3 Bước để Hùng biện giỏi hơn

3 Bước để Hùng biện giỏi hơn

I. Hãy viết ra giấy:

Chuẩn bị dàn bài là hoạt động đầu tiên để bạn xây dựng một bài nói tốt, có nhiều bạn nói rằng hùng biện thì cần nhiều hơn đến cảm xúc của cá nhân từng người, điều này tôi không phủ nhận, nhưng nếu như bạn có một sự chuẩn bị kỹ lưỡng cho những gì bạn sắp nói, đó sẽ là một hành động mang tính trách nhiệm và là một giải pháp hữu hiệu để đề phòng những tình huống bất trắc có thể xảy ra. Thử tưởng tượng rằng bạn nghĩ rằng việc nói về vấn đề “tại sao nên bảo vệ môi trường” là một chủ đề quá dễ dàng để bạn có thể đem ra hùng biện trước mọi người nhưng đến khi đứng trước bục diễn thuyết thì cảm giác ấy bỗng dưng biến mất, sự nôn nao bắt đầu xuất hiện và bạn bắt đầu nhận ra rằng có một số người quan trọng trong các tổ chức bảo vệ môi trường am hiểu quan điểm này hơn bạn rất nhiều đang trao đổi điều gì đó mỗi khi bạn nêu ra luận điểm cá nhân. Bạn thấy đấy, nếu như có sự chuẩn bị từ trước bạn sẽ có được:

Thứ nhất, một dàn bài những luận điểm hợp lí, cách thể hiện và những ví dụ minh họa sinh động
Thứ hai, những số liệu chính xác, những phương pháp truyền tải đầy sức thuyết phục
Thứ ba, tâm lí đã sẵn sàng cho bài nói.

Và tất cả những người hùng biện hay thuyết trình tài ba nhất trong lịch sử đều là những người có trách nhiệm khi họ đứng lên nói điều gì đó. Hay nói một cách khác, họ luôn luôn nói khi đã được chuẩn bị.

Vậy cách chuẩn bị tốt nhất ở đây là gì? Việc chuẩn bị một dàn bài sẽ được thực hiện dựa trên sở thích của từng người, miễn sao cho hoạt động ấy thật thoải mái. Đối với tôi, tôi thích sử dụng một cuốn sổ tay nhỏ để viết nghệch ngoạc lên đó hơn là ghi chú nó vào trong điện thoại của mình, tôi thấy rằng điều này khiến cho trí óc của tôi trở nên sáng tạo hơn, mỗi khi đặt bút xuống để viết dàn bài cho những bài thuyết trình hay hùng biện của mình thì tôi lại cảm thấy quá trình ấy thú vị hơn là gõ lách cách trên bàn phím máy tính hoặc mân mê ngón tay trên màn hình điện thoại. Thỉnh thoảng tôi có thể thêm một vài hình vẽ, gạch xóa hoặc tô đậm những ý tưởng mới nảy ra trong đầu mình. Dù sao thì đây cũng là một hoạt động mang tính sở thích cá nhân, nhưng việc tôi khuyên bạn nên viết ra giấy cũng dựa trên những cơ sở khoa học của riêng nó. Vì não của bạn được hình thành bởi hai bán cầu não đảm nhiệm các nhiệm vụ khác nhau, một bên đảm nhiệm những hoạt động thiên về lô ghích tính toán, còn một bên thì thiên về nghệ thuật, sáng tạo. Nói một cách đơn giản, nếu bạn viết ra giấy, bạn có thể dễ dàng sử dụng cả hai bán cầu não của mình để sáng tác nên một bài nói hoàn chỉnh. Vậy thì còn chần chừ gì nữa, nếu như bây giờ bạn đã sẵn sàng dấn thân vào con đường trở thành một diễn giả. Hãy thử sắm cho mình một cuốn sổ tay, ít nhiều gì nó cũng sẽ có ích cho bạn trong việc lên ý tưởng phù hợp phục vụ cho bài thuyết trình, hùng biện sắp tới.

II. Từ ngôi nhà đến bục diễn thuyết:

Hãy tưởng tượng một bài nói của bạn bao gồm ba phần, và bố cục của ba phần này giống như đối với một bài văn mà chúng ta được học ở trường bao gồm mở bài, thân bài và kết luận.

Những người hùng biện giỏi sẽ có làm nhiều cách khác nhau để cả ba phần này trở nên hoàn hảo nhất có thể.

1. Phần mở đầu

Mở đầu bài nói bao giờ cũng là phần mà nhiều người quan tâm nhất, nếu như tìm kiếm ở trên mạng, các bạn cũng sẽ nhận thấy có rất nhiều những tài liệu hoặc video hướng dẫn làm thế nào để có thể mở đầu một bài nói tốt, điều quan trọng mà tôi muốn bạn có được ở trong phần mở đầu này chính là hiệu quả mà phần mở đầu mang lại.

Kết thúc phần mở đầu, bạn bắt buộc phải:

Bước thứ nhất: Đập tan rào cản giữa bạn và khán giả
Nhiều diễn giả bắt đầu bài hùng biện của mình bằng cách đập tan khoảng cách hoặc rào cản giữa họ với người nghe, những phương pháp thường thấy nhất là tạo ra sự chú ý, và thu hút ban đầu. Có một lần tôi đã thấy người diễn giả đứng yên bỗng chốc hét toáng lên rằng “Câu hỏi nặng ký! Câu hỏi rất nặng ký!” Điều này khiến người nghe phải chú ý vào điều người ấy nói, họ tập trung lắng nghe để hiểu xem câu hỏi nặng ký ở đây là gì? Và yêu cầu đầu tiên tôi muốn bạn có được chính là việc phá bỏ đi rào cản giữa bạn và khán giả.

Loại bỏ những đồ vật chắn ngang bạn như bàn, bục diễn thuyết cao, điều này sẽ không có lợi nếu như bạn muốn hùng biện trước một ai đó. Việc sử dụng ngôn ngữ cơ thể để làm rào cản giữa bạn và người nghe (như khoanh tay, bắt chân, đeo kính râm,…) cũng không được chấp nhận (xem phần ngôn ngư cơ thể phía sau).
Bước thứ hai: Tạo ra sự ấn tượng và tin tưởng
Khi đã có được sự chú ý của người khác, bước thứ hai để bạn tiến tới trước khi giới thiệu chủ đề cần nói chính là tạo ra sự ấn tượng và tin tưởng, đây là phương pháp điển hình của một số nhà hùng biện, khi chỉ cần một hoặc hai câu là bạn có thể định vị được bản thân trong lòng khán giả. 
Sự ấn tượng và tin tưởng xuất hiện khi bạn:
+ Kể lại câu chuyện nào đó
+ Đưa ra bằng chứng hoặc dẫn chứng cụ thể;
+ Đưa ra trích dẫn của người nổi tiếng.
Điều này là một bước đệm cần thiết để người nghe cảm thấy bạn đáng được nói, và những điều bạn nói đáng được nghe.
Bước thứ ba: Giới thiệu được chủ đề cần nói
Bước cuối cùng trong ba bước và ở bước này, chỉ cần bạn kéo léo hướng người nghe đến chủ đề cần nói của mình là mọi việc sẽ hoàn thành một cách êm đẹp.

Tại sao tôi lại yêu cầu bạn phải thực hiện được ba điều này? Hãy nhớ lại những lần mà bạn phải ngồi nghe một ai đó nói chuyện, bạn có nhớ được tất cả những gì mà người đó nói trong lần đầu tiên hay không? Điều đó là khá khó để có thể xay ra. Trong một nghiên cứu của mình, các nhà khoa học đã chỉ ra rằng khả năng ghi nhớ của con người hoạt động tốt nhất vào những lúc bắt đầu và kết thúc hoạt động tiếp thu kiến thức. 

Bất cứ một ai muốn trở thành một nhà thuyết trình, hùng biện tốt đều cần phải nắm được các để tạo được sự ấn tượng ở phần mở đầu của bài nói. Bạn có thể thực hiện điều này thông qua nhiều cách, kể một câu chuyện, sử dụng một vật trung gian, đặt câu hỏi, trích dẫn một câu thơ,… đừng quên là hãy lồng vào đó cái chất của riêng bạn. Điều này sẽ khiến cho bài nói của bạn trở nên khác biệt và tạo ra được cái riêng của bạn.

2. Phần kết thúc

Như đã nói ở trên, mục đích tôi muốn bạn bắt đầu với hai phần mở đầu và kết thúc trước khi đi vào nội dung bài nói chính là muốn bạn bắt kịp với nhịp độ và tiếp xúc với những điều cơ bản, đơn giản trước hết. 

Phần kết thúc của một bài hùng biện sẽ thường là phần tổng kết, đưa ra đánh giá, khẩu hiệu hành động, lời kêu gọi hoặc một thông điệp.

3. Phần thân bài:

Đây là phần quan trọng nhất của bài nói, phần thân bài sẽ là phần giúp cho khán giả hiểu được rõ hơn toàn bộ về khái niệm, đặc điểm, nhận định của bạn về vấn đề đã nêu ra trước đó, đây cũng là phần mà bạn cần phải cho khán giả thấy được sự đúng đắn trong suy nghĩ của mình khi đưa ra những quan điểm và luận chứng cụ thể. Đối với hoạt động hùng biện, người hùng biện cần phải tạo ra được những luận điểm mang tính chất thuyết phục, để làm được điều đó, ta có thể:

- Tiếp tục sử dụng các ví dụ
- Tạo ra cao trào: Những bài hùng biện tuyệt vời nhất mà tôi từng thấy là những bài hùng biện mà người nói có thể tác động mạnh mẽ tới trái tim của người nghe, những bài hùng biện như vậy thường thì người nói có thể đưa ra những ví điển hình và diễn ta ví dụ ấy bằng ngôn từ cực điêu luyện, dẫn dắt và phác họa ra trong đầu người nghe một bức tranh chân thực đến nỗi có thể khiến họ rơi nước mắt hoặc trở nên nồng nhiệt bùng cháy muốn xắn tay áo vào hành động ngay.

Những cao trào thường được tạo ra bởi sự nhấn nhá của giọng nói, và thường thì được đưa ra sau khi người nói đưa ra những quan điểm sử dụng phép lặp. Vậy phép lặp là gì? 

Ví dụ, trong bài nói chuyện của mình vị diễn ra thể hiện tình yêu với mẹ của mình, ông nói: “Mẹ là người chăm sóc tôi, mẹ là người bảo vệ, mẹ là người giúp đỡ”. Việc lặp lại như vậy khiến cho từ “Mẹ là người” được lặp lại nhiều hơn, người nghe sẽ có cảm giác về khái niệm “Mẹ” được thể hiện ngày một nhiều, và ấn tượng hơn cách nói bình thường như: “Mẹ là người chăm sóc, bảo về và giúp đỡ tôi.” 

Trong bài hùng biện “I have a dream”, Martin Luther King, Jr. đã sử dụng phép lặp và giọng nói nhấn mạnh của mình để làm nổi bật cho quan điểm mà ông đưa ra, sau đây xin trích dẫn một đoạn trong đó:

“And this will be the day -- this will be the day when all of God's children will be able to sing with new meaning:
My country 'tis of thee, sweet land of liberty, of thee I sing.
Land where my fathers died, land of the Pilgrim's pride,
From every mountainside, let freedom ring!

And if America is to be a great nation, this must become true.
And so let freedom ring from the prodigious hilltops of New Hampshire.
Let freedom ring from the mighty mountains of New York.
Let freedom ring from the heightening Alleghenies of Pennsylvania.
Let freedom ring from the snow-capped Rockies of Colorado.
Let freedom ring from the curvaceous slopes of California.

But not only that:
Let freedom ring from Stone Mountain of Georgia.
Let freedom ring from Lookout Mountain of Tennessee.
Let freedom ring from every hill and molehill of Mississippi.
From every mountainside, let freedom ring.
- Khéo léo lồng ghép những quan điểm của bản thân vào trong bài nói.

III. Sự rèn luyện:

Rèn luyện hàng ngày chính là quá trình bạn lặp đi lặp lại hoạt động của mình để nó trở thành một trong những hoạt động chủ đạo trong cuộc sống, thông thường một người phải bỏ ra hơn 10 nghìn giờ để có thể trở nên thông thạo một kỹ năng nào đó, chính vì thế mà nếu như bạn muốn trở thành một nhà hùng biện giỏi, thì hãy xác định cho mình mục tiêu và thời gian tập luyện hàng ngày. Tất nhiên là mình không bắt ép các bạn phải bỏ ra 4 đến 5 tiếng nói liên tục, nhưng giao tiếp trong cuộc sống thì luôn hiện diện, nếu chúng ta để ý vào những cuộc nói chuyện, tập trung vào những cách nói của mình thì đó cũng là một phương pháp rèn luyện rất hiệu quả.

Cho dù là bạn đang được đánh giá là người có khả năng nói tốt nhất thì cũng đừng quên điều này, sự rèn luyện hàng ngày là cách để bạn luôn luôn đổi mới, rèn luyện sẽ giúp bạn mài sắc những kĩ năng của bản thân và là tiền để để bạn nhanh chóng thay đổi cho phù hợp với hoàn cảnh của thời đại. Nếu như bạn phải mất 5 ngày để chuẩn bị một bài hùng biện, hãy rèn luyện để làm sao thu hẹp khoảng cách đó xuống còn 2 ngày. Rèn luyện không có nghĩa là chỉ ôn lại những điều đã có từ trước, rèn luyện cũng giống như chúng ta mài dao, phải làm thế nào để con dao ngày một sắc bén, bản thân bạn sẽ phải luôn luôn nỗ lực tìm tòi những điểm mới, những phương pháp diễn đạt tốt hơn, những cách thức trình bày hay hơn để phục vụ khán giả. Diễn giả Adam Khoo trong cuốn sách “Chiến thắng trò chơi cuộc sống” cũng đưa ra quan điểm về sự đổi mới khi rèn luyện, nó khiến cho những bài giảng của ông luôn được đổi mới và đây là bí quyết khiến cho những đối thủ khác khó lòng mà sao chép và bắt chước được những điều mà ông đã nêu ra. Trong cuộc sống hàng ngày, ta cũng thấy rằng ở nhiều lĩnh vực điển hình như công nghệ thông tin các công ty như Microsoft hay Apple mỗi khi ra một hệ điều hành hay sản phẩm nào đó là họ sẽ bắt tay vào nghiên cứu và xem xét để sáng tạo ra những sản phẩm mới ưu việt hơn. Nếu như bạn không phát triển và tạo ra những “sản phẩm mới” thì người khác sẽ làm điều đó thay bạn.

Vậy đối với hoạt động hùng biện, thì chúng ta rèn luyện bằng cách nào? Bạn có thể 

- Tự mình đánh giá bản thân, tham gia vào các cuộc thi hoặc tự tổ chức những nhóm thuyết trình, những câu lạc bộ hùng biện để mọi người cùng nhau trau dồi và phát triển kỹ năng cho nhau. 

- Không ngừng học hỏi đề trau dồi kiến thức cũng là cách để bạn rèn luyện khả năng thuyết trình của mình. Phần lớn các bạn có thể đọc sách, báo, tạp chí,… để nâng cao vốn hiểu biết của mình, ở trong cuốn sách này mình xin gợi ý với bạn một cách nhỏ, một phương pháp mà mình thường làm để thu thập thông tin bao gồm: Sử dụng công cụ Google Alert (một phần mềm thông báo những từ khóa bạn quan tâm về email của bạn thông qua trang google.com/alert); tải những audio book về máy tính sau đó sử dụng phần mềm để x2 tốc độ (có những cuốn sách mình có thể x3 lần tốc độ) từ đó thay vì bạn đọc một cuốn sách trong 6 tiếng thì bạn chỉ mất khoảng 3 thậm chí là ít hơn 3 tiếng để lĩnh hội hết những điều mà cuốn sách ấy đưa ra.

 - Cố gắng tư duy nhanh hơn. Bạn còn nhớ những lúc tán gấu với cô bạn thân hoặc những lúc thuyết phục bố mẹ mình mua cho món đồ mà mình yêu thích, tất cả những hoạt động ấy đều diễn ra một cách tự nhiên, nhưng những gì bạn nói đều là cả một quá trình trước đó bạn thu thập thông tin để rồi sắp xếp nó thành trật tự nhất định trước khi đưa ra nói với mọi người. Nhưng trong lúc bạn sử dụng thông tin để thuyết phục cô gái ấy, tất cả mọi thứ đều diễn ra rất tự nhiên. Hoạt động hùng biện cũng vậy, bạn không nên học thuộc lòng cả bài nói của mình đến từng câu từng chữ, mà chỉ cần nắm được những ý chính và sau đó thì cố gắng mỗi khi nói đến ý nào thì hãy sử dụng tư duy của mình và kiến thức đã thu thập được trước đó trình bày với khán giả, điều này sẽ mang lại sự tự nhiên và khác biệt trong mỗi lần bạn nói.

Cuối cùng, bạn hãy đọc thêm bài viết "Cách viết bài hùng biện ứng dụng hiệu quả trong thực tế" để có được những phương pháp tốt nhất cho bài nói sắp tới của mình.

Thư pháp Thanh Phong chúc bạn thành công.

3 Nhận xét