Nghệ thuật Hùng biện: Hùng biện tốt (P2)

[ Khám phá ] Nghệ thuật Hùng biện: Hùng biện tốt (P2)

Ngôn ngữ cơ thể trong hùng biện

Từ những hoạt động hùng biện và những nghiên cứu mà tôi có được trong khoảng thời gian hơn 3 năm. Tôi đã đúc rút ra được một số những nguyên tác cơ bản trong hoạt động hùng biện mà cụ thể là về chủ đề “Ngôn ngữ cơ thể”. 

Một cách chung nhất, ngôn ngữ cơ thể là những điệu bộ, chử chỉ được sử dụng để diễn tả điều mà bạn muốn nói hay truyền đạt với mọi người. Có thể nói rằng ngôn ngữ cơ thể đã xuất hiện từ rất sớm, trước khi có ngôn ngữ nói, vì thế mà đáng nhẽ ra chúng ta phải cảm nhận ngôn ngữ cơ thể tốt hơn rất nhiều ngôn ngữ nói, nhưng do xu thế của thời đại, việc truyền thông tin một cách nhanh chóng đã dẫn đến việc ngôn ngữ cơ thể dần lùi về phía sau. Tuy vậy nhưng không có nghĩa là nó không tồn tại, trái lại, ngôn ngữ cơ thể bổ trợ thêm cho ngôn ngữ nói thêm sinh động và tạo ra những hình tượng một cách linh hoạt. Khi bạn để ý thì những hành động vô thức của một người cũng thể hiện được suy nghĩ của người đó. Ví dụ như khi anh ta mệt mỏi, hoặc những lúc buồn ngủ thì ngáp và hai vai thõng xuống là những biểu thị điển hình, khi anh ta vui hoặc gặp may mắn thì anh ta sẽ đứng thẳng, miệng cười, ánh mắt rướn lên, những hành động nhanh hơn và tích cực hơn…

Trong hùng biện, ngôn ngữ cơ thể trở thành một yếu tố hết sức quan trọng tao nên sự thành công của nhà diễn thuyết. Và phải nói rằng dựa vào kinh nghiệm của mình tôi đã đúc rút ra được một số những hoạt động biểu thị điển hình khi bạn thực hiện hành vi nói của mình.

1. Mở lòng bàn tay hướng lên trên

Mở lòng bàn tay hướng lên trên
Đây là hành động điển hình nhất của những nhà thuyết trình, hùng biện, hành động này thể hiện rằng người thuyết trình đang trình bày những quan điểm của mình, không giấu diếm bất cứ một điều gì. Trong lịch sử, ở phương tây những người được vào diện kiến nhà vua thường sử dụng điệu bộ này để trình bày để biểu thị sự trung thực và chứng minh rằng mình không mang theo vũ khí.

2. Chụm năm ngón lại

Chụm năm ngón lại
Hành động chụm năm đầu ngón tay như tay câu có thể được sử dụng để thể hiện nhiều ý nghĩa, thông thường nhất, hành động này được sử dụng và hướng lòng bàn tay lên trên để biểu thị những quan điểm được nêu đang được người thuyết trình, hùng biện bóc tách ra để trình bày với người nói.

3. Chỉ ngón trỏ

Chỉ ngón trỏ
Việc đưa ngón tay trỏ lên trên được sử dụng khi người nói muốn thể hiện một quan điểm nào đó mở mẻ, một phát kiến hay một ý tưởng nào đó mới lóe lên trong đầu, hành động này khá phổ biến khi những nhà thuyết trình sử dụng để làm nổi bất những giải pháp.

Tuy nhiên nếu giơ ngón trỏ lên cao và chặt xuống nhiều lần thì nó lại mang nghĩa là giảng dạy, vì ngón trỏ lúc này tượng trưng như cây thước của giáo viên giơ lên hạ xuống trước đám học trò của mình.

Chỉ ngón trỏ xuống đất thể hiện quan điểm về vị trí khi chúng ta muốn nói về một sự việc nào đó diễn ra tại nơi đang thuyết trình, ta có thể sử dụng hành động này.

4. Nắm chặt tay giơ lên

Nắm chặt tay giơ lên
Hành động nắm chặt tay giơ lên thể hiện sự chiến đấu, nắm đấm tượng trưng cho sức mạnh, chiến tranh, nêu giơ lên thì nó thể hiện sự quyết tâm, tinh thần chiến đấu.

Đây là hành động thường thấy của nhiều hùng biện gia, nắm chặt bàn tay còn thể hiện cho ý chí và nghị lực vươn lên khi giơ cao tay lên qua đầu.

5. Hành động chặt đứng

Hành động chặt đứng
Hành động các ngón tay duỗi thẳng khép lại, ngón cái cong tạo thành hình lưỡi đao và chặt xuống thể hiện ý muốn chia tách ở người nói, thường thì hành động này thể hiện rằng người nói đang muốn chia nhỏ vấn đề ra để giải quyết hoặc tùy vào những vấn đề mà người nói đề cập mà hành động lại thể hiện một suy nghĩ khác.

6. Bấm ngón

Bấm ngón
Khi chúng ta nhìn một người bói toán bấm ngón tay ta liên tưởng đến việc người nay đang tính toán điều gì đó. Hành động bấm ngón ở người thuyết trình hùng biện cũng có ý nghĩa tương tự, giống như tính toán, người sử dụng hành động này muốn thể hiện cho người nghe thấy rằng đây là những quan điểm trong một vấn đề và nó được thể hiện thông qua những luận điểm đang được nêu ra.

7. Đo độ dài

Đo độ dài
Trong một vài bài phát biểu, người thuyết trình, hùng biện sử dụng hành động giang hai tay ra như đo độ dài, hoặc sử dụng cả hai bàn tay chặt xuống như đang đo đạc điều gì đó để thể hiện tầm cỡ của vấn đề mình đang đề cập đến. Ví dụ như nói về tầm quan trọng của giáo dục, người thuyết trình mở rộng bàn tay như đang ôm cái gì đó rất lớn như ám chỉ vấn đề này cực kì quan trọng.

8. Úp bàn tay xuống

Úp bàn tay xuống
Hành động này giống như đang thể hiện với người nghe nên kiềm chế cảm xúc của mình. Trong thời phát xít, Hit le sử dụng hành động lòng bàn tay úp xuống và duỗi thẳng ra để biểu thị cho quyền lực và lòng tự tôn của dân tộc mình. Khi sử dụng hành động này, thường sẽ gây ra cảm giác người nói có một cái tôi lớn và thường muốn trấn áp điều gì đó. 

Bên cạnh những hoạt động nêu trên, còn có rất nhiều những hành động khác có thể được áp dụng, cách sử dụng bàn tay ở trên đều là những hoạt động điển hình nhất, và hy vọng rằng, đây sẽ là một số gợi ý cho bạn trong việc áp dụng nó vào trong bài thuyết trình của mình.

9. Giơ ngón trỏ

Giơ ngón trỏ
Hành động này thể hiện sự xác nhận một cách tích cực, tuy nhiên ở một số quốc gia thì đây lại được hiểu là hành động miệt thị.

10. Chắp tay

Chắp tay
Hành động này khi nói thể hiện ý muốn van xin hoặc phân tích kĩ hơn một vấn đề nào đó khi muốn sử dụng "lực của cả hai tay" để làm rõ một vấn đề.

Những đồ vật đi theo nhà hùng biện

Khi nói về những đồ vật giúp chúng ta hùng biện hiệu quả, thì phải thú thực rằng đây là một đề tài hết sức thú vị đối với tôi. Trong lịch sử của hoạt động hùng biện, thuyết trình, rất nhiều nhà chính khách, hùng biện gia đã sử dụng những công cụ khác nhau để bổ trợ cho hoạt động thuyết trình, hùng biện của mình. Những công cụ này giống như là một trong những vật nói lên tính cách của từng cá nhân khi họ sử dụng chúng một cách thường xuyên, nhưng cũng có một số vật dụng chỉ được sử dụng một hoặc vài lần nhất định để phục vụ một bài nói duy nhất, trong phần này, chúng ta sẽ cùng điểm qua một vài vật dụng có thể sử dụng trong bài nói của mình.

1. Chiếc tẩu

Chiếc tẩu
Chiếc tẩu tượng trưng cho sự suy nghĩ, nhiều chính khách sử dụng chiếc tẩu để thể hiện những quan điểm mình nói ra là có mục đích, được tính toán từ trước. Trong cuốn Sherlock Holmes, hình ảnh chiếc tẩu gắn liền với nhà thám tử mỗi khi ông đưa ra những phán đoán về vụ án theo nhận định của mình làm tăng thêm sự tin tưởng của người đọc, từ đây ta cũng thấy được phong cách tạo dựng hình tượng của tác giả quả thực rất tài tình và xuất sắc.

2. Chiếc quạt

Chiếc quạt.
Nếu ai đã từng đọc truyện tam quốc chí, thì chắc hẳn sẽ biết vị quân sư mưu lược của nhà Thục, Gia Cát Lượng. Gia Cát Lượng có một đồ vật gắn liền với ông chính là chiếc quạt lông chim, hình ảnh chiếc quạt hiện lên khiến ông giống như một hiền nhân, bình thản, tự tại, ung dung trước thế sự và tình hình, từ đó làm tăng vẻ uy nghi và thanh cao của vị quân sư đại tài này. Chiếc quạt lông cũng được nhiều người ví như vuốt rồng vì Gia Cát Lượng có hiệu là Ngọa Long (con rồng ngủ). 

3. Chiếc gậy

Ở phương tây người ta thường thấy những vị hiền triết sử dụng chiếc gậy, nhiều người thường không hiểu ý nghĩa của hành động này, đa phần họ chỉ nghĩ răng những người này quá già yếu nên phải sử dụng gậy để hỗ trợ. Sự thật là hình ảnh chiếc gậy chính là nhằm mục đích ấy, bên cạnh việc làm cho vẻ bề ngoài trở nên trải đời, thì những nhà hiền triết phương tây cổ sử dụng hình ảnh chiếc gậy như một trong những món đồ thể hiện sự tinh thông, giảng giải đối với người nghe, chiếc gậy hợp với đôi chân trở thành hình ảnh vững chắc vì vậy mà được rất nhiều người mến mộ khi nhìn thấy một cụ già, râu tóc bạc phơ chống gậy.

4. Chiếc mũ

Chiếc mũ
Ở thời Abraham Lincoln, chiếc mũ cao của ông đã trở thành một vật biêu trưng cho trí tuệ và sự thông thái, ông hay cất những bài phát biểu viết tay của mình vào trong chiếc mũ. Sở thích này cũng là do ngày trước ông làm người giao thư. Hình ảnh chiếc mũ cũng xuất hiện gắn liền với lãnh tụ cộng sản VI. Lenin, chiếc mũ mền của ông tượng trưng cho giai cấp công nhân lao động, và mỗi khi diễn thuyết ông lại cầm chiếc mũ mềm trong tay như thể bản thân mình đang nắm lấy sứ mệnh của giai cấp.

5. Thanh gươm, vũ khí

Là những công cụ khi ra trận của những vị tướng thời kì cổ đại, trước khi xung trận hình ảnh vị tướng tuốt gươm giơ lên cao và nói những lời động viên trước hàng quân đã trở thành hình ảnh tuyệt vời đi vào trong thi ca, nhạc họa. Vũ khí được giương cao thể hiện tinh thần chiến đấu và sức mạnh của người nói được nâng lên đáng kể. Đây là công cụ đặc trưng được ưa thích trong thời kì chiến tranh cổ đại.

6. Bản trình chiếu

Thời đại ngày nay, công cụ trình chiếu được sử dụng nhiều hơn và sự ra đời của các phần mềm, máy chiếu khiến cho hoạt động truyền tải nội dung trở nên sinh động hơn bao giờ hết. Một bản trình chiếu đẹp sẽ khiến cho người xem dễ dàng nắm bắt, tiếp thu được ý tưởng mà người thuyết trình, hùng biến đưa ra.

7. Cái ghế

Cái ghế.
Một số người sử dụng chiếc ghế trong hùng biện như một cái bục để leo lên đó, trong cuộc thi thuyết trình thế giới, nhà hùng biện người Anh đứng lên ghế để mô ta cho hành động người bạn của ông bước lên đài vinh quang. 

8. Những đồ vật khác.

Nhìn chung lại, những đồ dùng được sử dụng trong hoạt động thuyết trình, hùng biện là vô cùng đa dạng, có những đồ dùng hết sức tinh tế, một số lại rất đơn giản, một số lại kì quặc nhưng tùy vào sở thích của từng người và phong cách riêng của mỗi người diễn thuyết mà những đồ vật này được sử dụng một cách khác nhau. 

Không có quy ước hay thông lệ nào cho việc sử dụng những công cụ hỗ trợ khi trình bày quan điểm cá nhân, vì thế mà nếu bạn đang có suy nghĩ hay ý tưởng về một món đồ nào đó, hãy thử với nó xem sao. Biết đầu, đó sẽ là phương pháp mới giúp bạn tiến gần hơn với khán giả của mình. 

Đánh giá bài hùng biện

Bất kể bạn thực hiện một hành động nào, thuyết trình, hùng biện hay tranh luận, bạn phải tìm ra được cho mình những phương thức để đánh giá bài nói thật khách quan. Nhận thức được mình nói tốt ở điểm nào hay chưa được ở điểm nào sẽ giúp bạn có được cái nhìn tổng quan và nhanh chóng, kịp thời sửa chữa những khuyết điểm trong bài nói. 

Dưới đây là một số phương pháp có thể áp dụng để đánh giá bài nói của bạn.

1. Sử dụng phương pháp chuyên gia

Hỏi ý kiến một ai đó chuyên về lĩnh vực thuyết trình, hùng biện, sẽ giúp bạn nhanh chóng cải thiện được những kĩ năng của bạn thân mình, quan sát, lắng nghe những người nói hay thể hiện cũng là một phương pháp tốt để học hỏi. Và hiện nay có rất nhiều những kênh như mạng xã hội, trang web như google hoặc các trang nói về hùng biện thể hiện những kĩ năng và mẹo để bạn nâng cao khả năng nói của mình.

2. Sử dụng phương pháp điều tra xã hội

Bạn có thể tham gia vào các cuộc thi được tổ chức hàng năm, tại Việt Nam có các cuộc thi như Socrates, tôi và xã hội, các cuộc thi khác được tổ chức bởi các đơn vị truyền thông,…Nếu như các hoạt động này chưa diễn ra, bạn cũng có thể lựa chọn một vài những cuộc thi với nội dung yêu cầu phải thuyết trình hoặc hùng biện, đây sẽ là những sân chơi tạm thời để bạn thử tài của mình, đánh giá năng lực cá nhân.

Nếu như điều kiện có thể, thì bạn hãy tự thành lập một câu lạc bộ về thuyết trình, hùng biện, như mình đã từng làm và tổ chức các hoạt động xoay quanh đó, phát phiếu đánh giá cho các thành viên thông qua các hoạt động để đánh giá những bài phát biểu của nhau trên tinh thần xây dựng…

3. Hỏi ý kiến mọi người

Bạn có thể hỏi ý kiến những người xung quanh, hoặc nếu có thể, hãy tự quay lại bài nói của mình và đăng lên youtube, trang chia sẻ thông tin hình ảnh tư liệu phim lớn nhất thể giới, nhờ những người xem đánh giá bài nói của bạn, ngoài lợi ích được đánh giá một cách khách quan, bạn cũng có thể trở nên nổi tiếng và kiếm một chút tiền trong lĩnh vực này, rất nhiều người đã làm những video như vlog (thể hiện quan điểm của mình về một vấn đề nào đó) và đạt được nhiều thành công trong đó có thể kể đến những cái tên như Jvevermind, Huy Cung,… 

4. Tiếp thu ý kiến phê bình từ người khác.

Trong quá trình đánh giá bài nói của mình, có thể nhiều lúc bạn bực bội vì nhiều người nói này nói nọ về bài nói của mình. Nhiều người để ý đến những lỗi lặt vặt hơn so với bạn tưởng, đừng lo lắng về điều ấy, cũng đừng nên nổi cáu với những người đã đưa ra quan điểm của họ về bài nói của mình, trên thực tế điều này hoàn toàn bình thường khi chúng ta đứng trước một tập thể thực sự mong muốn bạn trưởng thành và phát triển hơn trong hoạt động thuyết trình và hùng biện. Những người không nể nang mà dám phê bình một cách thẳng thắn những khuyết điểm của bạn thực sự là những người bạn tốt, họ đánh giá bài nói của bạn chứ không đánh giá con người bạn, vì vậy mà điều đầu tiên chúng ta cần làm là gửi cho họ lời cảm ơn chân thành và ánh nhìn thân thương nhất.

Để tôi lấy cho bạn một ví dụ về điều này. Khi một tờ giấy trắng khi bị vây một ít mực vào đó thì đa phần mọi người trả lời cho câu hỏi “Cái gì đây!” đều nhận định câu trả lời rằng: “Đây là một vết mực”. Trong cuộc sống của chúng ta con người thường bị vướng vào những điều tương tự như vậy, họ thường vị mắc phải những cái bẫy “đánh giá” khi đứng trước một sự vật hoặc hiện tượng nào đó. Nếu họ muốn mở một cửa hàng kinh doanh, họ thường để ý đến những nguy cơ mà họ phải đối mặt nhiều hơn là những thuận lợi mà họ có, khi đứng lên nói, hầu hết mọi người đều có một nỗi sợ hiện lên là hình ảnh những khán giả sẽ chê cười họ ở phía dưới.

Thực chất để giải quyết những vấn đề này, bạn cần thay đổi cách suy nghĩ của mình về vấn đề theo một chiều hướng khác. Tại sao tôi lại muốn bạn quan tâm đến điều này, vì thực chất hùng biện hay thuyết trình đều là hoạt động nói, và nếu như bạn không có niềm tin và thái độ đúng đắn vào những hoạt động mà mình đang thực hiện thì rất có thể chỉ sau một đến vài lần bị chỉ trích bạn sẽ từ bỏ mọi thứ. Tôi đã từng chứng kiến rất nhiều người ban đầu mạnh miệng nói rằng mình có thể thuyết trình và hùng biện một cách tự tin và luôn luôn theo đuổi nó bằng mọi giá, nhưng rồi khi họ bị nhận xét về kỹ năng thì cái tôi cá nhân của họ  lại quá lớn để giúp họ có thể tiếp tục trau dồi khả năng ấy, thay vào đó, nó đánh bại là khiến người đó buông xuôi.

Hãy bớt chú ý đến những vấn đề của mình. Bạn có thể sửa được những điều mà người ta góp ý là tốt, nhưng bạn biết đấy, không một ai là có thể hoàn hảo được hết tất cả, trong một bài nói cũng vậy, nếu như để bới lông tìm vết, thì chắc chắn bất kì một ai cũng sẽ tìm thấy một đến một vài những khuyết điểm gì đó trong bài thuyết tình của bạn. Sẵn sàng đón nhận lấy những lời phê bình để rồi khi có thể, hãy phân tích nó một cách rõ ràng hơn, sắp xếp nó lại một cách ngăn nắp và xem xét xem liệu mình có thể giải quyết được vấn đề nào đó hay không.

Thư pháp Thanh Phong

Đăng nhận xét

Mới hơn Cũ hơn