5 Sai lầm cần tránh khi học thư pháp Việt

học thư pháp Việt
Trong quá trình học thư pháp Việt, đối với những người mới học, mình xin lưu ý với các bạn một số những vấn đề cần tránh. Đây là những sai lầm cơ bản mà nhiều người gặp phải khi mới tiếp xúc với thư pháp và mới bắt đầu rèn luyện bộ môn nghệ thuật này.

Đây cũng là một trong những bài viết mình đã đầu tư khá nhiều công sức và thời gian để hoàn thành nó phục vụ các quý độc giả của thư pháp Thanh Phong, chính vì thế nếu có thời gian mong bạn hãy giúp mình chia sẻ bài viết này đến với nhiều người hơn. Không dài dòng thêm nữa, sau đây là 5 sai lầm cần tránh khi học thư pháp Việt

1. Cách cầm bút

học thư pháp Việt
Cách cầm bút là điều đầu tiên mỗi người viết thư pháp phải học
Khi mới bắt đầu tập thư pháp, việc đầu tiên mà mỗi chúng ta được hướng dẫn chính là việc làm quen với cây bút, cách cầm bút đúng sẽ giúp cho mỗi người dễ dàng cảm nhận và điều khiển được ngọn bút theo ý mình và ngược lại, cầm bút sai cách sẽ khiến chúng ta gặp phải khó khăn trong cách vận nét, đôi khi có những nét bút không thể viết được nếu như cầm bút sai.

Chính vì vậy, hãy lưu ý cách cầm bút đúng tư thế và tìm hiểu rõ hơn về cách cầm bút thông qua bài viết "Phương pháp luyện chữ thư pháp" mà mình đã từng đề cập với các bạn trong những bài viết trước đây.

2. Tư thế viết chữ

học thư pháp Việt
Tư thế viết thể hiện cốt cách, tinh thần của người cầm bút
Tư thế viết thư pháp là một trong những yếu tố mà mình thấy rằng có nhiều người mắc lỗi sai nhất, do việc viết thư pháp cần phải tập trung cao độ nên mình thấy rất nhiều người khi viết thư pháp còng hết lưng, ép sát mặt xuống trang giấy với mong muốn điều khiến tốt hơn nét bút của mình.

Đây là những lỗi sai về cơ bản mà chính bản thân người tập luyện thư pháp cũng khó có thể thấy được, chỉ khi được tập luyện chung với người khác hoặc có thầy giáo hướng dẫn thì lỗi này mới được khắc phục một cách triệt để.

Khi viết, hãy ngồi thẳng, mắt hướng xuống giấy, kể cả với các tư thế khác cũng phải thể hiện được sự phòng khoáng, thoải mái, ngay thẳng của người viết. Tránh tình trạng gù lưng, còng người làm gây mất thiện cảm với những người xem.

3. Luyện tập liên tục

học thư pháp Việt
Nên có một vài khoảng thời gian nghỉ ngơi trong quá trình tập luyện
Nhiều người khi mới bắt đầu tập luyện thư pháp thường lao vào tập ngày tập đêm với hy vọng rằng sẽ tiến bộ lên một cách nhanh chóng. Điều này là một suy nghĩ rất đúng đắn và đáng ghi nhận, nhưng bạn nên nhớ rằng việc cố gắng làm một việc gì đó trong thời gian dài đôi khi cũng gây nên những hậu quả ngược chiều.

Tốt nhất là thay vì chúng ta tập luyện liên tục trong vòng 4 đến 5 tiếng thì hãy phân chia buổi học ra nhiều tiết học nhỏ, có một vài quảng nghỉ giữa buổi tập để tinh thần được thoải mái, nghỉ ngơi và hình dung lại những gì chúng ta vừa học.

"Vật cực thì dễ phản", vậy nên cách làm này sẽ giúp bạn cải thiện một cách đáng kể chất lượng của mỗi buổi học. Hãy thử và cảm nhận nhé!

4. Nóng vội, bỏ qua giai đoạn

học thư pháp Việt
Luyện tập là cả một quá trình, ăn cắp giai đoạn không thể thành công
Một suy nghĩ mà khá nhiều người mắc phải đó chính là việc mong muốn mau mau chóng chóng vượt qua các bộ nét cơ bản để tiến tới học đại tự, tiểu tự, ghép bố cục rồi ghép chữ, nhưng về thực tế thì đây lại chính là một sai lầm lớn đối với bất cứ ai mới tập thư pháp.

Chúng ta nên nhớ rằng đối với những người có nhiều năm kinh nghiệm, họ vẫn phải thường xuyên tập luyện lại các nét bút pháp cơ bản hàng ngày, chính vì thế việc ăn cắp giai đoạn, nóng vội trong việc luyện tập thư pháp không những gây phản tác dụng mà còn khiến cho các bạn tiếp tục mắc phải các sai lầm tiếp theo trong chương pháp, bố cục khi mà tay đã quen với những lỗi sai, sẽ rất khó để sửa chữa được lại.

Bởi vậy nên mình vẫn khuyên các bạn nên chú tâm, bình tĩnh, tập luyện cho thật tốt từng nét một trước khi chuyển sang tập các nét tiếp theo.

Gợi ý bạn đọc bài viết "Cách giúp bạn tập trung khi học thư pháp"

Thư pháp là môn học tu tâm, dưỡng tính, chính vì thế nếu bản thân bạn có suy nghĩ nóng vội mong muốn sớm đạt được những thành tựu thì nên dẹp bỏ ngay suy nghĩ ấy trước khi quá muộn.

5. Không luyện tập thường xuyên

học thư pháp Việt
Người lười biếng thì không nên học thư pháp. Học thư pháp thì không lười biếng
Trái với việc luyện tập liên tục, không luyện tập thường xuyên là việc bạn bỏ bê luyện tập trong một thời gian dài hoặc không có lịch trình tập luyện cụ thể, thời gian tập luyện cũng cách xa nhau quá nhiều, khiến cho trình độ của bạn khó được cải thiện.

Thư pháp là bộ môn đòi hỏi cực kỳ nhiều thời gian và công sức, cho dù là những người có thiên hướng bẩm sinh trong nghệ thuật, việc tập luyện thường xuyên vẫn là một trong những yếu tố quan trọng, hàng đầu quyết định sự thành công hoặc thất bại của mỗi thư pháp gia.

Những lý do thường thấy đối với những người mới học viết thư pháp chính là "Không có thời gian", "Không có điều kiện" để tập luyện.

Nhưng thực chất đối với bản thân mình thì lời khuyên lớn nhất chính là:

"Nếu bạn có thời gian để làm những việc khác, thì chẳng có lý do gì bạn không có thời gian để tập thư pháp"
Chỉ cần bỏ ra ít nhất 30 phút một ngày là cũng đủ để chúng ta nâng cao khả năng bút pháp của bản thân.

Một số người nói với mình rằng họ sống cùng với người khác, đồ viết thư pháp lại đòi hỏi quá nhiều thứ, nào là mực, nào là bút, nào là giấy tập...

Thì lời khuyên của mình chính là "Nếu bạn không sẵn sàng bày biện những thứ ấy ra cho mỗi buổi tập, thì cũng đồng nghĩa với việc bạn nên từ bỏ thư pháp vì nó giành cho những người thực sự mang trong mình niềm đam mê, yêu thích, và thực sự mong muốn tìm đến một bộ môn nghệ thuật giúp họ tu tâm, dưỡng tính, rèn luyện tinh thần".

Thời điểm khó khăn nhất chính là lúc trước khi chúng ta bắt đầu làm một việc gì đó, thế nên thay vì cứ ngồi đó phân vân về việc có nên làm hay không, hãy xắn tay áo lên để bắt tay ngay vào hành động. Nếu bạn có quá ít thời gian, hãy tập trung thật nhiều vào chất lượng của mỗi buổi tập, luyện nét nào, chắc nét ấy thay vì lan man tập mỗi thứ một chút, hoặc đang tập thì lại bị phân tán bởi những việc làm khác gây mất tập trung, giảm chất lượng buổi tập luyện.

Trên đây là một số lưu ý của Thư pháp Thanh Phong về những sai lầm cần tránh khi học thư pháp Việt. Rất mong rằng bài viết này sẽ giúp ích cho những bạn mới tập viết nhìn nhận một cách đúng đắn hơn và có được những kế hoạch tập luyện đúng đắn trong tương lai.



Thư pháp Thanh Phong
Thanh Phong

Xin chào các bạn, mình là một người thích viết lách và chia sẻ kinh nghiệm

1 Nhận xét

Mới hơn Cũ hơn