Dạy con chữ Nhẫn

Dạy con chữ Nhẫn

Tôi vẫn thường nhớ về thời con nít của mình, tôi thường đường bà và mẹ dắt đi chơi xung quanh khu nhà, vào cái thời đó thì chẳng có bất cứ một thứ gì chắc chắn đối với tôi hết, mọi thứ dưới con mắt của tôi đều có thể trở thành những siêu nhân, cây gậy của Tôn Ngộ Không, hoặc một con ma ghê gớm, cứ mỗi lần như thế tôi lại chạy đến bà hoặc mẹ để khoe, để nói với họ những điều mà tôi nhìn thấy. Và cũng chính những lúc như vậy, tôi thường hay vấp ngã.

Còn nhớ những lúc tôi trượt chân, té xấp mặt xuống đất chảy máu ở đầu gối, ở tay, là mẹ và bà tôi lại vội chạy tới đỡ tôi lên. Bà và mẹ tôi thường an ủi, vỗ về tôi và thông thường, bà và mẹ sẽ “đánh chừa” cái nền nhà, “đánh chừa” cái dây điện, “đánh chừa” bất cứ thứ gì mà bà, mẹ cho rằng đã làm cho tôi ngã.

Mặc dù trong lúc đó tôi cảm thấy hả hê lắm nhưng sau này khi lớn lên, tôi mới nhận thấy rằng chính những hành động đó của bà và mẹ tôi đã làm cho tôi trở thành một con người ít biết nhẫn nhịn. Hễ ai đó gây ra cho tôi bất cứ một sự thương tổn nào, tôi đều muốn tìm cách để trả thù lại ngay lập tức.

Khi tôi viết đến những dòng này, tôi biết rằng có lẽ nhiều người sẽ không lấy làm quan trọng vì đối với những đứa trẻ, việc dạy cho con chữ Nhẫn ngay từ những ngày đầu tiên không phải là điều thực sự cần thiết. Thế nhưng nếu như bạn nhìn lại một vài những quan điểm mà tôi nói sau đây, có thể ý kiến của bạn sẽ khác.

Đợi chút: Hãy đọc qua bài viết "Chữ nhẫn là gì?" để hiểu rõ hơn về định nghĩa mà tôi muốn nói tới.

Tại sao phải dạy cho con chữ Nhẫn?

Nhân chi sơ tính bổn thiện, tính tương cận tập tương viễn. Bác Hồ của chúng ta cũng từng nói rằng, khi người ta ngủ thì trông rất lương thiện, chỉ khi thức dậy mới phân ra kẻ dữ người hiền. Những điều đó đa phần là từ giáo dục mà nên. Tôi muốn bạn hiểu rằng, trong những thời kỳ đầu tiên của cuộc đời, một đứa trẻ được dạy bảo tốt sẽ có thể trở thành những anh hùng tiếp theo trong thiên hạ, sẽ là những người làm rạng danh cho dòng họ, cho gia tộc. Mặc dù tôi ghét phải nói đến điều này nhưng thực tế thì mỗi đứa trẻ khi được sinh ra đều đã gánh trên vai nó một sứ mệnh nào đó.

Tôi không biết rằng ước mơ của con trẻ là gì hay mong muốn của chúng sau này như thế nào, nhưng tôi biết rằng, nếu như ngày hôm nay chúng không học được cách nhẫn nhịn, thì ngày mai chúng cũng chẳng thể nào thành công. Nếu như bạn chưa đọc bài viết “Nhẫn thì được gì” tôi đã viết cách đây không lâu, thì bạn nên nhấp vào đường dẫn để đọc toàn bộ nội dung bài viết mà tôi đã chia sẻ. Bạn sẽ thấy rằng, học Nhẫn chính là giúp cho đứa trẻ mở ra được con đường công danh sự nghiệp sau này, thiết lập được những mối quan hệ và những cơ hội trong tương lai cũng như tự chúng tu tâm rèn tính một cách vô cùng hiệu quả.

Những bước cơ bản để con biết Nhẫn

- Khi đứa bé ngã, từng vội chạy lại ngay:

Mỗi một đứa trẻ khi mới bắt đầu được tiếp thu với những sự vật, hiện tượng xung quanh cuộc sống của chúng, chúng đều dựa vào một thước đo tiêu chuẩn để đánh giá và xây dựng nên những nền tảng đầu tiên cho thế giới quan mà chúng nhận về. Trong đó, cha mẹ chính là thước đo đầu tiên mà chúng biết đến.
Dạy con chữ Nhẫn

Khi chúng vấp ngã, chúng sẽ nhìn về phía bạn để xem xét xem bạn sẽ ứng xử như thế nào. Nếu bạn chạy đến một cách hớt hải, trong thâm tâm của đứa bé sẽ hiện lên suy nghĩ rằng “Con ngã rồi, và tiếp theo sẽ là trách nhiệm của cha mẹ đó”.

Việc chúng ta “đánh chừa” cái nền nhà, “đánh chừa” cái thảm là một phương pháp rất sai lầm khiến cho bản thân mỗi đứa trẻ cảm thấy nó không có lỗi trong việc vấp ngã, việc bạn chạy đến ngay khi đứa bé vấp ngã cũng khiến cho bé có suy nghĩ rằng trách nhiệm nâng nó dậy không phải từ chính bản thân bé.

Chính vì vậy, bạn nên hiểu rằng tốt nhất là đừng nên vội vàng chạy tới khi con mình mắc sai lầm. Hãy để cho con có cơ hội nhận ra trách nhiệm và lỗi lầm ấy là thuộc về ai và giúp bé sống một cách có trách nhiệm hơn.

Vậy điều này có tác dụng gì? 

Dĩ nhiên là sau này khi đứa bé đối mặt với những khó khăn hoặc thất bại, đứa bé sẽ có một rào cản vô hình ngăn cách giữa cảm xúc tức giận với việc tự thân nhìn nhận và suy nghĩ xem trách nhiệm đầu tiên thuộc về ai. Đó chính là nền tảng đầu tiên của chữ Nhẫn.

- Làm gương cho con trẻ:

Năm 2012, gia đình tôi có gặp một biến cố khá lớn, cả gia tài mà bố mẹ tôi suốt bao nhiêu năm gây dựng bỗng chốc vụt tan, lúc bấy giờ là buổi trưa, khi tôi đi học về, trước cửa nhà là một chiếc xe cứu thương, tôi biết có chuyện gì đó không ổn, linh cảm mách bảo tôi phải chạy thật nhanh lên nhà. Khi mở cánh cửa ra, tôi thấy bố tôi đang ngồi ở đó, lắng nghe từng lời mẹ tôi nói:
Mất tất rồi anh ak!
Bố tôi lúc bấy giờ đầu cúi xuống, mắt nhắm nghiền, ông có tiền sử về huyết áp, và đó chính là lý do mà chiếc xe cứu thương đỗ sẵn ở cửa nhà để đề phòng trường hợp bất chắc nhất có thể xảy ra. Lúc tôi bước vào, cũng là lúc ông ngước mắt lên, khi nhìn thấy tôi ông đã khóc, nhưng chỉ là một giọt nước mắt rất nhỏ, chỉ đủ tạo nên một dòng lệ chạy nhẹ xuống má. Sau này tôi biết rằng ông đã rất nhẫn nại trước sự thất vọng, trước những gì mà cuộc đời bắt ông phải gánh chịu khi mà lúc đó ông đang ở độ tuổi 58.
Dạy con chữ Nhẫn

Tôi biết rằng nếu tôi đặt mình ở vị trí của ông lúc đó, khi mà tuổi đã cao và mọi gia tài đều bỗng nhiên vụt mất, có lẽ tôi sẽ chẳng thể nào giữ được bình tĩnh chứ đừng nói gì là kìm chế những giọt nước mắt chảy ra. Đó là lần duy nhất tôi thấy ông khóc, và ông cũng chỉ cần một lần duy nhất đó để nhắc nhở tôi về việc phải nhẫn nại, phải bình tĩnh trong mọi trường hợp.

Một ví dụ khác về việc dạy con trẻ.

Nếu như bạn đứa trẻ nhìn thấy một người cha hay cáu gắt, quát nạt và đánh đập mẹ của nó, đứa trẻ đó sẽ có hai cảm xúc và nó sẽ học được hai điều:

Một là 

Đứa trẻ sẽ muốn bảo vệ cho mẹ nó (người mà đứa trẻ thương yêu) và nó học được rằng cuộc sống này có những người không làm gì mà vẫn bị đánh  >  đứa trẻ sẽ sợ hãi, nhút nhát trước mọi điều sắp diễn ra.

Hai là 

Đứa trẻ sẽ muốn ngăn cản người cha (người đang đánh mẹ nó) và nó học được rằng trong cuộc sống để chiến thắng người khác, thì phải sử dụng nắm đấm > đứa trẻ sẽ bắt nạt những kẻ yếu hơn trong tương lai và dĩ nhiên thứ mà nó sử dụng không gì khác chính là nắm đấm.

Chính vì vậy, nếu bạn muốn cho đứa bé cũng học được sự nhẫn nhịn, thì chính bản thân bạn cũng phải tự mình có được điều ấy, hãy để cho đứa bé thấy được tinh thần và cách bạn xem xét nhìn nhận những vấn đề trong thực tiễn.

- Cho bé biết được lợi ích của sự nhẫn nhịn mang lại:

Trong cuộc sống, cơ hội để bạn dạy bảo con là vô cùng nhiều. “Con hư tại mẹ, cháu hư tại bà” người xưa đã đúc rút được những câu nói vô cùng thâm thúy, mặc dù trong từng thời đại, và trong từng trường hợp câu nói này không hẳn đúng đắn nhưng cũng phần nào cho chúng ta nhận thấy rằng việc một đứa bé có sự ngỗ nghịch, bẫn nhẫn, nóng vội cũng phần nào là do cách nuôi dạy của cha mẹ chưa thực sự chú ý, giành thời gian cho con.
Dạy con chữ Nhẫn
Lấy một ví dụ để bạn dễ hiểu hơn về điều này, trẻ nhỏ thường rất thích xem phim, và chúng thường tìm đến những bộ phim bom tấn và mang nhiều cảnh quay hoành tráng để chiêm ngưỡng. Bạn có thể gợi ý cho bé cùng xem những bộ phim nói về người anh hùng, những bộ phim có cốt truyện liên quan đến lợi ích của chữ Nhẫn, sau mỗi lần xem phim, bạn hãy cùng trò chuyện và cùng đánh giá với bé về những giá trị mà bộ phim mang lại.

Hoặc giả dụ như nếu bộ phim ấy chẳng có cảnh quay nào thực sự liên quan đến chữ nhẫn mà chỉ có những cảnh quay hoành tráng, thì bạn cũng nên phân tích với con theo chiều hướng “Ồ! Cảnh quay hoành tráng thế này chắc mọi người phải quay lại nhiều lần lắm, diễn viên xuất sắc như vậy chắc phải rất nhẫn nại mới thành công”.

Tôi không biết lý do của bạn là gì, nhưng nếu như bạn không làm được điều này hoặc đổ lỗi cho việc không có cách nào để truyền đạt được tư tưởng trên đối với con trẻ, tôi buộc phải nói rằng bạn là một người cha chưa thực sự tốt, một người mẹ chưa thực sự quan tâm tới con cái vì không chỉ riêng cách giáo dục bé tiếp cận chữ Nhẫn trong cuộc sống, bạn còn có trách nhiệm giáo dục con mình trong tất cả các vấn đề và gián tiếp chịu trách nhiệm về cuộc đời của bé trong tương lai.

- Tặng thưởng mỗi lần con làm đúng:

Dạy con chữ Nhẫn
Đôi khi chỉ đơn giản là một lời khen, một lời động viên nho nhỏ cũng đủ khiến cho đứa bé ấn tượng và ghi nhớ trong đầu, rằng lần sau khi không có bạn ở đó, thì đứa bé vẫn sẽ biết cách nhẫn nhịn và sẽ làm điều đó một cách chủ động.

- Thường xuyên lặp lại hoạt động trên:

Tôi không phải là một người có trình độ chuyên môn về lĩnh vực giáo dục, nhưng tôi cũng biết rằng công việc này không phải chỉ tiến hành trong ngày một ngày hai mà phải được thực hiện một cách liên tục, chính sự tác động một cách không ngừng nghỉ sẽ giúp cho đứa bé dần dần hiểu và xây dựng được thói quen nhẫn trong cuộc sống sau này.

Kết lại

Có lẽ đây cũng là lúc tôi kết lại bài viết này, tôi biết rằng bản thân mỗi chúng ta sau khi đọc xong những chia sẻ của tôi sẽ có những suy nghĩ rất khác nhau. Tôi rất hoan ngênh những ý kiến trái chiều và mong muốn các bạn sẽ tương tác thật nhiều với tôi, vì mục đích cuối cùng mà chúng ta hướng tới là vì những “hạt mầm” bé nhỏ. Và chính vì vậy, tôi hy vọng quý độc giả có thể giúp tôi chia sẻ bài viết này tới thật nhiều những phụ huynh khác, với thành ý làm hoàn thiện hơn những giá trị mà tôi đã cung cấp, các bạn có thể liên hệ trực tiếp với tôi hoặc để lại bình luận phía dưới bài viết, tôi sẽ trực tiếp trả lời các bạn trong thời gian sớm nhất.

Thư pháp Thanh Phong | Không chỉ là con chữ, mà phải là cả tâm hồn.

Thanh Phong

Xin chào các bạn, mình là một người thích viết lách và chia sẻ kinh nghiệm

Đăng nhận xét

Mới hơn Cũ hơn