TẢN MẠN VỀ THƯ PHÁP VIỆT

Thư pháp Việt
Tranh thư họa: Nhân quả
Cứ mỗi dịp tết đến xuân về, đi du ngoạn hái lộc đầu xuân người Việt ta còn thường có thói quen tìm "thầy đồ" xin chữ về treo. Coi chữ thư pháp thư họa như một bức tranh, một món ăn tinh thần không thể thiếu, rồi tác phẩm ấy đem về được treo đặt ngay ngắn trên vị trí trân trọng nhất trong mỗi gia đình. Theo quan niệm người phương Đông, chữ thư pháp có ý nghĩa sâu sắc về mặt phong thủy. Thầy đồ cho chữ, tặng chữ bằng cách viết một hay nhiều chữ lên một tờ giấy lớn có nội dung mang tính chúc tụng, giáo dục, nêu một phương châm sống, chân lý sống. Chữ viết trên bức thư pháp không chỉ là những ký tự khô khan mà nó là cả tri thức, là tâm hồn, là ước vọng vươn tới tầm cao của trí tuệ, là tình cảm dưới với trên, sau với trước trong mỗi con người.

Trong qua trình đi lên, quá trình tiến hóa của nhân loại, từ sơ khai đến thời đại văn minh, việc sáng tạo ra chữ viết ra sách vở là những sáng tạo kỳ diệu, chữ không phải chỉ là những ký tự trống rỗng khô khan, mà nó còn phải có hồn, có tình, là những ký tự mang thông tin và trí thức phục vụ phản ánh cuộc sống.

Tản mạn về thư pháp Việt

Nói đến thư pháp người ta nghĩ ngay đến hình ảnh một "ông đồ" với kiểu viết chữ Hán, chữ Việt, nêu bật một phương châm sống. Nét chữ mang đầy tính hình tượng, đôi khi lại như rồng bay phượng múa, lối viết đó gọi là thư pháp. Thư nghĩa là viết, pháp nghĩa là phép, tức là cách viết chữ hay. Nguyên tắc cơ bản trong viết thư pháp là hình và thần, thể hiện chữ viết, là phương tiện để thông qua tâm thức con người.

Xa xưa, Thư pháp bắt nguồn từ Trung quốc và Ả Rập, Nghệ thuật thư pháp được thể hiện bằng chữ Hán, các nhà thư pháp Trung Hoa đã nghiên cứu kỹ và hoàn thiện phương tiện dụng cụ không thể thiếu đó là : Bút - nghiên - giấy - mực, hay vẫn được gọi là " Văn phòng tứ bảo ". Về bút họ tạo ra bút lông với nhiều loại; to, nhỏ, cứng, mềm, tù, nhọn khác nhau, để viết những chữ khác nhau. Vật liệu làm bút là các loại lông thú, lông gà, cả tóc trẻ sơ sinh… Họ tạo ra nhiều loại mực viết khác nhau. Lúc đầu họ viết trên thẻ tre, vỏ cây tre, trên mai rùa, trên xương thú. Mãi sau người Trung Hoa đã phát minh làm ra giấy viết đầu tiên trên thế giới. Họ cũng đã khảo sát rồi rút ra đúc kết; có 4 nơi đã làm nghiên mực đẹp nhất, họ đã chế tác ra cái nghiên mực đẹp như một tác phẩm điêu khắc. Ở đất nước Nhật Bản họ gọi nghệ thuật viết chữ đẹp là Thư đạo, ở Hàn Quốc gọi là Nghệ thư, còn Việt Nam ta gọi là Thư pháp.

Thư pháp Việt Nam, trước đến nay bao gồm có 2 dòng chảy; đó là thư pháp Hán - Nôm và thư pháp chữ Việt (Quốc ngữ). Thư pháp Hán - Nôm ở Việt Nam có tự bao giờ tuy chưa ai xác định được cụ thể, nhưng chúng ta có di sản thư pháp chữ Hán chữ Nôm do người Việt Nam chủ bút. Từ thế kỷ trước, Việt Nam ta có những nhà thư pháp Hán - Nôm lừng danh, họ đã từng tỏa sáng trong các cuộc thi viết chữ đẹp ở Trung Quốc, Nhật Bản, Triều Tiên. Nhiều tài liệu, sử sách cũng đã ca ngợi và ghi nhận, ở nước ta nói về thư pháp chữ Hán họ không quên nhắc tới bốn nhân vật nổi tiếng, được tôn vinh là "tứ trụ" thư pháp Việt Nam.

Đó là ai?

- Cụ Thanh Hoằng Khê Lê Xuân Hòa (người làng Phú khê, Hoằng Phú, Hoằng Hóa, Thanh Hóa ).
- Cụ Lỗ công Nguyễn Văn Bách.
- Cụ Vĩnh nguyên Lại Cao Nguyện.
- Nam ba cầm văn, Tiến sỹ Hán học Cung Khắc Lược.
Về thư pháp chữ Việt được đánh dấu từ những năm 60 thế kỷ trước, nở rộ khoảng 30 năm gần đây, đó là sự sáng tạo rất đáng trân trọng, mang âm lượng nguồn cội, là sự tiếp nối kế thừa của thư pháp truyền thống.

Tựu trung thư pháp Việt quy ra có 4 lối viết truyền thống:

- Chữ Chân phương; rất phổ biến, rõ ràng, dễ đọc, nét bút uyển chuyển.

- Chữ Cách điệu; thể hiện thành những chữ hình tượng khác nhau, nặng về hình hơn chữ, khó đọc nhưng dễ cảm nhận được tác giả qua những hình ảnh ẩn trong tác phẩm

- Chữ Thảo ; Cách viết phóng túng khiến người xem khó nhận biết, luôn chứa nội lực của người viết, đội khi phải suy luận mới ra.

- Chữ Mộc ; là loại chữ viết ngược, dùng khắc trên bản in gỗ.

Thư pháp chữ Việt đôi khi còn kết hợp cái thần của loại chữ Hán và nét chữ Quốc ngữ, đây là sự giao hòa tuyệt vời giữa văn hóa Đông và Tây. Nhìn chung đều có tính biểu cảm sâu sắc, kết hợp các chất liệu như giấy dó, giấy mỹ thuật, giấy lụa, mành tre, trên gỗ, trên đá… được làm nền tạo cho tác phẩm phong phú hơn, đa dạng hơn.

Hiện nay phong trào thư pháp phát triển ngày một mạnh mẽ trong cả nước

Đã có nhiều CLB thư pháp ra đời ở các thành phố lớn, các miền kinh đô xưa. Tại Thanh Hóa Câu lạc bộ thư pháp Xuân Hoa được ra đời tháng 9/2010 nhằm nghiên cứu, dịch thuật, phát huy nghệ thuật thư pháp, thư họa, viết chữ Hán, chữ Nôm và chữ Quốc ngữ, thông qua hoạt động nhằm nâng cao nhận thức và hiểu biết về nghệ thuật thư pháp, giao lưu, trình diễn phục vụ nhân dân trong các dịp lễ tết, góp phần gìn giữ và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc và sắc thái văn hóa xứ Thanh. Tháng 4/2016 CLB vinh dự được công nhận là thành viên của Hội VHNT Thanh Hóa.

Nghệ thuật thư pháp luôn đòi hỏi người viết sự khổ luyện không ngừng. Luyện chữ thư pháp đề cao tâm hồn tinh thần của người Việt. Mỗi bức thư pháp bao giờ cũng có hai con người đồng cảm, đó là bộ óc trí tuệ của người cho chữ, gặp trái tim tâm hồn người nhận. Thư pháp Việt đang từng bước khẳng định vị trí của một bộ môn nghệ thuật độc đáo, ở đó còn hiện lên cái tâm cái tầm của người cho chữ, đòi hỏi người viết vừa phải có hoa tay, lại phải hiểu được cái ý tứ sâu xa, cái thần, cùng cái thâm trầm của con chữ.
Cốt cách của người cầm bút, đích thị phải là nhà thư pháp tâm huyết, tài năng và trí tuệ.
Nguồn: Đăng Văn
Thanh Phong

Xin chào các bạn, mình là một người thích viết lách và chia sẻ kinh nghiệm

Đăng nhận xét

Mới hơn Cũ hơn