Chu trình lãnh đạo 6 bước bất cứ lãnh đạo nào cũng phải biết

Chu trình lãnh đạo 6 bước bất cứ lãnh đạo nào cũng phải biết
Trong cuộc sống hiện nay, có rất nhiều người đang được nắm giữ những cương vị, những trọng trách cao trong tập thể, những người lãnh đạo làm nhiệm vụ dẫn dắt tập thể đi đến thắng lợi cuối cùng.

Vậy nhưng, ít ai có thể nắm được một chu trình chính xác những bước các bạn cần làm để lãnh đạo tập thể cho tốt. Trong bài viết này, tôi xin đưa ra 06 bước còn gọi là chu trình lãnh đạo tập thể gửi tới quý độc giả thân mến để các bạn có thêm được những kiến thức cơ bản nhất về nghệ thuật lãnh đạo, quản lý.

Chờ một chút

Trước khi vào phần nội dung chính, có một vấn đề khá thú vị mà tôi muốn nhắc tới ở đây, đó là các nguyên tắc trong việc lãnh đạo.

Nói đến đây chắc hẳn các bạn sẽ tự hỏi rằng lãnh đạo mà cũng có nguyên tắc ư? 

Rất nhiều người bỏ qua việc nghiên cứu nghệ thuật lãnh đạo một cách thấu đáo và chặt chẽ, chính vì thế mà họ bỏ quên những nguyên tắc sống còn và gặp phải vô vàn khó khăn trắc trở trong việc lãnh đạo tập thể. Dưới đây là một số nguyên tắc chính mà tôi nghĩ bạn nên biết:

- Nguyên tắc đầu tiên, bạn phải hiểu rõ được bản thân mình và tìm cách để tự cải thiện nó;

- Thứ đến là bạn phải có được một kiến thức đủ sâu rộng về lĩnh vực mà bạn đang lãnh đạo. 

Sẽ chẳng thể có một chút hiệu quả nào nếu bạn giao cho một tay ca sĩ đi làm chủ tịch nước, vì chuyên môn của người nghệ sĩ là đem lời ca tiếng hát tới cho mọi người, chỉ cần giao cho họ cái chức lãnh đạo đất nước trong một ngày thôi thì cũng đủ để cho mọi thứ trở nên tồi tệ lắm rồi.

- Nguyên tắc thứ ba. Bạn nên tìm và chịu trách nhiệm 100% về những việc bạn làm cho tập thể.

Rất nhiều lãnh đạo bỏ quên đi vấn đề này, nếu như những ai đã từng đọc cuốn sách “Bí quyết gây dựng cơ nghiệp bạc tỷ” của Adam Khoo, chắc hẳn các bạn sẽ hiểu được ý mà tôi đang muốn nói tới ở đây.

Nhiều nhà lãnh đạo công ty thường đổ lỗi cho thị trường khan hiếm, do đối thủ cạnh tranh, do môi trường kinh doanh quá khốc liệt để tự biện hộ cho những kết quả không mấy khả quan của công ty.
Đối với tôi, một người lãnh đạo giỏi phải là người lãnh đạo biết chịu trách nhiệm về những kết quả mà công ty mình đang gặp phải chứ không phải đổ lỗi “cho thời tiết” hoặc bất cứ điều gì. Vì nếu bạn làm như vậy, sự thành công của bạn cũng chỉ mong manh và bị lệ thuộc quá nhiều vào những thứ bạn không thể kiểm soát.

- Bí quyết thứ tư, đưa ra quyết định đúng đắn và kịp thời:

Không phải ai cũng có được sự quyết đoán trong công việc, thực tế thì sự quyết đoán đôi khi phụ thuộc nhiều vào cảm tính chủ quan, dựa trên những kinh nghiệm trong cuộc sống. Tôi không muốn bạn quá đặt nặng vào nguyên tắc này, nhưng nếu có được sự quyết đoán, rõ ràng bạn sẽ là một người lãnh đạo giỏi, truyền được rất nhiều cảm hứng cho nhân viên dưới quyền của mình.

- Năm. Làm gương:

Không phải tự nhiên mà nhiều vĩ nhân (trong đó có Bác Hồ) lại lựa chọn cách “Làm gương” như một trong những phương pháp hữu hiệu để lãnh đạo mọi người. Vấn đề này sẽ được tôi giới thiệu nhiều hơn trong phần dưới của bài viết.

- Sáu. Hiểu nhân viên và mang lại niềm hạnh phúc cho họ: 

Bạn sẽ làm gì khi lãnh đạo môt nhóm người có trình độ thấp, ít hiểu biết?

Rõ ràng là bạn cần phải sử dụng những ngôn ngữ đơn giản hơn, mộc mạc hơn và đưa ra những lợi ích thiết thực hơn để giúp cho những người nhân viên có thể dễ dàng hiểu được ý định và kích thích được tinh thần làm việc của mọi người.

- Bảy. Luôn thông báo cho nhân viên của mình về bất cứ sự thay đổi nào:

Những người cấp dưới của chúng ta thường có tâm lý chung là nắm bắt được rõ nét nhất những yêu cầu và tính các của người lãnh đạo, để họ tùy vào đó mà làm việc, bạn cũng cần phải trau dồi thêm cho mình cách để truyền đạt thông tin tới mọi người trong thời gian ngắn nhất.

- Tám. Phát triển ý thức trách nhiệm trong đội ngũ
- Chín. Đảm bảo rằng các nhiệm vụ đều được hiểu, giám sát và hoàn thiện:

Tôi rất thích nguyên tắc này, vì sự đoàn kết đôi khi là sức mạnh khiến cho một nhóm người nhỏ bé có thể vượt qua những đối thủ đáng gờm chỉ trong một thời gian rất ngắn. Khiến cho mọi người yêu quý mình đã là một việc làm rất khó, đây lại là việc khiến cho mọi người yêu quý lẫn nhau, chắc chắn sẽ còn khó hơn gấp vạn lần. Nhưng bạn hãy cứ tự tin lên, vì tôi ở đây để giúp bạn tìm kiếm ra những phương pháp tốt và hữu hiệu nhất cho những vấn đề bạn đang tìm kiếm.

- Mười. Đảm bảo nhân viên đoàn kết, tận dụng tối đa khả năng của tập thể.

Sau khi bạn đã nắm chắc được những nguyên tắc lãnh đạo mà tôi đưa ra trên đây, thì bây giờ cũng là lúc để các bạn tìm hiểu về một quy trình lãnh đạo khép kín, xoay vòng và lặp đi lặp lại.

Mô hình lãnh đạo này sẽ giúp cho bạn phát triển tập thể theo hình xoắn ốc, cứ thế phát triển không ngừng nếu bạn làm tốt tất cả các bước. Cụ thể:

1. Xác định mục tiêu, giá trị cốt lõi

Mỗi một người lãnh đạo đều phải xác định được mục tiêu trước mắt của tập thể, trong đó có mục tiêu dài hạn, mục tiêu trung hạn và mục tiêu ngắn hạn. Bên cạnh những mục tiêu chính bạn đặt ra, bạn cần phải khéo léo kết hợp nó với những giá trị cốt lõi của toàn thể đơn vị, tổ chức.

Nếu như công ty của bạn là một công ty thiên về lĩnh vực cho thuê xe hơi đi du lịch, thì bạn không nên đưa ra những mục tiêu không liên quan đến lĩnh vực của công ty. Tốt nhất nên dựa vào những giá trị cốt lõi, tầm nhìn chung nhất để xây dựng nên những mục tiêu cần đạt được.

2. Suy nghĩ về phương pháp, cách thức thực hiện

Nếu như bạn đã có một mục tiêu rõ ràng và cụ thể, điều cần làm lúc này là suy nghĩ về những phương pháp, cách thức cụ thể để đạt được mục tiêu ấy.

Nếu cảm thấy quá khó khăn trong việc đưa ra quyết định xem giải quyết vấn đề đó như thế nào thì tốt nhất bạn nên tìm đến những người đáng tin cậy để hỏi xem ý kiến, quan điểm và lời khuyên. Nhiều cái đầu thì luôn có những suy nghĩ đa chiều, hiệu quả hơn chỉ một.

3. Truyền bá ý tưởng

Hay nói một cách khác, công đoạn này chính là việc chúng ta phải truyền được cảm hứng về việc hoàn thành mục tiêu ấy cho những người xung quanh hay những nhân viên dưới quyền.
Tư tưởng không thông thì vác bình tông cũng nặng.

Nếu như bạn không tìm thấy được những lý do thích hợp để thuyết phục người khác nghe theo và tích cực hoạt động theo mục tiêu bạn đã chọn, hoặc sử dụng quyền lực để trấn áp, bắt ép người khác làm theo ý mình, thì khả năng nhiều hiệu quả công việc sẽ không cao mà bạn thì sẽ rơi vào vòng tròn của sự cô lập trong tập thể.

Chính vì vậy, nếu như bạn không giỏi thuyết phục người khác thì hãy thử tìm tới một số lớp học diễn thuyết trước công chúng, hoặc đọc qua một vài bài viết liên quan đến nghệ thuật hùng biện. Còn nếu thậm chí bạn không thể thực hiện được điều ấy thì hãy chứng minh cho người khác thông qua những hành động thiết thực mà công việc bạn đang hướng tới mang lại.

4. Định hướng

Sau khi nhân viên đã nghe theo bạn và tích cực thực hiện theo những điều bạn nói ra, họ sẽ khó có thể đi được đúng đường nếu như không có sự định hướng của bạn.

Nói một cách đơn giản nếu như chúng ta chỉ dừng lại ở chỗ khiến cho mọi người tin vào chiến lược “bán được 20 chiếc xe hơi trong 1 tuần” thì vấn đề đặt ra là làm thế nào để nhân viên đạt được con số ấy. Bạn phải hướng dẫn người ta trong các công đoạn tìm kiếm khách hàng, tư vấn, chốt sale, chăm sóc sau khi mua,…

5. Dẫn dắt cấp dưới

Hơn lúc nào hết, có những công việc quan trọng, những việc làm mạo hiểm mà cấp dưới đôi khi e ngại hoặc thậm chí là sợ sệt, lúc này, công việc của người lãnh đạo là phải trở thành người tiên phong đi đầu trong hoạt động dẫn dắt mọi người. Để mọi người thấy được sự nhiệt tình, nỗ lực, thấy được một tấm gương vô cùng đáng để noi theo.

6. Giám sát

Khi mọi việc đã vào guồng quay của nó, người lãnh đạo sẽ cần phải ngồi vào vị trí giám sát để đảm bảo cho tất cả các phần việc được diễn ra theo đúng quy trình. Một người lãnh đạo giỏi không nên nhúng tay vào tất cả mọi việc mà tốt hơn hết là phải biết cách giao nó cho những người phù hợp và đáng tin cậy.

Về cơ bản thì khi ta phân loại lãnh đạo, chúng ta sẽ thấy có những loại chính như:

- Lãnh đạo theo khu vực, linh vực: Như khu vực công, tư; lĩnh vực kinh tế, chính trị, văn hóa,…
- Lãnh đạo theo quy mô: Nhóm, cộng đồng, địa phương, quốc gia, toàn cầu…
- Theo chủ đề: như cá nhân, tập thể, tổ chức, quốc gia…
- Theo phương thức và phong cách: dân chủ, độc tài…

Tùy vào từng loại hình lãnh đạo mà tôi khuyên bạn nên có những phương thức khác nhau để duy trì công việc trong cả tập thể (điều này sẽ được tôi giới thiệu kỹ hơn trong những bài viết tiếp theo).
Trên đây là một số bước quy trình trong hoạt động lãnh đạo tập thể mà tôi rút ra được trong cuộc sống. Rất hy vọng rằng bài viết này sẽ giúp ích cho bạn trong việc giải quyết những vẫn đề liên quan.

Thư pháp Thanh Phong thủ bút.

Thanh Phong

Xin chào các bạn, mình là một người thích viết lách và chia sẻ kinh nghiệm

Đăng nhận xét

Mới hơn Cũ hơn