nhờ những người đồng sự dạy bạn. Mục tiêu chính là sự đoàn kết và gắn bó với nhau trong thời gian ban đầu.

Vào năm 2012, khi mới bước chân vào việc nghiên cứu tối ưu bộ máy tìm kiếm trên Google (SEO website), tôi mới nhận ra rằng, mỗi người trong chúng ta đều cố gắng để xây dựng được một “từ khóa” có vị trí cao trong lòng tập thể.

Giả xử như người ta cần đọc các tin tức mới, họ có thể vào các trang báo như dân trí, vnexpress, hoặc nếu muốn tìm các kiến thức về ẩm thực có thể lên google để tìm “kiến thức về ẩm thực”, hoặc muốn tìm kiểm kinh nghiệm xây dựng website kiếm tiền, họ cũng có thể tìm kiếm các cụm từ “kiếm tiền từ website”…

Trong tập thể, khi trở thành một nhà lãnh đạo thì công việc của bạn chính là để cho mọi người luôn nhớ rằng bạn là kết quả đầu tiên mỗi khi họ nhớ đến những cụm từ như “lãnh đạo của lớp”; “Lãnh đạo giỏi”, “Người lãnh đạo tuyệt vời, hòa đồng”, “Lãnh đạo có năng lực chính là anh X (tên của bạn).”

Để xây dựng được những thương hiệu mạnh cho bản thân thì bạn cần hiểu rằng, những yếu tố như tính cách, thói quen, thái độ công tác, nguyên tắc xử thế chính là những yếu tố cấu thành nên một từ khóa mạnh. Việc đó giải thích vì sao có những người khi muốn trở thành nhà lãnh đạo, họ phải sửa chữa những thói hư tật xấu làm ảnh hướng đến sự đánh giá, nhận xét trong lòng mọi người trong tập thể.

Chính vì vậy, đó là lý do tại sao tôi bảo bạn nên tập trung chiếm lính các “từ khóa” có lợi cho bất cứ một nhà lãnh đạo nào như “của lớp” ; “giỏi”; “hòa đồng”; “gần gũi”; “thân thiết”… Tôi biết rằng việc làm này khá là khó khăn, đặc biệt là với một tập thể nhiều thành viên, thì thời gian để bạn “lấy lòng” mọi người lại nhiều hơn nữa.

Gợi ý bạn đọc thêm bài viết "Nguyên tắc vận hành quyền lực trong tập thể"

Công việc thư hai: Chú ý đến thực trạng của tập thể 

Trong một tập thể, lời nói, hành vi và mọi quyết định từ phía người lãnh đạo sẽ làm nên tư chất người đứng đầu. Do đó, việc nắm bắt tất cả thông tin liên quan đến tập thể, sẽ giúp cho người lãnh đạo dễ dàng đưa ra các quyết định chính xác.

Việc làm thân, kết bạn với mọi người như trong phần đầu tiên tôi đề cập cũng chính là cách để tạo điều kiện thuận lợi cho những người lãnh đạo thu thập thông tin, tạo ra những kênh liên lạc thiết thực.

Công việc thứ ba: Làm gương

Bạn không thể đứng đầu những “từ khóa” trong lòng người khác khi có ai đó làm gương trước bạn. Chính bạn chứ không phải ai hết, là người phải đi đầu và tiên phong trong những công việc đòi hỏi đến sự góp mặt của một nhà lãnh đạo giỏi. Nhất là trong những lúc khó khăn, những sóng gió của cả một tập thể thì người lãnh đạo lại càng phải quyết đoán, có khí chất của người đứng đầu, do đó phải không ngừng học hỏi để nâng cao khả năng, năng lực, kiến thức của bản thân.

Công việc thư tư: Làm tốt công việc chuyên môn

Trước khi đi vào vấn đề giao việc để tối ưu khả năng làm việc (tôi sẽ nói ở phần sau) thì tôi xin đề cập với các bạn một chút về vấn đề này. Người lãnh đạo giỏi phải cho tất cả mọi người thất được khả năng thực hiện các công việc chuyên môn một cách thực sự tốt.

Nếu không phải tất cả các công việc, thì bạn nhất thiết phải có được một số khả năng nhất định nào đó, nói tóm lại thì phải làm cho mọi người thấy rằng bạn là một người lãnh đạo có năng lực, có tiềm năng phát triển.

Chúng ta chỉ nhắc được người khác về những lỗi đánh máy khi chúng ta là một người đánh máy giỏi, chỉ phê bình được người khác về vấn đề công việc khi chúng ta có chuyên môn về công việc ấy và được mọi người công nhận, bằng không thì tôi nghĩ tốt nhất bạn nên sử dụng những câu hỏi để gợi mở những vấn đề mà bạn đang băn khoăn trong cách làm của người khác.

Người Việt Nam rất nhạy cảm trong việc bị người khác phê bình, vì vậy hãy thật thận trong trước khi nhận xét cho ai đó. Hãy đọc các bài viết về phê bình và tự phê bình của chủ tịch Hồ Chí Minh để tìm hiểu rõ hơn cách mà Người đã làm khi phê bình người khác.

Công việc thư năm: Tạo ra các buổi họp hiệu quả

Trong thời gian đầu tiên mà tôi trở thành một người “lớp trưởng” tôi đã mắc phải khá nhiều sai lầm nghiêm trọng, trong đó là việc tổ chức hội họp một cách tràn lan, liên tục và thiếu hiệu quả, sau này khi phát hiện ra vấn đề này tôi mới ước gì mình có thể quay lại và thay đổi mọi thứ nhưng thực tế thì không cho phép điều ấy.

Đôi khi trong cuộc sống bạn phải quen với việc chấp nhận với những thất bại trong quá khứ, nhìn nhận thẳng vào vấn đề để rút ra kinh nghiệm, bài học trong những lần tiếp sau đó.

Quay trở lại vấn đề, tạo ra các buổi họp hiệu quả phải đảm bảo được ba công việc chính đó là:
- Đề xuất được vấn đề
- Thảo luận vấn đề
- Giải quyết vấn đề

Các cuộc họp đầu tiên nên được tổ chức một cách ngắn gọn, tiết kiệm thời gian cho mọi người và chỉ nên thực sự cần thiết thì mới họp. Trong các buổi họp về sau này, bạn cần phải chú ý dần đến vấn đề giao việc cho người khác, và mình có một lời khuyên cho bạn thế này:

Người lãnh đạo giỏi không phải là người làm được nhiều việc mà phải biết cách giao việc cho những người giỏi làm giúp bạn (sẽ được mình tiết lộ trong phần tiếp theo: Vận hành quyền lực)

Thư pháp Thanh Phong thủ bút

Thanh Phong

Xin chào các bạn, mình là một người thích viết lách và chia sẻ kinh nghiệm

Đăng nhận xét

Mới hơn Cũ hơn