Bài học từ những cuộc họp thảm hại

Bài học từ những cuộc họp thảm hại


Mấy tuần trước tôi có gặp một vài rắc rối với nhóm làm việc của mình. Quan điểm của tôi cho rằng một nhóm làm việc không chỉ đơn thuần là tập hợp một nhóm người, mà đó là một nhóm người phù hợp. Tôi chấp nhận rằng nhóm của mình không có những con người giỏi nhất nhưng cái mà tôi muốn chính là việc cả nhóm có thể hoạt động với nhau ăn khớp nhất hay không, và rõ ràng hôm đó chúng tôi đã không làm việc một cách hiệu quả. 

Chả là trong nhóm có một vài bất đồng, chúng tôi cãi nhau và thế là có hai người xin ra khỏi nhóm, tôi thì bực tức cho ngừng cuộc họp và lao ra ngoài kiếm chút không khí. Bạn thấy đấy làm việc nhóm đâu phải lúc nào cũng dễ dàng. Mọi thứ đều có thể xảy ra và để nhìn về hôm đó xem ai là người có lỗi thì có lẽ tôi nghĩ rằng phải gọi là tất cả mọi người. Suy cho cùng, tôi đánh giá buổi họp hôm đó thất bại vì các lí do sau:

1. Các thành viên thiếu tôn trọng lẫn nhau

Tại sao lại thiếu tôn trọng lẫn nhau, cho dù có phải như thế hay không thì việc một người nói và nhiều người khác không lắng nghe chính là nguyên nhân dẫn đến sự bực tức. Kết thúc buổi họp ngày hôm đó, tôi thậm chí còn tự hỏi rằng “tại sao lại có những đứa trẻ con như vậy?” 

2. Các thành viên không lấy đại cục làm trọng

Bất cứ một buổi họp nào được tổ chức đều có những lí do của riêng nó, và những buổi họp như vậy đòi hỏi phải đạt được một số những thành quả nào đó, nhưng hôm đó chúng tôi chẳng thu được điều gì. Mục đích của buổi họp rõ ràng là rút kinh nghiệm và đưa ra các giải pháp để tổ chức một buổi sinh hoạt đạt hiệu quả, nhưng một số thành viên đưa ra những giải pháp rất chung chung và chỉ chăm chăm xem có đứa nào bắt bẻ gì mình và mắng nhiếc nhau. Đại loại như thể “Buổi sinh hoạt đó em muốn chúng ta phải tạo ra được một sự ấn tượng” hay “em muốn nó là buổi sinh hoạt kích thích được sự tương tác của khán giả!”. Ừ thì muốn là như thế, nhưng thay vì cứ ngồi và mong muốn, tại sao không nghĩ ra một vài những gợi ý cho cả nhóm cùng tham khảo xem, và thử rằng có ai là không muốn những điều ấy không cơ chứ.

Họp hành ở Việt Nam luôn là chủ đề nhức nhối, và tâm lí chung của mọi người là ngại tranh luận để tìm ra phương án tốt nhất. Thế mới nói, bên tây nó cãi nhau chán xong rồi làm với nhau, bên mình thì ngồi với nhau chán rồi ra làm thì cãi.

3. Thiếu hào hứng

Lí do này cũng xuất phát từ những buổi sinh hoạt từ trước đó, khi mà trong thời gian này câu lạc bộ chưa thực sự có được những bước chuyển hiệu quả, điều đó khiến cho một số người cảm thấy thiếu hào hứng. Quan điểm của tôi về vấn đề này là tôi không tán thành cách làm ấy. Con người tôi không thích bàn lùi và nếu như tôi không thích thì hoặc là tôi nghỉ hai là tôi sẽ tìm hiểu xem nguyên nhân do đâu mà ra, và làm thế nào, để khắc phục nó.

Vậy tôi muốn điều gì từ nhóm làm việc của mình?

Thực ra thì không hẳn là mong muốn, ở cái thời điểm này tôi hy vọng rằng họ, các thành viên trong nhóm sẽ nhận thức được rằng họ đang là ai, họ đang làm gì. Chúng ta phải hiểu được rằng khi tham gia vào bất cứ một nhóm làm việc nào, chúng ta cũng đều là những người đặt nền móng, những nhà tư tưởng, những người đi tiên phong. Chúng ta phải xây dựng được cho mình lối suy nghĩ cấp tiến và sáng tạo. 

Chúng ta là những người bạn cùng nhau hợp tác vì một mục đích cuối cùng của cả một tập thể, và chính những thành viên trong tập thể chứ không phải ai khác là người trực tiếp kiểm tra, đánh giá và đề ra những phương án tiếp theo cho công việc được thực hiện một cách xuôi chèo mát mái. Một nhóm không thể làm việc tốt với nhau nếu như những người đó chỉ tập trung vào lợi ích của riêng bản thân mình. Họ phải đặt lợi ích của tập thể lên trên hết, và từ lợi ích của tập thể họ sẽ nhận lại lợi ích cho bản thân mình. Sẽ là gì nếu như chúng ta tham gia vào câu lạc bộ Hùng biện chỉ để lấy cho mình cái danh tiếng hão huyền, hoặc thể hiện mình là một người biết cách ăn nói mà không chú trọng vào công tác xây dựng câu lạc bộ ngày một vững mạnh hơn? Đó là tinh thần thiếu kỉ luật và vô trách nhiệm với công việc chung.

Thông qua buổi họp đó, tôi nghĩ rằng bản thân mình phải chấp nhận một vài điều, thứ nhất là phải chấp nhận và sẵn sàng chấp nhận những lá đơn xin từ chức, và thâm chí là sẵn sàng “sa thải” những cá nhân không có tinh thần vì tập thể. Thứ hai là luôn luôn chú tâm, thực hiện tốt công việc của mình và tôn trọng mọi người. Và cuối cùng là luôn luôn thực hiện công việc của mình với tinh thần và chí tiến thủ cao nhất.

Thư pháp Thanh Phong
Thanh Phong

Xin chào các bạn, mình là một người thích viết lách và chia sẻ kinh nghiệm

Đăng nhận xét

Mới hơn Cũ hơn